Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp nhân viên y tế tuyến cơ sở

Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh, cần ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế.

Tại tọa đàm 'Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định' diễn ra vào chiều 5/10, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tại Việt Nam, dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin giảm theo thời gian. Nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu.

Ảnh: Hoàng Hà
Ảnh: Hoàng Hà

Thứ trưởng Y tế cho rằng Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực phòng, chống các dịch bệnh. Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học.

Thứ trưởng cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch; mua sắm, đấu thầu; huy động, vận động các nguồn lực trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tính khẩn cấp, nhanh, hiệu quả trong phòng, chống dịch...

Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh, cần ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở, y tế dự phòng. Đặc biệt tăng cường năng lực, khả năng cung cấp dịch vụ y tế, mở rộng phạm vi chi trả tại các trạm y tế xã để tham gia chống dịch tốt nhất.

"Chúng ta cũng cần có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, công nhận liệt sĩ đối với lực lượng này nếu hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tạo cơ chế chính sách thông thoáng, bình đẳng cho y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 vì chúng ta qua các đợt dịch đặc biệt là đợt dịch thứ 4 chúng ta thấy vai trò rất quan trọng của y tế tư nhân", bà Hương nói.

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhận định, Việt Nam đã có các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng thực sự mạnh mẽ để ứng phó, giữ cho số ca mắc và tử vong sớm trong đại dịch ở mức thấp.

Khi có vắc xin, Việt Nam triển khai tiêm nhanh chóng đạt được độ bao phủ dân số. Sự nỗ lực và sự hy sinh của cộng đồng, kể cả trong thời kỳ giãn cách thực sự khó khăn.

Việt Nam đã kiên định với các biện pháp và thực thi hiệu quả những chính sách đó. Một yếu tố quan trọng là sự không mệt mỏi của ngành y tế. Theo bà, các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Bài học này cũng cần được phát huy, chuẩn bị để ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.

Thanh Mai