Cô gái đi làm 8 năm nhưng chỉ tiết kiệm được 60 triệu: Lý do nằm ở 2 sai lầm chí mạng!

Với mức lương thấp nhất là 7 triệu/tháng, trung bình mỗi tháng, cô gái này chỉ tiết kiệm được 625.000đ.

Trong một lần bâng quơ lướt MXH, Nguyễn Hữu Trí (còn được biết đến với nickname "thầy Quéo") - Vlogger sở hữu kênh Youtube hơn 905 nghìn người theo dõi, đã bắt gặp dòng tâm sự của một cô gái về mức lương cũng như số tiền cô tiết kiệm được sau 8 năm đi làm.

Câu chuyện của cô gái ấy có thể tóm tắt như sau: Năm đầu tiên đi làm, cô nhận được mức lương là 7 triệu/tháng. Tới năm thứ 2, con số này tăng lên 8 triệu/tháng. Từ năm thứ 5 đến năm thứ 7, cô được tăng lương lên thành 10 triệu/tháng. Và đến năm thứ 8, cô mới nhận được mức lương 12 triệu/tháng.

Hàng tháng cô đều gửi về cho bố mẹ 2 triệu. Sau 8 năm đi làm, cô gái này cho biết bản thân chỉ tiết kiệm được 60 triệu. Với mức lương có phần hơi thấp, để tiết kiệm được chừng đó tiền, cô phải chi tiêu khá chắt bóp, không dám mua sắm gì nhiều và tuyệt nhiên cũng không đủ tự tin để nghĩ tới chuyện hò hẹn, yêu đương.

Nguyễn Hữu Trí
Nguyễn Hữu Trí

Sau khi tóm tắt lại câu chuyện của cô gái này, Nguyễn Hữu Trí đã phân tích và chỉ ra 2 sai lầm trí mạng mà phần lớn những người đi làm công ăn lương đều mắc phải, khiến mức lương họ nhận được không cao, không thể tiết kiệm được nhiều tiền.

1 - Không đầu tư cải thiện kỹ năng làm việc của bản thân

Nguyễn Hữu Trí cho rằng sau 8 năm đi làm mà mức lương chỉ tăng thêm 5 triệu (từ 7 triệu/tháng lên 12 triệu/tháng) là điều đáng để đặt câu hỏi, vì mức tăng lương như vậy là quá thấp.

"Giả sử năng lực làm việc của mình không có bất kỳ cải thiện nào trong vòng 8 năm, thì mức lương vẫn sẽ tăng dần hàng năm để bù cho trượt giá. Mức tăng lương cơ bản để bù trượt giá là 10%/năm. Nếu mỗi năm lương của bạn được tăng 10% với mức lương ban đầu là 7 triệu/tháng, thì sau 8 năm, mức lương sẽ là 15 triệu/tháng" - Nguyễn Hữu Trí tính toán và đưa ra nhận định.

Đến đây, nhiều người có thể ngay lập tức đổ lỗi cho chế độ đãi ngộ của công ty. Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Trí lại có quan điểm khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Nếu trong công ty của bạn có người có thâm niên ít hơn bạn, mà họ lại được nhận mức lương cao hơn bạn, vậy thì chứng tỏ công ty chỉ trả lương thấp cho một mình bạn thôi, chứ không phải tất cả.

Bạn cần hiểu rằng mức lương bạn nhận được phải tương xứng với giá trị bạn mang lại cho công ty. Vì vậy, vấn đề có thể không nằm ở công ty, mà nằm ở chính bạn" - Nguyễn Hữu Trí khẳng định.

Từ đó, anh tiếp tục đưa ra lời khuyên rằng cải thiện kỹ năng làm việc, hay nói cách khác là tăng giá trị mà mình có thể mang lại cho công ty, chính là yếu tố cốt lõi để có mức thu nhập tốt và cao hơn theo năm tháng.

