Mọi người thường nói thai do IVF là thai quý, thai hiếm vì khó khăn lắm các mẹ mới có được con. Trong điều trị hiếm muộn, các bà mẹ tìm con đã khó, làm sao để giữ con phát triển trong cơ thể mình đủ tháng đủ ngày và chào đời suôn sẻ cũng chẳng phải việc dễ dàng.
9 tháng 10 ngày mang bầu, người mẹ có thể trải qua không ít mệt mỏi, lo lắng... điều không mong muốn nhất là tình trạng sinh non có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong các bệnh viện chuyên về sản khoa, hay chuyên điều trị hiếm muộn, có một công việc được gọi là "khâu eo tử cung". "Khâu" mang đúng nghĩa đen, đó là vá chặt cổ tử cung lại, níu giữ em bé nằm ngoan trong bụng mẹ, hỗ trợ hết mức có thể để bé phát triển chào đời.
Công việc này không ai chọn, nhưng nó thường đến như một cái duyên. Điều đặc biệt là tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, người chuyên làm công việc này lại là một bác sĩ nam có tuổi đời còn rất trẻ.
ThS.BS Hoàng Văn Khanh đã công tác trong ngành y được gần 10 năm. Đến giờ, bác sĩ Khanh cũng chẳng đếm nổi bản thân có bao kỷ niệm với cái nghề "khâu eo tử cung" bất đắc dĩ này.
Anh nói: "Việc chọn người chứ người không được chọn. Ban đầu, tôi không thích chuyên khoa sản lắm, nhưng sau này gắn bó với nó như một cái duyên. Lâu dần tôi càng thích vì giúp ích được cho nhiều người".
24h của bác sĩ sản phụ khoa: Đi thăm bệnh, đi siêu âm, đi phẫu thuật và có những ngày thực hiện 7 ca "khâu eo tử cung"
Một ngày làm việc của bác sĩ Khanh thường bắt đầu từ 7h sáng. Công việc được thực hiện tuần tự như một thói quen đầy bận rộn mỗi ngày: Đi buồng thăm bệnh nhân đã mổ. Sau đó đi phẫu thuật cho các bệnh nhân đã hẹn lịch. Xong xuôi, bác sĩ sẽ trở lại phòng để siêu âm cho các bệnh nhân đang xếp hàng. Buổi chiều là khoảng thời gian bác sĩ Khanh tập trung làm các thủ thuật "khâu eo".
"Như chiều nay, tôi thực hiện 7 ca 'khâu eo tử cung'. Làm xong tiếp tục quay lại phòng siêu âm vì bệnh nhân vẫn chờ. Một ngày cứ cuốn đi như vậy, công việc đến liên tục và không bị ngắt quãng", bác sĩ Khanh kể.
ThS.BS Hoàng Văn Khanh. |
Theo lời bác sĩ, "khâu eo" chỉ là một phần nhỏ trong công việc hằng ngày mà bác sĩ thực hiện. Kể về công việc đặc biệt này, bác sĩ Khanh miêu tả: "Khâu eo tử cung nghĩa là khâu vòng quanh cổ tử cung của người phụ nữ. Lúc này, các bác sĩ sẽ dùng một loại chỉ rất to, giống như dây buộc giày vậy, để khâu vòng quanh cổ tử cung và buộc lại.
Việc khâu eo tử cung là một cách gia cố lực giữ của cổ tử cung, để em bé không bị tụt ra ngoài. Thủ thuật này rất cần thiết cho những sản phụ bị sinh non tự phát, cổ tử cung yếu... Khi đó ở những tuần thai to, cổ tử cung sẽ tự mở và em bé có thể 'trôi' ra ngoài bất cứ lúc nào. Gây nguy hiểm cho cả con lẫn mẹ".
Trong 2 năm qua, bác sĩ Khanh đã thực hiện rất nhiều ca "khâu eo tử cung" như vậy. Nhưng có lẽ anh không thể quên ca "khâu eo" đầu tiên mà mình can thiệp: "Ban đầu, tôi cũng chưa hình dung được rằng nó sẽ như thế nào, cần phải làm gì... Mà chỉ được biết cái kỹ thuật này qua đọc sách mà thôi. Nhưng trải nghiệm đầu tiên cũng cho thấy rằng thủ thuật này không hề dễ. Khi bắt tay vào làm, tôi toát mồ hôi luôn vì mọi thao tác đều cực kỳ khó và tỉ mỉ".
"Ối ra hết âm đạo rồi, nhìn đúng to bằng quả trứng luôn!"
"Khâu eo tử cung để giữ thai trong bụng mẹ" - Công việc nghe thôi đã thấy rất thiêng liêng và cũng cần đầy sự cẩn trọng. Bác sĩ Khanh chia sẻ, cổ tử cung vốn rất mỏng manh, do đó chỉ cần một thao tác sai cũng có thể gây vỡ ối, tự tay mình làm hỏng thai kỳ của bệnh nhân. Áp lực tăng gấp bội khi hầu hết các ca cần can thiệp khâu tử cung đều là trường hợp hiếm muộn.
Thủ thuật "khâu eo tử cung" đặc biệt khó nhất là khi phải thực hiện cấp cứu, đó là khi tử cung bệnh nhân đã mở và nước ối đã tràn ra ngoài.
"Cái khó nhất là làm sao để đưa ối vào lại buồng tử cung, nhưng với điều kiện là khâu không được làm tổn thương màng ối bởi vì vỡ ối là em bé sẽ ra đi ngay trước mặt bạn...
Màng ối nó không giống như quả bóng bay đâu! Bóng bay bằng cao su có khi mình vò chán nó còn chả vỡ, nhưng màng ối thì khác. Có khi một tác động mạnh thôi có thể làm nó vỡ hoặc mất tính toàn vẹn của nó. Một cái kim chỉ cần chạm vào thôi là nó sẽ rách, vỡ ngay!", BS Khanh chia sẻ.
