Tháng Chạp đến cùng với cái lạnh tái tê cũng vừa qua ngày giỗ bố. Qua Tết Dương lịch đã thấp thoáng bóng dáng Tết ta với những cành đào vườn Nhật Tân nở sớm khoe sắc hồng trong giá rét. Trên phố đã lác đác xuất hiện những gánh hàng từ quê lên, mỗi bên quang gánh là dăm quả bưởi đỏ như gấc chỉ Tết mới có cùng vài buồng chuối xanh và những bó măng khô để các bà nội trợ mua sớm cất đi chuẩn bị cho nồi canh măng ngày Tết. Đã thấy bóng dáng Tết sắp về khi những người con xa nhà lo đặt vé tàu xe sớm để mong ngày về nhà sum họp. Đối với mỗi người Việt Nam, cái từ “Tết” thật trang trọng và đặc biệt mà người ta không cần phải gắn nó với những từ sau là Tết ta hay Tết Âm lịch.
Thời gian của Tết được hiểu từ 23 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng và từ 23 tháng Chạp trở đi người ta đã gọi là những ngày giáp Tết! Cứ gần đến những ngày giáp Tết là tôi lại nhớ bố da diết! Những kỉ niệm ngày Tết với người cha gắn liền với những kỉ niệm của Hà Nội một thời bao cấp đầy khó khăn nhưng tình người ấm áp.
Tôi là con gái út lại hợp bố nên hay được bố đèo lên chợ hoa Hàng Lược chọn mua cành đào về cắm ngày Tết. Ngày ấy cả Hà Nội chỉ có một chợ hoa Tết ở Cống Chéo phố Hàng Lược, những loại hoa truyền thống như: Đào, quất, thủy tiên, hải đường, hoa thược dược... được bán rất nhiều và hầu như không có những loại hoa ngoại nhập. Thường 23 tháng Chạp chợ hoa Hàng Lược mở cửa là bố con tôi đã háo hức tới chợ. Bố tôi thường thích chọn hoa bích đào cắm trong nhà, những bông hoa cánh kép màu sắc hồng thắm ngả màu đỏ trông rất ấm nhà. Tôi lăng xăng chạy chơi trong chợ cũng đứng nghiêng ngó ra vẻ chọn lựa hoa ghê lắm, thích nhất là lúc được bố hỏi: “Cành này được không con?”. Một hồi lâu rồi bố con tôi cũng lựa được cành đào như ý buộc vào xe đạp đèo về như một chiến lợi phẩm.
Cành đào mang về được đốt gốc (bố bảo để cho hoa được tươi lâu) rồi cắm trong chiếc bình cắm hoa đào mà chỉ một năm mới được dùng một lần, cả nhà xuýt xoa, tán thưởng. Ấy là xong một việc quan trọng chuẩn bị Tết! Tiếp theo là việc trang trí nhà. Bố cẩn trọng thay chiếc bóng đèn vàng loại sáng nhất (thời bao cấp chỉ được dùng trong ba ngày Tết) cho sáng rực căn phòng rồi treo lên tường những bức tranh cổ như Thất đồng, Cá chép trông trăng, bộ tranh tường Thông mai cúc trúc... những bức tranh này Tết xong lại cất đi cho mới. Tôi nhớ bố vừa làm vừa ngâm Kiều, còn tôi lại được sai ngắm nghía xem tranh treo đã cân đối chưa.
Bây giờ đến việc trọng điểm của ba ngày Tết: Nồi bánh chưng. Thường khoảng 27 tháng Chạp ba mẹ con tôi chuẩn bị cho việc gói bánh chưng. Những công đoạn đầu tiên như rửa lau lá, dọc lá, vo gạo nếp, ngâm đỗ xanh... đã được chuẩn bị làm từ hôm trước. Tôi còn nhớ cái không khí Tết đã thật sự đến gần với nhà mình khi mẹ trải chiếc chiếu ra giữa nhà để chính tay bố gói từng chiếc bánh chưng Tết. Tôi rất thích lăng xăng ngồi cạnh làm theo hiệu lệnh của bố với dáng vẻ rất quan trọng đưa cái này, lấy cái kia và không quên nhắc bố gói thêm cho hai chị em đôi bánh xinh xinh. Cả căn phòng nhỏ ấm áp tiếng cười vui! Khi những chiếc bánh vuông vắn, lá xanh ngắt đã được gói xong là đến lúc mẹ đem những nắm đỗ xanh đã đồ cố tình để thừa lại khi gói bánh để quấy thành nồi chè đậu đãi thưởng cho thành quả lao động của bố con tôi.
Minh họa: Huỳnh Ty. |
Đã bao mùa hoa đào đi qua, ngày giáp Tết lại nối ngày giáp Tết, tôi lớn dần lên với những cái Tết mang những hương vị khác nhau nhưng vào dịp giáp Tết này hình ảnh người cha đã khuất và tuổi thơ êm đềm mãi trong tôi! Hà Nội những ngày cuối năm Kỉ Hợi.
Đàn bà là Tết
Tết là không gian, là sàn diễn của những người vợ, người mẹ. Họ chính là tác nhân tạo ra cái không gian ấm áp, dịu dàng của ngày Tết.