Chỉ vì 1 sai lầm này mà tôi không thể giàu có nổi, mong bạn không mắc phải

Dường như tôi đã bị chủ nghĩa tiêu dùng tinh tế “thôi miên” suốt nhiều năm qua, cuộc sống không khó khăn nhưng cũng không giàu nổi.

Khái niệm “tiêu dùng tinh tế” từng được ngợi ca như biểu tượng của việc theo đuổi cuộc sống chất lượng cao, đặc biệt là đối với những người trẻ thành đạt hoặc những người thuộc tầng lớp trung lưu. 

Họ thể hiện sự cá tính, và gu thẩm mỹ bằng việc mua hàng hóa đắt tiền, trải nghiệm các dịch vụ sang trọng. Tiêu dùng tinh tế thực chất là một cái bẫy đã lừa vô số người, trong đó có tôi.

Tôi không thể nhớ nổi mình đã tốn bao nhiêu tiền suốt những năm qua để theo đuổi chủ nghĩa tiêu dùng tinh tế. Cuộc sống của tôi không khó khăn, nhưng cũng không giàu nổi, đơn giản vì tôi đã chi phần lớn - đôi khi là toàn bộ số tiền mình kiếm được cho những thứ xa xỉ, và chúng toàn là những thứ vô thưởng vô phạt.

Ảo tưởng về tiêu dùng tinh tế: Cảm giác hạnh phúc ngắn hạn

Khi còn đắm chìm trong làn sóng tiêu dùng tinh tế, tôi thường bị “niềm vui mua đồ mới” cuốn đi. Khi mua một chiếc túi xách hàng hiệu, mỹ phẩm cao cấp hay dùng bữa tại nhà hàng cao cấp, tôi cảm thấy bản thân được “nâng cấp”. Nhưng thực tế, niềm hạnh phúc này cực kỳ ngắn ngủi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi sự mới lạ tan biến, những thứ xa xỉ trở nên quen thuộc và dần mất đi sự hấp dẫn, tôi nhận ra rằng cái gọi là “tiêu dùng tinh tế” chỉ nhằm mục đích thỏa mãn nhất thời, trong khi đó, những thứ thực sự có thể mang lại hạnh phúc lâu dài cho con người không đến từ những vật ngoài thân, dù chúng đắt tiền hay rẻ tiền. 

Bản chất của tiêu dùng tinh tế: Sự nuông chiều bản thân thái quá

Tiêu dùng tinh tế khai thác tính phù phiếm trong bản thân mỗi người. Nó “thôi miên” chúng ta rằng phải chi thật nhiều tiền, phải dùng những thứ là phiên bản giới hạn, phải tận hưởng những dịch vụ 5 sao,... mới là yêu thương, là biết cách chăm sóc bản thân.

Dưới sự dẫn dắt của quảng cáo, chủ nghĩa tiêu dùng tinh tế luôn nói với chúng ta rằng chỉ bằng cách mua những thứ “cao cấp” này, chúng ta mới có thể sống một cuộc sống tinh tế. Kiểu suy nghĩ này sẽ khiến nhiều người quên mất nhu cầu thực tế của bản thân.

Tôi cứ mua, mua và mua những món đồ mà thậm chí còn không tự hỏi chính mình xem mình có thực sự sẽ sử dụng chúng hay không. Tôi sử dụng những dịch vụ đắt tiền với sự mù quáng tương tự, tôi chi tiền vì những người xung quanh tôi cũng đang chi tiền cho những thứ ấy. Tôi hoàn toàn không mảy may nghĩ về giá trị thực của thứ tôi sẽ nhận được.

Tôi thực sự đã bị chủ nghĩa tiêu dùng tinh tế thôi miên!

Hậu quả tiềm ẩn của chủ nghĩa tiêu dùng tinh tế: Tương lai bấp bênh tài chính!

Kiểu “nghiện” tiêu dùng tinh tế này thường khiến người ta vô tình chi tiêu quá mức, hiện tại có thể họ vẫn ổn, nhưng với cách “đốt tiền” như vậy, mà bản thân không kiếm được nhiều gấp 3-4 lần số tiền chi ra hàng tháng, tương lai thực sự sẽ rất bấp bênh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi đã từng bị choáng ngợp bởi vô số hóa đơn thẻ tín dụng và các khoản vay hàng tháng. Để duy trì “cuộc sống thượng lưu giả tạo” này, tôi liên tục tiêu tiền, và cố làm ngơ áp lực tài chính đang đuổi sát mình. 

Sau vài lần trải qua cảm giác tuyệt vọng, hụt hẫng khi nhìn những khoản nợ cần thanh toán, do theo đuổi chủ nghĩa tiêu dùng tinh tế, cuối cùng, tôi cũng nhận ra rằng cuộc sống tinh tế thực sự không đến từ việc tiêu tiền. 

Bây giờ, khi đã thoát khỏi cái bẫy tiêu dùng tinh tế, tôi không còn chi tiền để mua những thứ xa xỉ, thay vào đó, tôi học cách quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu thiết thực của bản thân. Tôi dùng số tiền từng dành để mua hàng xa xỉ trước đây để đầu tư cho sức khỏe, học tập và du lịch. Cách tiêu tiền này mới thực sự khiến tôi cảm nhận được ý nghĩa của việc chăm sóc, đầu tư cho bản thân.

Tiêu dùng tinh tế, xa hoa, tưởng chừng là việc giúp chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng thực tế, nó chỉ làm chúng ta sống trong bất an, lo lắng nhiều hơn mà thôi. Tôi mong rằng dù bạn đang kiếm được bao nhiêu tiền, đang dư dả hay vẫn còn đôi chút khó khăn, cũng đừng bao giờ mắc vào bẫy tiêu dùng tinh tế như tôi. 

Ngọc Linh