Có gì tại “Không gian Mộc bản triều Nguyễn”?

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV vừa khai mạc Triển lãm “Không gian Mộc bản triều Nguyễn” và sự kiện văn hóa “Hành trình di sản trong thời đại số”.

Lần đầu tiên, tại một trung tâm lưu trữ quốc gia, người tham dự được trải nghiệm ứng dụng Hologram để tìm hiểu về câu chuyện mộc bản triều Nguyễn bằng tranh cát, xem lại quy trình biên soạn và khắc in mộc bản bằng công nghệ 3D Mapping và sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360, quét mã QR Code để nắm rõ các thông tin trưng bày…

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) vừa khai mạc Triển lãm “Không gian Mộc bản triều Nguyễn” và sự kiện văn hóa “Hành trình di sản trong thời đại số”, với sự tham gia của gần 200 đại biểu khách mời. Đây là sự kiện mở đầu quá trình quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu mộc bản triều Nguyễn theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giúp Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, gần gũi và bổ ích của khách du lịch, các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ khi đặt chân đến thành phố Đà Lạt.

  Cắt băng khai mạc triển lãm “Không gian Mộc bản triều Nguyễn” tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Cắt băng khai mạc triển lãm “Không gian Mộc bản triều Nguyễn” tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Tại không gian triển lãm, đại biểu tham dự đã được trải nghiệm hình thức tham quan hiện đại với 3 chuyên đề được thiết kế đặc sắc, thể hiện rõ các giá trị của mộc bản. Chuyên đề 1 “Mộc bản - Bảo vật hoàng triều” nói về lịch sử hình thành mộc bản dưới triều Nguyễn với công nghệ 3D mapping và công nghệ cảm ứng trên kính. Tại Chuyên đề 2 “Quy trình biên soạn và khắc in Mộc bản”, các công đoạn tuyển chọn thợ khắc, chuẩn bị vật liệu, biên soạn và khắc, in mộc bản triều Nguyễn được thể hiện sinh động thông qua hình thức vẽ tranh cát trên ứng dụng Hologram. Còn tại Chuyên đề 3 “Thiên hùng ca sử Việt”, khách tham quan được thưởng thức lại  Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Nam Quốc Sơn Hà, Bình Ngô Đại Cáo… theo cách mới lạ với công nghệ thực tế ảo VR 360. Đặc biệt tại không gian này, người xem có thể tận mắt nhìn thấy bản gốc Mộc bản Triều Nguyễn đang bảo quản tại Kho chuyên dụng và sử dụng hình thức quét mã QR Code để xem thông tin trưng bày.

Có gì tại “Không gian Mộc bản triều Nguyễn”?
  Việc ứng dụng công nghệ hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo trong việc tìm hiểu mộc bản triều Nguyễn.

Việc ứng dụng công nghệ hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo trong việc tìm hiểu mộc bản triều Nguyễn.

Mộc bản triều Nguyễn là loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác; là bản gốc của các bộ chính văn, chính sử nổi tiếng của Việt Nam được biên soạn, khắc in chủ yếu dưới triều Nguyễn. Với giá trị đặc biệt về nội dung, nghệ thuật chế tác, Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới vào ngày 31 tháng 7 năm 2009 và trở thành Di sản Tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.

  Tiết mục múa “Hành trình di sản trong thời đại số”, một điểm nhấn tại sự kiện lần này.

Tiết mục múa “Hành trình di sản trong thời đại số”, một điểm nhấn tại sự kiện lần này.

 Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là nơi bảo quản khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn, tư liệu thế giới một loại hình tài liệu lưu trữ đặc biệt quý hiếm trong kho tàng lịch sử, văn hóa Việt Nam. Khối tài liệu gồm 33.971 tấm, là nguồn tư liệu tin cậy, còn khá nguyên vẹn để khảo cứu, đối chiếu, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị khối mộc bản này, bên cạnh các hình thức truyền thống, Trung tâm đã từng bước đổi mới và mở rộng hình thức quảng bá, giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước thông qua việc ứng dụng công nghệ số. Từ đầu tháng 10/2023, “Không gian Mộc bản triều Nguyễn” với hình thức trình chiếu, tương tác mới lạ, cuốn hút này sẽ chính thức mở cửa tham quan.

  Tọa đàm “Hành trình di sản trong thời đại số”.

Tọa đàm “Hành trình di sản trong thời đại số”.

 Tài liệu lưu trữ có tầm quan trọng đặc biệt về lịch sử, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh quốc gia. Thời gian gần đây, quá trình chuyển đổi từ tư liệu truyền thống sang tư liệu số đã tạo nên bước tiến mới cho ngành lưu trữ thông qua xây dựng hệ thống cở sở dữ liệu quy mô; đẩy mạnh việc công bố, tuyên truyền, triển lãm tài liệu lưu trữ trên môi trường mạng; ứng dụng các công nghệ hiện đại để phát huy các giá trị di sản. Bên cạnh việc khai mạc triển lãm “Không gian Mộc bản triều Nguyễn”, trong khuôn khổ sự kiện văn hóa “Hành trình di sản trong thời đại số” còn có tọa đàm bàn về những tác động của quá trình chuyển đổi số trong việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành.

Dung Trần

Triển lãm “Tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” tôn vinh những đóng góp của nữ trí thức

Triển lãm “Tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” tôn vinh những đóng góp của nữ trí thức

Sáng 21/4, tại Hà Nội, triển lãm “Tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” đã chính thức khai mạc.