Mẹ đơn thân làm gì suốt đêm?

Không đủ thời gian để than thở cho thân phận hay trách giận bất kì điều gì trên đời. Mẹ (đơn thân) quá bận rộn với những buồn vui, hạnh phúc, lo lắng... để được bình yên nuôi dạy con khôn lớn mỗi ngày.

Từ lúc “mẹ mang đầy bụng...”

Mẹ biết mình có thể dành cả cuộc đời này để chờ đợi một người đàn ông đích thực của mình. Nhưng con thì không thể chờ được mẹ bàng quan đi qua thời điểm tuyệt vời nhất cho chúng ta gặp nhau. Vì thế, mẹ đã chuẩn bị đón chào con đến với thế giới này bằng tất cả tình yêu mình có.

Con báo hiệu sự xuất hiện của mình bằng tiếng gõ rất nhẹ, chỉ để mẹ kịp cảm thấy tim mình rộn lên vài nhịp vào buổi sáng ngày đầu tuần, khi đang trên đường đến cơ quan. Từ lúc ấy, ngày nào mẹ con mình cũng cùng nhau đi - về trên quãng đường đầy nắng bụi. Lo con sẽ không ổn nên mẹ xin được làm việc tại nhà, để tránh đi sự khắc nghiệt của thiên nhiên cũng như thói tò mò của thiên hạ với những thắc mắc bằng lời, bằng mắt, bằng những “giai thoại” thêu dệt sau lưng mình.

Làm việc ở nhà, nghĩa là tiền lương sẽ bị giảm trừ đi phần nào. Mẹ cộng tác thêm với hai tờ báo để lấy nhuận bút để dành cho những ngày sinh nở. Đêm nào cũng ngồi kì cạch bên bàn phím đến lúc bấm nút gửi bài và con thúc mẹ phải nhớ kiếm cái gì đó để ăn bữa khuya.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Ngoài những lúc làm việc, mẹ đọc sách, tìm kiếm thông tin trên mạng về cách chăm sóc con từ trong bụng. Đồ dùng sơ sinh mỗi ngày mua một ít để giặt phơi dần và gấp gọn cất vào từng ngăn tủ: áo lọt lòng, khăn bông, mũ, bít tất, yếm dãi... thứ nào cũng bé nhỏ, xinh xắn và thơm tho đến mềm lòng. Những đồ dùng nhỏ nhặt khác cũng phải liệt kê để khỏi quên. Có người ngon ngọt bảo mẹ không phải mua sắm gì cả, người ta sẽ mang cho cả túi đồ tha hồ mà dùng. Rồi đồ được gửi đến, mẹ mở ra và...bật khóc vì tủi thân, toàn bộ quần áo, khăn tất đều cũ kĩ như đám giẻ lau nhà bọc gói trong mấy lớp ni lông.

Mẹ gửi lời cảm ơn rồi vứt cái túi đó ra thùng rác. Tại sao người ta có thể vô tâm đến thế? Hay họ tự cho rằng hoàn cảnh của mẹ thì mấy thứ đồ cũ nát ấy là quý giá lắm rồi? Ngay từ phút giây ấy, mẹ tự hứa với lòng mình là sẽ không bao giờ nhận thứ gì người ta mang cho, để chúng ta không phải mắc nợ lòng thương hại trong cuộc đời mình.

Càng gần đến ngày con ra đời mẹ càng khó ngủ. Chẳng đêm nào nằm ngủ thẳng giấc, cứ xoay bên nọ trở bên kia, hết hồ hởi mong chờ lại rơi vào những nỗi lo sợ mơ hồ. Con sẽ ra sao nhỉ? Con có đôi mắt màu gì? Mái tóc thế nào? Con có khóc nhiều không? Có khó ăn không?... Nằm chán lại ngồi dậy tẩn mẩn sắp xếp cái giỏ nhựa đựng đồ chuẩn bị mang vào bệnh viện, nhấc ra nhấc vào sợ thừa cái nọ, thiếu cái kia. Rồi nhẩm số tiền dự trữ được, tính toán chi tiêu thế nào trong những tháng ở cữ và đến khi đi làm trở lại. Đêm như dài mãi ra...

Đến khi “...mẹ bồng trên tay”

Đã quá một ngày so với dự sinh mà con chưa “nhúc nhích” gì. Mẹ hơi lo lắng, tính đến phương án mổ sinh để an toàn cho cả hai mẹ con nếu sang ngày mai con vẫn chưa tự nguyện chui ra. Đến đúng giờ ăn cơm chiều thì mẹ phải vào nhập viện, chỉ kịp xách theo cái cặp lồng đựng bữa tối vào theo. Bác sĩ khám và bảo mẹ sẽ sinh thường được, cứ chịu khó vận động nhẹ nhàng cho đỡ căng thẳng.

Mẹ ngồi ngoài hành lang bệnh viện, vừa xúc cơm ăn vừa quan sát những bà bầu khác đang vật vã trong cơn đau. Mẹ đặt tay lên bụng, thì thầm với con: “Con sẽ cùng mẹ vượt qua được. Sẽ chỉ như một kì thi thôi, cả mẹ và con cùng cố gắng nhé.” Dường như con hiểu được điều mẹ mong muốn nên chỉ mất 20 phút lên bàn sinh, mẹ đã thở phào sung sướng nhìn con bé xíu, ướt rượt nằm ngọ ngoạy trên đôi tay bác sĩ. Nghe tiếng khóc của con, mẹ mỉm cười mà nước mắt cứ chảy ra ướt cả tóc.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Về đến phòng hậu sinh mẹ mới bế được con. Cảm giác ấm mềm thân thuộc như con đã ở trong vòng tay mẹ từ rất lâu rồi. Giọt sữa non đầu tiên ứa ra, con rúc nhẹ vào bầu ngực bên trái của mẹ. Không biết có phải vì bế tay thuận hay điều gì đó mách bảo mà con chọn nằm quay về phía trái tim mẹ?

Ở bệnh viện về là bắt đầu một hành trình mới, phức tạp và “cam go” hơn nhiều so với lúc con còn nằm trong bụng. Cứ đúng hai tiếng đồng hồ con bú một cữ. Trong quãng hai tiếng đó mẹ phải xử lí vệ sinh, lau rửa, thay tã bỉm... vừa đặt lưng nằm xuống được dăm phút lại ngồi bật dậy để bế con lên bú. Ban ngày, mẹ tranh thủ ăn uống, đun nước tắm, giặt giũ phơi phóng... những lúc con ngủ. Nhiều đêm khó chịu, con không bú mà cứ ngoảnh ra để khóc. Mẹ dỗ dành nhiều cách không được, bất lực cũng khóc theo. Có những lúc phải đặt con trên đùi và ngồi theo tư thế thiền, nhắm mắt để tĩnh tâm lại. Rồi mới đủ bình tĩnh mà nựng con: “Ngoan nào, bé cưng của mẹ”.

Đi tiêm chủng mũi đầu tiên, nhìn cô y tá cắm chiếc kim vào chân con, mẹ nhắm nghiền mắt đến khi mở ra thì nhòe nhoẹt nước trong khi con không hề khóc một tiếng. Suốt đêm mẹ lo thắt ruột khi con hâm hấp sốt, tay bế con, tay cầm nắm diếp cá giã nhỏ gói trong khăn xô để chườm mát, cứ nửa giờ trôi qua sờ trán con mát dần mới thấy tảng đá đè nặng trên ngực nhẹ đi được một chút.

Con mọc chiếc răng đầu tiên, mẹ nhìn ngắm nó suốt ngày không chán. Nhỏ xíu như một mầm cây mới nhú, nhưng nó chính là “dấu chỉ” cho bước phát triển của con. Mỗi lúc con cười trông ngộ nghĩnh không thể tả được. Con chập chững biết đi, đêm đó mẹ không ngủ được vì vui sướng. Mẹ cứ nằm ngẫm nghĩ về những con đường tít tắp ở phía trước. Quãng đường nào sẽ có mẹ đồng hành, quãng đường nào con sẽ phải tự mình dấn bước? Mẹ sẽ cùng con đi được bao lâu, bao xa?...

Hoa nắng nở vào đêm

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Ngoảnh lại, đã hơn 1.000 ngày đi qua, đã hơn 1.000 đêm mẹ chưa tròn giấc. Không còn phải thức dậy mấy lần mỗi đêm cho con bú nhưng cũng gần nửa đêm mẹ mới được ngả lưng. Bao nhiêu bộn bề cần phải thu xếp cho hiện tại và tương lai. Con thì còn quá nhỏ mà mẹ chưa làm được gì nhiều.

Có nhiều đêm, con chợt tỉnh giấc bởi ánh sáng từ màn hình máy tính hắt ra cùng tiếng gõ phím rào rạo. Con dụi mắt ngồi dậy: “Trời sáng rồi hả mẹ?”. Mẹ vội vã trả lời: “Không, vẫn tối con ạ”. “Vẫn tối sao ông mặt trời lại nhô lên cao hả mẹ?” – con chỉ vào ông mặt trời rực rỡ mẹ chọn làm hình nền máy tính. Mẹ ôm con vào lòng, mắt lại nhòe đi... Mẹ chọn hình mặt trời như một niềm hi vọng mỗi ngày để cố gắng nhiều hơn nữa mà mẹ quên mất rằng, con mới chính là nguồn năng lượng ấm áp và mạnh mẽ nhất.

Duy nhất là con - bông hoa nắng nở vào đêm, dẫn mẹ bước về phía trước đầy tự tin và yêu thương tràn ngập.

Phong Lan

Mẹ cảm thấy thế nào

Mẹ cảm thấy thế nào

Ly hôn có thể rất tồi tệ, nhưng cuộc sống sau ly hôn có tồi tệ hay không là do cách chúng ta đối diện với nó như thế nào