Chất cấm trong dầu gội đầu bị thu hồi của Unilever là chất gì, nguy hiểm như thế nào?

Người dùng có thể tiếp xúc với chất này qua đường hô hấp, đường miệng và qua da, dẫn đến ung thư bạch cầu, ung thư máu, tủy xương...

Ngày 27/10, Unilever Việt Nam phát đi thông báo chính thức về việc thu hồi dầu gội khô của Unilever tại Mỹ và Canada. Theo Unilever, việc thu hồi chỉ áp dụng với sản phẩm dầu gội khô dạng bình xịt, được sản xuất trước tháng 10/2021 tại thị trường Mỹ và Canada. 

Sau đó, theo CNN, tập đoàn Unilever thông báo tự nguyện thu hồi nhiều sản phẩm dầu gội khô dạng xịt như Dove, Nexxus, Suave, TIGI và TRESemmé vì nghi chứa benzen, hóa chất có thể gây ung thư.

  Các sản phẩm dầu gội khô dạng xịt đến từ nhiều thương hiệu nổi tiếng thuộc Tập đoàn Unilever bị thu hồi do nghi ngờ có chứa benzen - Ảnh: CNN

Các sản phẩm dầu gội khô dạng xịt đến từ nhiều thương hiệu nổi tiếng thuộc Tập đoàn Unilever bị thu hồi do nghi ngờ có chứa benzen - Ảnh: CNN

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ, benzene được hình thành từ cả quá trình tự nhiên và hoạt động của con người. Benzene được xếp hạng trong 20 hóa chất hàng đầu về khối lượng sản xuất. Benzene là chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt trong điều kiện bình thường, có mùi thơm ngọt và rất dễ cháy, bay hơi vào không khí rất nhanh, ít tan trong nước.

Hiện các công ty sử dụng benzen để sản xuất chất dẻo, nhựa, nylon và sợi tổng hợp, một số chất bôi trơn, cao su, thuốc nhuộm, chất tẩy rửa, thuốc và thuốc trừ sâu...

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, con người có thể tiếp xúc với benzen qua hít thở không khí (có chứa benzen) vì benzen có trong khói xăng, khí thải ô tô, khí thải từ một số nhà máy và nước thải từ một số ngành công nghiệp nhất định. Ở trong nhà, không khí thường chứa benzene ở mức cao hơn bên ngoài môi trường. Chất độc này được tìm thấy ở các sản phẩm như keo dán, sơn, sáp nội thất và chất tẩy rửa. Hút thuốc lá và khói thuốc là những nguồn tiếp xúc quan trọng với benzene.

Một số sản phẩm tiêu dùng cũng chứa benzen. Mức độ phơi nhiễm cao nhất thường là ở nơi làm việc. Benzen có trong nước uống bị ô nhiễm và một số thực phẩm (mặc dù mức độ thường rất thấp).

Người dùng có thể tiếp xúc với chất này qua đường hô hấp, đường miệng và qua da, dẫn đến ung thư bạch cầu, ung thư máu, tủy xương và một số dạng rối loạn máu có thể đe dọa tính mạng. 

Benzen có thể làm chậm số lượng tế bào hồng cầu do tủy xương sản xuất, gây thiếu máu,  cũng có thể làm hỏng hệ thống miễn dịch của cơ thể. Triệu chứng thường gặp khi hít phải benzen đó là buồn ngủ, chóng mặt và lú lẫn, đồng thời nhức đầu, nhịp tim không đều và run.

Nồng độ benzen cao có thể dẫn đến nôn, chóng mặt, buồn ngủ và co giật. Mắt, da, phổi tiếp xúc trực tiếp với benzen có thể làm tổn thương mô và dẫn đến kích ứng.

Một số phụ nữ tiếp xúc với nồng độ benzen cao có kinh nguyệt không đều và kích thước buồng trứng giảm. Tuy nhiên cho đến nay chưa thể khẳng định việc tiếp xúc với benzen có ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển ở phụ nữ mang thai hay khả năng sinh sản ở nam giới hay không.

Những người hít phải lượng benzene cao có thể phát triển các dấu hiệu và triệu chứng sau trong vòng vài phút đến vài giờ: buồn ngủ, chóng mặt, nhịp tim nhanh, nhức đầu, nặng thì tử vong. 

Ăn thực phẩm hoặc uống đồ uống có chứa nhiều benzene có thể gây ra các triệu chứng trong vòng vài phút đến vài giờ: nôn mửa, kích ứng dạ dày, chóng mặt, buồn ngủ, co giật, nhịp tim nhanh hoặc không đều…

Nhiễm độc benzen rất khó điều trị và thường để lại hậu quả nặng nề không hồi phục. Các nhà máy sử dụng benzen làm nguyên liệu cần có hệ thống thông gió hoạt động tốt. Công nhân tiếp xúc với benzen phải có quần áo bảo vệ thích hợp, đeo mặt nạ khi làm việc. Không ăn uống, hút thuốc trong giờ làm.

Trường hợp tiếp xúc qua da như dùng dầu gội, người bệnh có nguy cơ bị ngộ độc trường diễn, tức là ngấm độc từ từ. Do đó, khi chọn sản phẩm chăm sóc cơ thể, nên ưu tiên loại có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Thanh Mai

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Bắt nữ chuyên viên Ban Đối ngoại Trung ương

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Bắt nữ chuyên viên Ban Đối ngoại Trung ương

Mở rộng điều tra vụ án tại Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Lê Thị Ngọc Anh, Chuyên viên Phòng nhà khách, Vụ Lễ tân, Ban đối ngoại Trung ương.