Bé H.V quê ở Thái Bình dù 11 tuổi nhưng lại có dáng hình như em bé mẫu giáo lớn. Mẹ của bé là chị Quách Thị L. cho biết khi chị sinh ra bé H.V có cân nặng bình thường. Từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 5 bé vẫn tăng cân đều nhưng từ tháng thứ 5 trở đi tới tháng thứ 9, chị L. thấy con không tăng lạng nào.
Chị vẫn hy vọng chỉ là giai đoạn bé chậm tăng trưởng nhưng theo năm tháng cô bé vẫn nhỏ như vậy. Chị L. đã đưa con đi khám ở nhiều nơi, nhận nhiều đơn thuốc, sữa, thực phẩm chức năng nhưng cân nặng của bé vẫn tăng rất chậm.
Năm con 5 tuổi, chị L. gửi con lớp mẫu giáo 3 tuổi, bé cứ học mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi rồi lại năm tuổi. Khi có em trai và em vào lớp mẫu giáo 3 tuổi, H.V lại vào lớp mẫu giáo 3 tuổi học cùng với em. H.V cao chỉ có 79 cm với cân nặng 8,9 kg. Dù thấy hình hài con bé nhưng chị muốn con được ra ngoài phát triển hòa đồng với bạn bè, chỉ có điều bé tự ti, ít nói.
Bé H.V và mẹ tại BV Nhi Trung ương. |
Năm 2019, chị L. xin cho bé vào lớp 1 nhưng không được nhà trường đồng ý. Chị L. phải trình bày, xin mãi và cuối cùng bé cũng được vào lớp 1 học với em trai. Học hết lớp 1, H. V không lên lớp 2 mà lại học lại. Đến nay mẹ của H.V khoe bé đã biết đọc, biết viết đó là điều vô cùng hạnh phúc với chị.
Đầu năm 2019, chị cho con lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám và bé được chẩn đoán là bị suy toàn tuyến yên khiến thân hình bé nhỏ. Từ năm 2019 đến nay, H.V được điều trị bằng thuốc nội tiết. Trong gần 2 năm, bé tăng 29 cm và nặng thêm 10kg. Hiện bé đã nặng 19 kg, cao gần 1,1 mét.
TS Vũ Chí Dũng – Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 30-50 trường hợp bệnh nhi được gia đình đưa đến khám chậm tăng trưởng chiều cao. Các nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao có thể kể đến như suy dinh dưỡng, bị các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hoóc môn tăng trưởng.... Trong đó thiếu hoóc môn tăng trưởng là một trong những nguyên nhân quan trọng với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/4000 – 1/10.000 trẻ.
Theo ông Dũng, bé H.V 9 tuổi nhưng thân hình như bé 5 tuổi do bị bị suy toàn tuyến yên và việc điều trị bằng hooc môn cho bé hoàn toàn có thể giúp bé trưởng thành ít nhất cũng đạt 80 %. Dù chậm về thể chất nhưng chỉ số IQ hoàn toàn bình thường. BS Dũng cho rằng bé H.V hoàn toàn có thể theo học các lớp học như các bạn mà không cần xếp bé vào lớp học đặc biệt dành cho trẻ tàn tật.
Từ năm 2005 cho tới nay đã có trên 900 trẻ đang điều trị hóc môn tăng trưởng tại Bệnh viện Nhi trung ương với các nhóm bệnh do thiếu hóc môn tăng trưởng, Turner, Prader Willi, chậm tăng trưởng so với tuổi thai. Năm đầu trẻ tăng trung bình 10 -12 cm, năm thứ 2 tăng trung bình 7 – 9 cm, các năm sau đó tăng trung bình 6 cm.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo việc theo dõi chiều cao của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng của các bố mẹ là rất cần thiết. Với trẻ thiếu hóc môn tăng trưởng càng điều trị sớm, trẻ có thể bắt kịp tăng trưởng của trẻ bình thường. Trẻ thiếu hóc môn tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ đạt được chiều cao tối thiểu. Dù ở thời điểm nào thấy trẻ phát triển chiều cao thấp hơn giới hạn bình thường và tốc độ tăng trưởng chậm thì gia đình nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết Nhi để xác định chẩn đoán và nguyên nhân.
Chiều cao trung bình người Việt vượt mục tiêu đề ra
Mức tăng trưởng chiều cao đạt được của nam thanh niên Việt Nam hiện nay khoảng 1,68m, vượt mục tiêu 1,67m đã đề ra.