Một số thực phẩm giàu cholesterol nhưng vẫn tốt cho người bị mỡ máu

Việc hiểu và chế biến đúng cách những thực phẩm này có thể giúp người mỡ máu tránh kiêng khem mà lại tối ưu hóa sự đa dạng dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày.

Không phải thực phẩm nào chứa nhiều cholesterol cũng có hại cho sức khỏe tim mạch. Trong một số trường hợp, người bị mỡ máu vẫn có thể sử dụng những thực phẩm tưởng chừng phải kiêng kỵ, nếu biết cách lựa chọn và chế biến phù hợp.

Trong nhiều năm, người mắc bệnh rối loạn lipid máu (hay còn gọi là mỡ máu) thường được khuyên tránh xa các thực phẩm giàu cholesterol. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng ngày nay cho rằng một số thực phẩm giàu cholesterol nhưng ít hoặc không chứa chất béo bão hòa vẫn có thể góp mặt trong chế độ ăn uống lành mạnh, nếu được sử dụng đúng cách.

Dưới đây là một số loại thực phẩm giàu cholesterol nhưng vẫn có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch nếu được sử dụng một cách hợp lý:

Trứng

Một số thực phẩm giàu cholesterol nhưng vẫn tốt cho người bị mỡ máu

Trứng là nguồn cung cấp protein và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên, lòng đỏ trứng chứa nhiều cholesterol. Theo khuyến cáo từ chuyên gia, người khỏe mạnh có thể ăn một quả trứng mỗi ngày mà không ảnh hưởng tiêu cực đến mức cholesterol. Với người bị mỡ máu, đặc biệt là người mắc tiểu đường, chỉ nên sử dụng giới hạn dưới 3 quả mỗi tuần và nên ưu tiên dùng lòng trắng.

Ngoài ra, thời điểm ăn trứng cũng quan trọng. Trứng nên được dùng vào buổi sáng hoặc chiều, tránh ăn lúc tối muộn. Những cách chế biến trứng lành mạnh như luộc, hấp, hoặc tráng không dầu sẽ tốt hơn so với chiên hoặc ăn kèm với các thực phẩm nhiều chất béo như bơ, xúc xích, thịt xông khói.

Những người bị mỡ máu nên hạn chế ăn trứng kèm các loại tinh bột tinh chế như bánh mỳ trắng, bánh ngọt hay khoai tây mà thay vào đó là kết hợp với rau củ tươi, thảo mộc hoặc bánh mỳ nguyên cám để có thể kiểm soát lượng cholesterol nạp vào.

Phô mai

Một số thực phẩm giàu cholesterol nhưng vẫn tốt cho người bị mỡ máu

Thường bị xa lánh bởi hàm lượng chất béo bão hòa cao, tuy nhiên một số loại phô mai có hàm lượng chất béo chỉ 1-2% và ít natri lại cung cấp canxi, peptide sinh học và chất béo có lợi, rất tốt cho việc hỗ trợ chức năng tim mạch và phù hợp cho người có máu nhiễm mỡ.

Việc thay thế bơ bằng phô mai ít béo trong khẩu phần ăn còn có thể giúp giảm cholesterol xấu (LDL). Những loại phô mai này có thể bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày nếu được dùng với liều lượng hợp lý.

Thịt bò nạc

Một số thực phẩm giàu cholesterol nhưng vẫn tốt cho người bị mỡ máu

Trước tới nay, thịt đỏ nói chung thường bị cho là làm tăng cholesterol do chứa chất béo bão hòa. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng khi sử dụng các phần thịt bò nạc với lượng hợp lý (dưới 85g mỗi khẩu phần), kết hợp với chế độ ăn giàu rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và đậu, thịt bò không những không gây hại và thậm chí còn có thể là nguồn protein chất lượng trong thực đơn.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn Địa Trung Hải, với việc sử dụng thịt bò nạc cùng dầu ôliu, rau củ, ngũ cốc và các loại hạt, đã cho thấy tác dụng tích cực trong việc duy trì mức cholesterol ổn định và giảm thiểu cholesterol xấu hiệu quả.

Tôm

Một số thực phẩm giàu cholesterol nhưng vẫn tốt cho người bị mỡ máu

Dù là một thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao nhưng tôm lại không chứa chất béo bão hòa. Chính vì vậy, nếu được chế biến lành mạnh như hấp hoặc luộc thay vì chiên với dầu hay bơ, tôm hoàn toàn có thể là một phần của thực đơn tốt cho tim mạch.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, tôm đã được công nhận là thực phẩm phù hợp trong việc hỗ trợ kiểm soát mức cholesterol cân bằng. Việc kết hợp tôm với rau củ, thảo mộc, dầu ôliu hoặc chế biến thành các món salad là những gợi ý giúp phát huy lợi ích dinh dưỡng của loại thực phẩm này mà không làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bị mỡ máu

Để kiểm soát mỡ máu hiệu quả, ngoài việc chọn thực phẩm phù hợp, người bệnh cần lưu ý một số nguyên tắc quan trọng:

- Hạn chế tối đa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.

- Tăng cường chất xơ hòa tan từ rau củ, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt…

- Ưu tiên dầu thực vật tốt cho sức khỏe như dầu ôliu, dầu cải.

- Kiểm soát tinh bột tinh chế và lượng đường bổ sung trong khẩu phần ăn.

- Hạn chế dùng muối và ưu tiên phương pháp chế biến như hấp, luộc, xào ít dầu.

- Duy trì cân nặng hợp lý và kiểm soát lượng calo nạp vào mỗi ngày.

- Hạn chế hoặc tránh hoàn toàn rượu bia.

- Tập thể dục đều đặn bằng các hoạt động vừa phải như đi bộ, bơi lội, dưỡng sinh…

Việc hiểu rõ đặc tính dinh dưỡng của từng loại thực phẩm giúp người bị mỡ máu không cần kiêng khem khắt khe một cách cực đoan mà vẫn có thể tận hưởng bữa ăn đa dạng, ngon miệng và hỗ trợ tốt cho sức khỏe tim mạch.

TM (T/H)

Nhận diện những thực phẩm “thủ phạm” gây trào ngược axit

Nhận diện những thực phẩm “thủ phạm” gây trào ngược axit

Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát trào ngược axit, và việc xác định các tác nhân gây bệnh là chìa khóa để giảm đau lâu dài.