Để kiểm tra xem bản thân có đang "dậm chân tại chỗ" hay không, Nguyễn Hữu Trí gợi ý cho bạn một câu hỏi có tính tự vấn: "Trong 6 tháng qua, bạn đã đọc bao nhiêu cuốn sách, đã có thêm được bao nhiêu kỹ năng mới trong công việc, và có thêm được bao nhiêu mối quan hệ để mở rộng networking?".

"Mức lương khởi điểm có thể do công ty quyết định nhưng tốc độ tăng lương là do chính bạn quyết định" - Nguyễn Hữu Trí nhấn mạnh.

2 - Không thành thật với bản thân và gia đình về tình hình tài chính cá nhân

Khi lương 7 triệu, cô gái này gửi về cho gia đình 2 triệu/tháng. Đến khi lương 12 triệu, cô vẫn gửi về cho gia đình 2 triệu/tháng. Nhìn nhận sự thật này, Nguyễn Hữu Trí đặt ra câu hỏi: Tại sao lại là 2 triệu?

Sở dĩ, anh thắc mắc vấn đề này vì cho rằng đây là thói quen của nhiều bạn trẻ: "Anh thấy có rất nhiều người khi đã đi làm và có dư một số tiền hàng tháng, họ sẽ mặc định gửi về cho gia đình mà không làm rõ mong đợi cũng như nhu cầu của bản thân và gia đình. Điều này rất rõ ràng m. Tại sao 8 năm trước, gửi về 2 triệu, đến 8 năm sau vẫn gửi về 2 triệu? 1 triệu có được không? Hoặc gia đình có thực sự cần số tiền 2 triệu/tháng bạn gửi về không?".

Nếu cô gái này chịu ngồi xuống và nói chuyện nghiêm túc, chân thành với bố mẹ về tình hình tài chính cũng như kế hoạch tài chính của bản thân, để hiểu được mong muốn và nhu cầu của bố mẹ cũng như chính mình, số tiền tiết kiệm của cô sau 8 năm đi làm có thể sẽ đột phá hơn rất nhiều.

Nguyễn Hữu Trí
Nguyễn Hữu Trí

"Anh giả sử bố mẹ cô ấy chỉ cần 1 triệu/tháng, thì sau 8 năm, cô ấy có thể tiết kiệm thêm được 96 triệu. Cộng thêm với số tiền 60 triệu mà cô ấy đang có, thì sau 8 năm, tổng số tiền tiết kiệm được sẽ là 156 triệu. Trong trường hợp gia đình hoàn toàn không cần cô gái này gửi tiền về hàng tháng, số tiền mà cô tiết kiệm được sau 8 năm đi làm sẽ là 252 triệu" - Nguyễn Hữu Trí phân tích.

Đến đây, Nguyễn Hữu Trí cũng thú nhận rằng trong những năm đầu tiên đi làm, anh cũng đã thành thật và thẳng thắn chia sẻ với bố mẹ về kế hoạch tài chính, cũng như thực trạng tài chính của bản thân ở thời điểm đó.

"Ba mẹ anh cũng chỉ là công chức nhà nước, không phải dân kinh doanh buôn bán nên thu nhập cũng chỉ đủ sống. Nhưng ba mẹ đã có tiền tiết kiệm và lương hưu, họ hoàn toàn có thể tự trang trải cuộc sống mà không cần các con chu cấp hàng tháng. Ba mẹ anh nói với anh con cứ ổn định cuộc sống của bản thân con trước, ba mẹ không cần tiền của con. Thế nên suốt 5 năm đầu tiên đi làm, anh hoàn toàn không gửi tiền về cho gia đình".

Ngọc Linh

Em gái tôi đòi giữ sổ tiết kiệm hơn 2 tỷ của bạn trai, không nhận được sự đồng ý liền làm loạn

Em gái tôi đòi giữ sổ tiết kiệm hơn 2 tỷ của bạn trai, không nhận được sự đồng ý liền làm loạn

Mặc dù Oanh là em gái tôi nhưng tôi cũng không thể chịu đựng được cái tính khí của nó.