Năm 2022, bác sĩ Khanh nhận tin báo có ca cấp cứu từ Hải Phòng lên Hà Nội. Sản phụ 25 tuổi, có dấu hiệu chuyển dạ, ối thõng.
"Lúc tôi lên khám xem có thể khâu được không, thì phải thốt lên rằng: Ối ra hết âm đạo rồi, thật sự là bất ngờ luôn, nhìn đúng to bằng quả trứng... Lúc ấy, công việc của bác sĩ là đưa lại thai nhi vào tử cung và khâu phần cổ tử cung lại.
Quả thực ca đó không chỉ bệnh nhân may mà bác sĩ cũng rất may mắn vì đã thành công. Thậm chí, khi khâu xong rồi mà ối chưa lên hết, tôi đã tưởng thất bại rồi (nghĩa là vỡ ối rồi). Nhưng rồi tôi bình tĩnh sửa lại, lại cắt những sợi chỉ ra, làm lại một lần nữa, thậm chí khâu đè lên nó. Rất may là sau đó bạn ấy về giữ được con và sinh lúc 36 tuần, tuy nhiều khó khăn nhưng thành công mĩ mãn", bác sĩ Khanh kể lại.
ThS.BS Hoàng Văn Khanh đang thực hiện thủ thuật "khâu eo". |
Cũng nhờ ca cấp cứu đó, bác sĩ Khanh đã nghĩ ra nhiều các phương pháp, cách đẩy ối mới để tăng tỉ lệ thành công trong các ca thủ thuật "khâu eo" của mình.
"Bác sĩ Khanh ơi! Người đầu tiên em báo vợ em đẻ chính là anh"
ThS.BS Hoàng Văn Khanh kể, những kỷ niệm ngày mới vào nghề có rất nhiều, hạnh phúc có, ngại ngùng cũng có: "Lúc mới đầu làm, trưởng khoa có yêu cầu tôi khám vùng ngực cho một bà mẹ mới sinh con. Khi đó thực sự rất ngại, không dám khám. Về sau tôi quyết tâm vượt qua thử thách này để làm tốt công việc của mình".
Quả thật càng làm lại càng thấy bản thân đam mê và hạnh phúc với những giá trị mà công việc đem lại. Bác sĩ vẫn nhớ mãi trường hợp của một bệnh nhân nữ tên T.T (sống tại Sơn La). Chị có tiền sử sinh non 5 lần, trước đó đã từng "khâu eo tử cung" nhiều lần nhưng không thành công. Hai vợ chồng đang loay hoay "tìm con" thì chồng đòi ly hôn.
Sau khi đến với người chồng thứ hai, chị T.T biết đến bệnh viện và bác sĩ Khanh nên quyết định "chọn mặt gửi vàng". Biết được hoàn cảnh đặc biệt của chị, bác sĩ Khanh đã hỗ trợ hết mình để chị có thể đón con yêu chào đời.
Vậy là hành trình đầy gian nan với hai lần phải khâu tử cung bắt đầu. May mắn thay, sản phụ đã giữ thai nhi đến 37 tuần, rồi sinh thường một bé trai kháu khỉnh. Cho đến tận bây giờ, gia đình chị T vẫn còn liên lạc với bác sĩ Khanh, yêu mến bác sĩ như một ân nhân.
Tình cảm của bệnh nhân chính là động lực lớn nhất, bác sĩ Khanh kể: "Thậm chí có người vợ đi đẻ, ngay lập tức gọi cho tôi báo rằng: Bác sĩ Khanh ơi! Người đầu tiên em báo vợ em đẻ chính là anh.
Họ cũng hiếm muộn nhiều năm, chuyển phôi rất nhiều lần, thậm chí có thai lưu rất nhiều lần, sinh non cũng nhiều lần luôn. Đây là lần đầu tiên họ đón được con về. Họ cũng cảm thấy vui vì đã được các bác sĩ đồng hành với họ lâu như vậy".
Tất nhiên là trong những câu chuyện vui, thi thoảng lại lẫn lộn đâu đó nỗi buồn. Đôi khi bác sĩ và cả bệnh nhân đều phải đón nhận những kết quả không may mắn. Nhưng anh vẫn tự nhủ, dù khó khăn, cũng không được nản lòng, phải không ngừng nâng cao kinh nghiệm, kiến thức để làm được điều tốt nhất cho bệnh nhân của mình.
"Làm nghề này không được để cảm xúc chi phối quá, tâm lý phải vững vàng. Tôi nghĩ là không phải ai cũng thích hợp làm những công việc này. Nhất là những người không có tinh thần tốt, tâm lý vững, không có bàn tay khéo léo...", bác sĩ nói.
Có lẽ đến thời điểm hiện tại, điều mà bác sĩ Khanh mong mỏi nhất, là làm sao hỗ trợ tốt nhất cho các sản phụ hiếm muộn, thuận lợi sinh con, bõ công bao tháng ngày mong ngóng con yêu. Trong tương lai, bác sĩ Khanh cùng các đồng nghiệp của mình, sẽ tiếp tục cống hiến, nghiên cứu, trau dồi kinh nghiệm... để hoàn thành tốt công việc của mình đó là ươm các mầm sống, hỗ trợ các sản phụ có một thai kỳ thuận lợi.
Phòng khám đa khoa Nam Việt liên tục sai phạm, gây tai biến sản khoa nghiêm trọng
Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa công bố thông tin về việc Phòng khám đa khoa Nam Việt vi phạm quy định chuyên môn kỹ thuật gây tai biến sản khoa nghiêm trọng cho một sản phụ.