“Chung sống hòa bình” với bọn trẻ trong giãn cách

5 phút tập thở sâu sáng sớm, 10 phút trước khi ngủ, thực sự hiệu quả cho việc sắp xếp lại luồng tư duy và năng lượng tích cực để dạy con.

Những ngày đầu của giãn cách xã hội, tôi bắt đầu với ý nghĩ đây là khoảng thời gian trời ban để gần gũi con cái hơn sau chuỗi ngày sống vội vì guồng quay công việc. Chưa đầy một tuần sau, tôi bàng hoàng nhận ra tất cả những kế hoạch tự chăm sóc con 24/7 đều là sự hoang tưởng.

Những ý nghĩ lạc quan ban đầu của tôi, hẳn là xuất phát từ việc tôi có đủ điều kiện để đảm bảo cuộc sống trong đại dịch, không bi đát về thu nhập hay chất lượng sống. Nhưng những bất ổn đầu tiên xuất hiện khi bọn trẻ liên tục la hét, rất dễ khóc lóc, và không chịu tuân theo nề nếp bình thường. Bọn trẻ vốn là niềm tự hào của tôi vì chúng có nhiều thói quen tốt, thích đọc sách, biết quan sát người thân và chủ động tham gia vào việc nhà bốc hơi như chưa từng tồn tại. Tôi bắt đầu gắt gỏng với con thường xuyên, có lúc ngồi thụp xuống sàn nhà và khóc khi không thể bảo chúng làm việc gì đó.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Từng giờ, mọi chuyện trầm trọng thêm. Tôi chỉ mong con ngủ để có thể làm việc hay sinh hoạt cá nhân. Chán nản, stress, lòng thầm ước giá mà có nơi nào để gửi con chỉ 2h thôi. Tôi tự cho phép mình trốn khỏi việc làm mẹ bằng cách sử dụng màn hình với hàng loạt các trò chơi, các phần mềm học tập, thay vì thực sự dạy con. Mỗi ngày, hai đứa nhỏ đều hỏi tôi rằng còn bao lâu nữa thì con mới được trở lại trường, ra công viên hoặc cầu xin cho chúng được đi đổ rác cùng.

Có những khoảnh khắc khi con còn ngủ say, nhìn chúng vẫn là thiên thần mà tôi yêu thương. Trong lòng tôi tràn ngập lời rủa xả: “Làm mẹ cái kiểu gì thế này, trời ơi!”.

Đi tìm lời giải

Theo thói quen bình thường, tôi tìm kiếm hàng trăm hướng dẫn hoạt động của trẻ trong thời kỳ giãn cách. Kỳ lạ thay, tất cả những clip hướng dẫn làm đồ thủ công, dạy con việc nhà đều khiến chúng tôi phát điên với nhau. Và tôi sinh ra chán ghét bất kì hình ảnh lành mạnh nào được chia sẻ trên mạng xã hội. Tôi bắt gặp một tựa báo trên tờ The NewYork Times: “Tôi bỏ cuộc với việc nuôi dạy con trong giãn cách”. Và những từ khóa đó dẫn dắt tôi đến hàng trăm nội dung khác của những bà mẹ trên toàn thế giới chia sẻ cùng loại sự kinh hoàng mà tôi và con đang vật lộn.

Thời điểm đó, tôi chợt nhận ra rằng không phải cố gắng dạy con đạt được một loại thói quen hay một bài học kiến thức là quan trọng nhất trong bối cảnh này. Tôi đã không tính đến chuyện bản thân vẫn phải duy trì công việc WFH, tất cả những dịch vụ tiện nghi, lớp kỹ năng mềm đều bị xóa bỏ. Check-list dài những gì thuộc về tiêu chuẩn bình thường khiến chúng tôi khốn khổ. Thứ thật sự thiết yếu với lũ trẻ trong những ngày giãn cách là: sự chú tâm và đồng hành của cha mẹ, tìm cách thích nghi với điều kiện mới. Chứ không phải nỗ lực dàn xếp duy trì tiêu chuẩn bình thường cũ.

Những gì chúng tôi đã học được

Sau những cuộc thử nghiệm nhỏ kết hợp với nhiều hướng nghiên cứu cách dạy con khác, thì dưới đây là vài điều thực sự có ích:

Vitamin D3 cho cả người lớn và trẻ nhỏ: Bổ sung Vitamin D3 giúp giảm cảm giác căng thẳng và stress. Điều này đặc biệt cần thiết khi 98% thời gian chúng ta chỉ ở trong nhà, không tiếp xúc ánh nắng.

Bài tập thở sâu dành riêng cho cha mẹ: Người lớn đã quá kiệt sức vì nhiều mối lo dồn nén, và tâm trí không đủ bình tĩnh xử lý phản ứng của con cái đúng mực. 5 phút tập thở sâu vào sáng sớm, 10 phút trước khi ngủ, thực sự hiệu quả cho việc sắp xếp lại luồng tư duy và năng lượng tích cực để dạy con.

