Con cái, người thày kiên trì nhất

Cần kiên nhẫn, cả với những lầm lỡ dù nhỏ dù lớn của con mình để kết nối với con.

Tôi chắc chắn không phải một ông bố điển hình, chứ đừng nói đến mẫu mực. Nếu dám nhận gì đó từ phương diện làm bố, tôi chỉ dám tự tin rằng mình đã luôn cố gắng kiên trì với con. Kiên trì, lại là tính mà tôi rất yếu. Và trên con đường rèn luyện sự kiên trì, tôi đã có một người thày tốt, chính là con của mình.

Với việc lặp đi lặp lại các sai lầm, con tôi chỉ ra cho tôi thấy rốt cuộc thế nào mới là đúng. Với việc bướng bỉnh, con tôi buộc tôi phải tính toán những giải pháp, nhiều giải pháp, thay vì chỉ có một. Với việc lười vận động, con tôi khiến tôi phải tập tành thể thao, để đôi khi có thể lôi nó tham gia một trò gì đó.

Cứ như vậy, tôi học được cách kiên trì với chính cuộc đời mình, thông qua giao tiếp với con mình.

Cuốn sách “Bố ngồi cùng con, nhé!”, chính là một thành quả của sự kiên trì mà tôi mới có được (chứ còn ngồi mà nghĩ về việc ra sách thì tôi đã nghĩ từ hai mươi năm trước rồi). Hóa ra, đó là điều nhiều phụ huynh đã và đang thiếu – sự kiên trì với con cái ấy mà.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Con phải ngoan

Một người bạn tôi, dân anh chị xã hội số má, lăn lộn giang hồ từ năm mười mấy tuổi, chỉ có một cậu con trai duy nhất. Anh yêu thương con hết mực, và cũng rất nghiêm khắc với con.

- Anh nói với nó, đời bố đã ít học, con phải cố mà học. Bố sẽ cố gắng không để con thiếu thứ gì cho việc học hành nên người. Nhưng cái ngày mà công an gọi bố lên đồn bảo lãnh cho con, thì con nên biết là bố sẽ không lên đâu – anh kể với tôi.

- Ủa anh? – tôi ngạc nhiên – Vậy khi nó ngoan, nó giỏi thì nó là con anh. Còn ngay khi nó phạm sai lầm thì anh quay lưng? Sao xã hội phải đón nhận con anh, khi mà chính anh phủi tay với cháu? Và khi anh nói thế với con mình, thì cháu sẽ hiểu rằng nó không có đường lùi, không được phép sai, vì bố không chấp nhận đâu. Thế thì nếu nhỡ ra nó sai (mà trời ơi làm con người ai chả có lúc sai), thay vì chia sẻ với anh, con anh sẽ lẳng lặng giấu đi, hoặc nói dối. Anh muốn con mình như thế à?

Anh bạn tôi lặng người suy nghĩ. Rồi anh vỗ vai tôi, “Em đúng, anh chưa nghĩ đến khía cạnh này”.

Tôi nghĩ, làm bố mẹ thì cần kiên nhẫn, cả với những lầm lỡ dù nhỏ dù lớn của con mình. Không phải là đồng lõa, mà là kiên nhẫn dằn lòng xuống, dằn sự tức giận hay thậm chí là đau đớn xuống, để kết nối với con. Người ta cần bàn tay khi ở đáy vực, chứ không phải khi đã ở trên đỉnh núi.

Không ngừng kết nối

“Tôi không biết làm thế nào để nói chuyện được với con. Ngày nào cũng hỏi có chuyện gì không? Và nó luôn nói là chẳng có gì”. Đại loại những câu chuyện như thế tôi nghe các phụ huynh nói nhiều, khác nhau về đoạn sau thôi. Dĩ nhiên là tôi cũng chẳng khác gì. Khi câu hỏi là: “Hôm nay ở trường có gì không con?” thì gần như chắc chắn câu trả lời sẽ là: “Không có gì ạ. Như mọi khi thôi”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có lẽ chúng ta đã hơi lười nhác trong kết nối. Bởi vì “có gì” trong câu hỏi, là cả một khác biệt rất lớn về quan điểm. “Có gì” với bố mẹ, nó khác với “có gì” của trẻ con. Hôm nay con đã trèo được lên cây bàng và chơi ném dép và quên giấy kiểm tra nên phải xé vở… Đó là “có gì” của trẻ con.

Còn “có gì” của người lớn là thành tích học tập đứng đầu lớp, được bằng khen, hoặc ngược lại – là nạn nhân của một vụ bạo hành kinh khủng nào đó giống trên mạng xã hội thỉnh thoảng truyền tay nhau.

Bọn trẻ ban đầu cũng hào hứng chia sẻ những câu chuyện hàng ngày của chúng. Nhưng sau thì quá quen với thái độ thờ ơ của người lớn với những chuyện “chẳng có gì” ấy. Sự kết nối lỏng ra, và dần dần rất khó để hiểu nhau.

Bọn trẻ rất cô đơn

Hình dung thế này, nhiều người trong chúng ta khó mà trải qua một ngày không có kết nối internet, và rất khó có ai chỉ kết nối mạng chừng 15-30 phút mỗi ngày. Thế nhưng nghiêm túc nhìn nhận, có chắc bố mẹ kết nối liên tục và chất lượng với con mình nhiều hơn ngần ấy không? Câu hỏi này, chúng ta tự nhìn lại.

Bọn trẻ cần được kết nối, chia sẻ hai chiều. Mà câu hỏi “Hôm nay có chuyện gì không?” là câu hỏi một chiều. “Trò chuyện tí nào” hoặc “Hôm nay của con thế nào?” nghe có vẻ ổn hơn nhiều.

Và dù thế nào, hãy luôn kiên trì kết nối với con, ngay cả khi chúng ta mệt mỏi nhất, ngay cả khi hai bên giận dữ và thất vọng lắm về nhau. Rồi thì tự khắc cái câu tưởng như sáo và khó “làm bạn với con” sẽ trở thành hiện thực. Bởi vì bạn biết đấy, có tình bạn bền vững nào không từng trải qua sóng gió, để hiểu và thông cảm sâu sắc với nhau đâu.

Gia Hiền

Dạy con thế nào

Dạy con thế nào

Thật dễ để một đứa trẻ đi học nghề, nhưng để chúng là người có văn hóa, kiến thức xã hội, khả năng tư duy lại là một câu chuyện khác.