Ngày 1/12, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tổ chức hội nghị khoa học chủ đề “Nhiễm khuẩn lây qua tình dục trên người nhiễm HIV: Những vấn đề và giải pháp”.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết bên cạnh các bệnh lâu đời như giang mai, lậu, HIV/AIDS, ngày càng có nhiều bệnh lây nhiễm qua đường tình dục mới xuất hiện như đậu mùa khỉ, Mycoplasma genitalium… Điều đáng lo ngại là các bệnh lý này đang xuất hiện nhiều ở nhóm dân số quan hệ tình dục nam (MSM).
Niễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STIs) là các mầm bệnh có thể là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm lây chủ yếu qua đường quan hệ tình dục và một số đường khác ít phổ biến hơn như đường máu, từ mẹ sang con.
“Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ để lại những hậu quả không thể phục hồi như vô sinh, biến chứng cho thai kỳ, trẻ sơ sinh và gia tăng tỉ lệ nhiễm HIV. Điều này không chỉ gây ra gánh nặng cho hệ thống y tế mà còn có sự kỳ thị, tình trạng bạo lực gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh” - bác sĩ Thúy nói.
Ảnh minh họa. |
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày có hơn 1 triệu ca nhiễm mới các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt, phần lớn trong số này không có triệu chứng.
Ở Việt Nam, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau đại dịch COVID-19, số trường hợp người dân đến Bệnh viện Da liễu khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục đã gia tăng theo thời gian. Trong năm 2023, tổng số lượt khám bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh là 768.836 lượt, trong đó 75.037 lượt khám liên quan đến nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chiếm khoảng 10% tổng số lượt khám. Trong số đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc giang mai chiếm 13%, còn lại là các bệnh như lậu và sùi mào gà.
Những năm gần đây, tỷ lệ bệnh giang mai có sự gia tăng mạnh mẽ, số ca mắc mới giang mai trong năm 2023 là 3.600 ca, tăng mạnh so với những năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ mắc giang mai ở nam giới, nhất là trong nhóm MSM (nam quan hệ đồng giới) chiếm phần lớn.
Tại Bệnh viện Da liễu, tỉ lệ nhiễm khuẩn giang mai đứng thứ hai trong mô hình bệnh tật các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đến khám và điều trị. Những năm gần đây, bệnh viện cũng ghi nhận một trường hợp giang mai mắt.
Đáng chú ý, việc sử dụng PrEP để phòng ngừa HIV đã tạo ra một mối nguy hại nghịch lý: mặc dù PrEP giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV, nhưng lại có liên quan đến việc gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là lậu và chlamydia. Nguyên nhân là do hành vi tình dục mạo hiểm của người dùng khi cho rằng, không còn lo ngại về HIV khi sử dụng phương pháp PrEP.
“Những người có quan hệ đồng giới nam là nhóm dân số có nguy cơ rất cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong khi đó, tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lậu chỉ còn là vấn đề thời gian, cho đến khi nó kháng với các liệu pháp điều trị cuối cùng. Các xu hướng này đặt ra thách thức lớn cho ngành y tế trong việc sớm tìm ra các giải pháp để kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao nhận thức của cộng đồng”, BS Nguyễn Thị Phan Thúy nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Thúy, xu hướng của các bệnh lây qua đường tình dục sẽ thay đổi theo thời gian. Hiện nay, một số yếu tố tác động như sự phổ biến của các ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội khiến sự kết nối, giao lưu bạn bè trở nên dễ dàng hơn. Từ đó làm gia tăng số lượng bạn tình, kéo theo gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh này.
Bên cạnh giang mai, số ca mắc bệnh lậu cũng đang tăng mạnh, chủ yếu là trong nhóm đối tượng quan hệ đồng tính nam. Ngoài ra, một số bệnh lý lây qua đường tình dục mới như viêm niệu đạo do Neisseria gonorrhoeae (lậu), Mycoplasma genitalium, hay hột xoài (Chlamydia trachomatis) cũng đang gia tăng nhiều ở nhóm người quan hệ đồng tính nam.
Dịch bệnh lây qua đường hô hấp ở nhiều nước tăng, Bộ Y tế lưu ý người dân
Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận thông tin về sự gia tăng trường hợp mắc cúm gia cầm (A/H5/N1), bệnh hô hấp và COVID-19 tại một số nước như Trung Quốc, Singapore...