Tranh minh họa: internet.
Tranh minh họa: internet.

Bỏ qua những bài học không quá cần thiết - tập trung tạo ra sự đồng hành trong gia đình: thay vì cố gắng thúc ép con, chúng tôi thỏa thuận về các nhiệm vụ học tập nhỏ hàng ngày, như một lịch trình thử thách. Con sẽ “tự chiến đấu” với việc phải làm của nó (học bài) song song với thời gian người lớn làm việc. Những khoảng thời gian cụ thể tương đồng về mức độ tập trung, con ngồi học, tôi ngồi làm việc tại nhà giúp tôi hoàn thành công việc nhanh hơn và không phát điên vì tiếng la hét. Lịch trình song hành này tạo ra môi trường cho sự thấu cảm phát triển. Tôi và con lắng nghe, kể cho nhau suy nghĩ khi làm việc và học tập. Khoảng thời gian tập trung được chia nhỏ thành 1h/lần. Cuối ngày, bọn trẻ con còn có thể động viên ngược lại tôi trước nhiệm vụ của mình. Với lịch trình này, tôi giản lược tối đa số bài học của con và chỉ tập trung vào những gì không thể bỏ qua.

Không rèn giũa con kỹ năng mềm, mà tôi chỉ đơn giản là đề nghị con giúp đỡ: Tôi thành thật với con chuyện cơ thể mình cạn kiệt nên sự góp sức nhỏ bé của con có thể tuyệt vời đến thế nào. Sau mỗi lần chia sẻ, lời cảm ơn con là thời gian cùng chơi khoảng 20 phút là phần thưởng cho cả nhà.

Biến tư duy thành sự kiện – biến tưởng tượng thành trải nghiệm: Bình thường, sự kết nối qua giao tiếp được hình thành bằng cách kể cho nhau nghe sự kiện diễn ra trong ngày. Tuy nhiên, việc giãn cách khiến những sự kiện cụ thể trở nên nhạt nhòa. Sự kiện để tôi và con cùng thảo luận lúc này sẽ xoay quanh các câu hỏi và đề xuất của con, đề nghị con đề xuất hoặc trao quyền lên kế hoạch cho con. Tôi cũng cố gắng miêu tả tình hình hay bối cảnh xã hội cho con ở mức độ giản lược. Và quan trọng nhất, tôi tin tưởng vào trí tưởng tượng, cho phép cùng nhau ngã vào “hang thỏ của Alice”. Cuộc phiêu lưu mới đến từ trí tưởng tượng được lắng nghe, người lớn được nhớ lại “lúc còn là trẻ con”.

Gọi tên cảm xúc: giúp con miêu tả đúng những gì con cảm nhận. Việc cả ngày không được ra ngoài thì giống như cái gì, nỗi sợ của con giống như sự việc gì diễn ra… Tôi cũng thường xuyên thừa nhận cảm xúc của mình với con hơn, về cảm giác nóng giận hay về việc bản thân cũng muốn có không gian riêng.

Khám phá góc khuất: rất nhiều hoạt động trước kia tôi không bao giờ làm, sẽ chuyển thành “nào chúng ta cùng thử”. Vài ngày, tôi sẽ đề nghị con cùng xếp đặt lại nội thất. Những thứ vốn là điểm yếu của người lớn sẽ được tập làm cùng con, quá trình đó cũng giúp con nhìn thấy hình mẫu để sửa thói quen xấu.

Tôi và hai đứa trẻ tìm thấy cách chung sống hòa bình trong thời gian giãn cách, và bình thản trước những lần kéo dài lockdown. Có điều tôi nhận ra, thậm chí khi đại dịch qua đi thì tôi nhớ lại bài học đầu tiên làm mẹ là: chúng ta đều học cách làm cha mẹ từ con cái mình. Lắng nghe, chú tâm, dám gạt bỏ những áp lực khác để tập trung hoàn toàn vào con cái ngay cả khi phải cố cân bằng thời gian cho quá nhiều nhiệm vụ là điều mọi đứa trẻ, mọi bối cảnh sống đều cần. Và hãy để con giúp mình hoàn thiện.

Bài viết có sử dụng thông tin hướng dẫn từ Unicef và trải nghiệm cá nhân.

https://www.unicef.org/media/67211/file

Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự bất ổn về tâm lý của trẻ nhỏ, sự chịu đựng của trẻ trong đại dịch. (Data Center | Fishers, US)

Lam Hạ

Ở nhà dài ngày mùa COVID-19, làm gì cho đỡ chán?

Ở nhà dài ngày mùa COVID-19, làm gì cho đỡ chán?

Thời gian giãn cách xã hội tại TP.HCM kéo dài thêm 2 tuần đồng nghĩa nhiều người sẽ tiếp tục ở nhà. Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn đỡ chán và tận dụng khoảng thời gian này làm những việc mà lâu nay bạn chưa làm được.