Công ty Công nghệ thần kinh Neuralink của tỷ phú người Mỹ Elon Musk mới đây thông báo đã được cấp phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Canada - cấy chip vào não người.
Với mục đích đánh giá tính an toàn và hiệu quả của chip cấy ghép, giúp các bệnh nhân bị liệt tứ chi có thể điều khiển các thiết bị kỹ thuật số bằng suy nghĩ của họ.
Cuộc thử nghiệm với tên gọi “CAN-PRIME” sẽ dùng một robot nặng 1,8 tấn để cấy ghép 64 điện cực, với mỗi điện cực tiếp xúc 16 điểm vào vùng vận động của tay trong não bộ người bệnh. Khi người bệnh có suy nghĩ về việc vận động, các điện cực này được kỳ vọng sẽ tác động lên vùng não bộ, giúp họ có thể di chuyển các thiết bị được kết nối.
Theo ông Andres Lozano, chuyên gia phẫu thuật thần kinh của bệnh viện nghiên cứu UHN Toronto, thử nghiệm sẽ dành cho những bệnh nhân bị liệt tứ chi do chứng xơ cứng teo cơ một bên hoặc chấn thương tủy sống. Những bệnh nhân này sẽ phẫu thuật ở Toronto và sử dụng công nghệ này tại nhà.
Với tư cách nhà tài trợ, Neuralink sẽ thiết kế các điện cực và hệ thống cấy ghép, giải mã các tín hiệu từ các điện cực trong khi các bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn bệnh nhân, tính an toàn phẫu thuật và theo dõi sức khỏe đề phòng những biến chứng có thể xảy ra như chảy máu não, nhiễm trùng, đứt dây hoặc dây ngừng phát tín hiệu.
Ngoài việc tập trung vào chức năng đọc hoạt động từ bộ não, theo ông Lozano, công nghệ này cũng có khả năng “viết”, giúp người khiếm thị có thể “nhìn thấy”.
Trước đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã cấp phép cho Neuralink thử nghiệm cấy chip vào não cho 2 bệnh nhân. Theo các báo cáo mới nhất, chip cấy ghép đang hoạt động tốt ở bệnh nhân thứ hai khi người này có thể chơi trò chơi điện tử và thiết kế các vật thể 3D thông qua suy nghĩ.
Công ty Neuralink của Elon Musk huy động được hơn 200 triệu USD
Neuralink, một công ty giao diện máy tính-não của Elon Musk đã huy động được 205 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Google Ventures, Quỹ sáng lập của Peter Thiel và Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman.