Chương trình phổ thông mới: Các trường sẽ dạy và học ra sao khi thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật?

Khi hai môn này được đưa vào bậc THPT, tình trạng thiếu giáo viên là bài toán khó đối với các trường.

Điểm mới chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT sẽ triển khai ở lớp 10 trong năm học tới là học sinh được chọn các môn học theo sở thích, đồng thời xuất hiện môn học mới âm nhạc, mỹ thuật.

Thầy Đào Ngọc Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) - cho hay trường chưa có giáo viên môn nghệ thuật, cũng như chưa có phòng âm nhạc, mỹ thuật, nên năm học tới chưa triển khai dạy hai môn này. Trường cũng đã báo cáo tình hình lên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội”.

Theo thầy Sỹ, âm nhạc và mỹ thuật là môn năng khiếu, rất đặc thù nên không thể đưa giáo viên bộ môn khác sang dạy thay được. Nếu tuyển giáo viên mới sẽ gặp cái khó là không cho tăng biên chế. 

        Ảnh: Phụ nữ TP.HCM
Ảnh: Phụ nữ TP.HCM

Theo thầy Đỗ Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường THPT Ba Vì (H. Ba Vì, TP. Hà Nội), căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất cũng như giáo viên, với tổ hợp môn âm nhạc và mỹ thuật năm học 2022-2023, nhà trường chưa thể triển khai dạy cho học sinh. Trường đã đề xuất được trang bị về cơ sở vật chất cũng như giáo viên để dạy tổ hợp môn nghệ thuật trong năm học 2023 - 2024. 

Tại TP.HCM, thầy Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) - nhận định: Việc thiếu giáo viên môn nghệ thuật là khó khăn của các trường khi triển khai chương trình lớp 10 mới. Thầy Thạch cho biết thêm hiện nay, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đang được tham gia các câu lạc bộ trong đó có câu lạc bộ về âm nhạc và mỹ thuật. Trường cũng có truyền thống dạy môn năng khiếu cho học sinh như thanh nhạc, guitar. Tuy nhiên để đưa vào chương trình chính khóa thì giáo viên chính quy là nhân tố quan trọng.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học tới khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10, nếu học sinh có nhu cầu chọn lựa môn âm nhạc và mỹ thuật nhiều thì các trường sẽ gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên. Sở đã làm việc với Trường đại học Sài Gòn và đại học Sư phạm TPHCM, đề xuất mở các mã ngành liên quan để bổ sung nguồn giáo viên.

Sở cũng liên hệ với các trường đào tạo chuyên ngành âm nhạc, mỹ thuật như Nhạc viện TP.HCM hay Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM để phối hợp cùng các trường sư phạm mở lớp đào tạo bồi dưỡng về chứng chỉ sư phạm. 

Sở GD-ĐT TPHCM đã chỉ đạo cụ thể tới các trường THPT. Các trường có thể tuyển giáo viên hợp đồng với thầy cô đủ điều kiện giảng dạy để mở lớp. Các đơn vị khối THPT liên hệ với các phòng GD-ĐT quận, huyện để cùng chia sẻ giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật.

Giáo viên trường này có thể dạy các trường khác thông qua hình thức hợp đồng, thỉnh giảng. Chương trình giáo dục phổ thông mới có yêu cầu nếu đủ điều kiện về giáo viên cũng như cơ sở vật chất thì mới tổ chức dạy.

Một số trường chưa đủ điều kiện thì từng bước xây dựng kế hoạch để triển khai trong những năm học kế tiếp. 

Thanh Mai