Sự việc SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều bị cho rằng có nhiều câu chuyện chưa có tính giáo dục, GS Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên cuốn sách đã lên tiếng giải thích.
GS Thuyết cho rằng, sở dĩ sách dùng một số từ có thể ít thông dụng do thời gian đầu, học sinh chưa biết nhiều chữ, tác giả phải vận dụng số chữ ít ỏi mà các em biết để tạo thành câu văn, bài tập đọc nên phải dùng một số từ như vậy.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên SGK tiếng Việt 1. |
Ví dụ từ "nhá - nhá cỏ, nhá dưa" mà không dùng từ "nhai" là vì đến thời điểm có bài tập đọc này, học sinh chưa học đến vần “ai”, nên tác giả sách sử dụng từ “nhá”. Với một số từ địa phương như "ba, má" là do sách được xây dựng theo 2 tuyến nhân vật phù hợp với các em học sinh miền Bắc và miền Nam. Với từ “thở hí hóp” được đưa vào sử dụng trong SGK mà nhiều người phản ánh rằng khó hiểu, GS Thuyết cho hay, từ này từng có trong thơ Trần Đăng Khoa từ lúc nhà thơ còn là một nhi đồng. Nguyên văn câu thơ: “Thóc mặc áo vàng óng. Thở hí hóp trên sân”.
Với các câu chuyện chưa mang tính giáo dục, GS Thuyết chia sẻ, hầu hết các câu chuyện dựa vào, phỏng theo đều của các tác gia lớn như Lev Tolstoy, La Fontaine… Vấn đề là hiểu các bài học đó như nên hiểu hay cố tình hiểu theo cách khác.
Ông dẫn chứng câu chuyện "Hai con ngựa", bài học được đưa ra là xui người khác làm bậy thì sẽ chịu hậu quả. Để bảo đảm bài đọc có tính giáo dục cao, phù hợp với học sinh mới vào lớp 1, các tác giả còn phải chỉnh sửa một số chi tiết trong truyện. Trong truyện của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại.
“Vì không thể khuyên trẻ em như nguyên tác câu chuyện nên ở đây có hai chi tiết chúng tôi phải sửa. Thứ nhất, để ngựa tía khuyên ngựa ô trốn đi. Thứ hai, không đề cập đến giới tính (nói ngựa đực chăm và ngựa cái lười) vì dễ gây phản ứng và cũng vì đến bài này học sinh chưa học các vần "ưc", "ai". Tương tự, bài tập đọc "Ve và gà" cũng được phỏng theo truyện "Ve và kiến" của La Fontaine, nhà văn Pháp. Truyện dài nên cũng phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2, dạy liền nhau. Tác giả SGK phải đổi nhân vật "kiến" thành "gà" vì đến lúc này học sinh chưa học vần ''iên", nhưng cốt truyện cơ bản giữ nguyên.
Tác giả sách giáo khoa chỉ sửa chi tiết cuối truyện để bảo đảm tính giáo dục cao hơn: Gà cho ve thức ăn và bảo: “Ve chăm múa và chăm làm nữa thì chả lo gì”. Đối với những câu chuyện dài, tác giả sách phải cắt làm 2 phần, đặt liền nhau.
Tuy nhiên, những người viết bài trên mạng để chỉ trích sách của chúng tôi cố ý chỉ chụp ảnh phần 1, cắt nó ra khỏi phần 2 để người đọc tin vào những lời mà họ nói” – ông Thuyết cho hay.
GS Thuyết cũng cho biết, việc SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều thiếu các bài ca dao, tục ngữ là do sách có khoảng 100 văn bản của các tác giả Việt Nam. Các văn bàn này có khá nhiều bài đồng dao, câu đố, truyện dân gian và là các sáng tác của các tác giả lớn như Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Quang Huy, Phong Thu, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Mai Văn Hai,… Việc dạy ca dao, tục ngữ cho học sinh lớp 1 sẽ khó tiếp thu.
Khi được hỏi trước những phản ứng của dư luận, liệu nhóm tác giả SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều có tiếp thu, chỉnh sửa hay không, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay: “Không riêng gì SGK, kể cả chương trình trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì chưa phù hợp vẫn phải điều chỉnh.
Việc điều chỉnh sản phẩm sau một thời gian sử dụng là bình thường. Các tác giả sẽ lắng nghe góp ý của giáo viên, phụ huynh học sinh và người dân, đánh giá hiệu quả thực tế để điều chỉnh những gì chưa phù hợp. Tuy nhiên, tôi mong dư luận bình tâm, để không gây áp lực cho các thầy cô đang hào hứng bước vào năm học mới”.
Ba tác phẩm đoạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia 2020
Phó thủ tướng Chính phủ và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trao giải A - Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba.