Con có thương mẹ không?

Có những khi mẹ lại cáu với con. Mẹ quên mất rằng gánh nặng của con luôn nặng hơn gánh nặng của mẹ vì có thêm mẹ trong đó.

Con gái của mẹ,

Thấm thoắt cũng đã đến ngày con bước vào một trong những kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời học sinh, kỳ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở. Kỳ thi cam go được đánh giá có tính chất quyết định với sự nghiệp của mỗi con người. Con chẳng thể ở nhà một vài năm, học lại, rồi thi lại. Ai sẽ nhận con vào học? Con không có lựa chọn nào cả. Có thật sự như vậy?

Con gái mẹ luôn mong ước đỗ vào một trong các trường cấp ba đứng đầu cả nước. Đó hẳn là điều đáng vui mừng nhưng cũng đáng lo ngại, bởi mỗi môn thi đều yêu cầu đạt điểm tối đa hoặc dưới ngưỡng tối đa càng ít càng tốt. Đối với môn học con yêu thích, tỷ lệ chọi vào lớp chuyên vô cùng khốc liệt. Vậy là con phải cố gắng học càng nhiều càng tốt, cố học ngày học đêm, cố gắng… biết bao nhiêu cho đủ… Bất cứ điều bình thường nào cũng có thể trở thành sức ép lên trái tim bé bỏng của con: một câu bông đùa của bố, điểm thi học kỳ thấp hơn mong đợi, câu hỏi thăm của họ hàng, tiếng thở dài của mẹ, nụ cười của anh…

Chính mẹ cũng bị áp lực của kỳ thi cuốn đi lúc nào không hay. Mẹ tự hỏi mình đã cho con học đủ kiến thức chưa, tìm đúng thầy cô giỏi cho con chưa, con có bị đói không, bạn bè có khiến con mất tập trung không?

Có những ngày thay đổi thời tiết, sáng mưa như trút, chiều lại hửng nắng to khiến bệnh viêm mũi dị ứng của hai mẹ con tái phát. Không khí oi và ẩm từ dưới đất bốc lên đẩy mẹ đến đỉnh điểm của sự bức bối. Và mẹ lại cáu với con. Mẹ quên mất rằng gánh nặng của con luôn nặng hơn gánh nặng của mẹ vì có thêm mẹ trong đó.

Mẹ biết có những bạn bức bối đến mức muốn biến mất luôn khỏi thế giới này bỏ mặc ngoài tai những lời khuyên bảo, động viên muộn màng. Bỏ mặc việc làm ấy được cho là mâu thuẫn khi biết bao y bác sĩ đang từng giây từng phút giành giật mạng sống cho bệnh nhân, còn bạn ấy lại chọn cách kết thúc cuộc sống của mình vì những suy nghĩ tự thân có phần ngớ ngẩn.

Con có thương mẹ không?

Đến lúc đó những người cha người mẹ mới tạm quên đi khát vọng lớn lao của mình để mong con có sức khỏe và một cuộc sống bình yên. Hoặc cho đến khi bạn ấy cảm thấy quá mệt mỏi đến mức khóc òa lên thì bố mẹ lại đổ lỗi cho tuổi dậy thì ẩm ương, khó bảo.

Giả sử trượt nguyện vọng một thì sao nhỉ, thì còn nguyện vọng hai. Trượt hết cả ba nguyện vọng thì sao nhỉ, thì có thể tìm trường tuyển sinh bằng hình thức thi riêng, xét điểm, học trường tư, du học và cả học nghề… “Chúng ta luôn có một cơ hội nữa mang tên Ngày mai”.

Mẹ sẽ kể cho con nghe về những kỳ thi thất bại của mẹ:

* Năm mẹ học lớp bốn, bà ngoại đã đăng ký cho mẹ dự thi vào lớp chọn, dựa trên kỳ vọng của bà chứ không cần biết sức học của mẹ. Kết quả mẹ nhận về không điểm. Mẹ bị bạn bè cười chê, mẹ rất xấu hổ và mẹ thấy “sao đi học khổ thế”. Mẹ không muốn thế, nhưng mẹ không được phép tự quyết định.

* Cơn ác mộng đôi khi vẫn đến với mẹ là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, cuối năm thi rồi nhưng mẹ vẫn chưa tìm được lớp học thêm, mẹ vẫn loay hoay với sức học kém cỏi của mình.

 * Tổng điểm ba môn thi đại học của mẹ chỉ có một con số. Vì mẹ thi trường bà ngoại muốn chứ không phải trường mẹ thích. Và thời điểm đó chỉ có một lựa chọn, đại học hoặc cao đẳng hoặc ở nhà.

 * Mẹ không thể đi du học vì ông bà sợ mẹ hư, sợ mẹ bị hại…

Cha mẹ thường kỳ vọng ở con cái mình nhiều điều. Ngoan ngoãn, học giỏi, xinh đẹp. Mẹ thường hỏi con rằng: “Con có thương mẹ không? Thương mẹ thì con phải cố gắng phấn đấu, thương mẹ thì con phải nghe lời mẹ, thương mẹ thì học bù cho thanh xuân của mẹ”, “Con có thương mẹ không? Con nói đi, con có thương mẹ không?”, “Thương mẹ thì hãy cố gắng vì tương lai của con”.

Tương lai là gì mà ảnh hưởng đến thực tại của chúng ta đến vậy, tương lai ở đâu khi hiện tại ta còn chằng muốn hít thở tiếp bầu không khí ngột ngạt này. Là vì mẹ gần như phát điên với áp lực cơm, áo, gạo, tiền. Là mẹ gần như phát điên với môi trường giáo dục hiện đại học trước, học tổ hợp, giỏi đều các môn. Là mẹ gần như phát điên vì sợ hãi chỉ một sai sót nhỏ của mẹ, một phút chậm chạp của mẹ khiến con lỡ dở cả cuộc đời. Mẹ đã lo lắng quá nhiều rồi, phải không?

Đêm hôm ấy, khi con vừa trải qua một cơn đau dạ dày cấp trước kỳ thi học kỳ hai. Mẹ cầm bàn tay bé nhỏ, vẽ lên đó những vòng tròn vu vơ. Trong ánh đèn vàng êm dịu, mẹ hỏi:

“Con muốn mẹ làm gì cho con?”

“Con muốn mẹ ở cạnh con thôi, đừng nói gì cả”.

“Ừ, mẹ ở cạnh con, mẹ sẽ luôn ở cạnh con, là gối êm của con, đợi con về với những bữa cơm ngon, mỉm cười thôi… không nói gì”.

“Mẹ nói yêu con”

“Ừ, mẹ yêu con…”

Con giúp mẹ nhận ra rằng, mỗi người hãy làm tốt phận sự của mình và đừng đòi hỏi quá nhiều ở đối phương thì chúng ta sẽ bình yên, mạnh khỏe và hạnh phúc. Cảm ơn con thương yêu.

Hương Giang

Thư gửi em: Kết nối với bản thân

Thư gửi em: Kết nối với bản thân

Đứng yên không có nghĩa là mắc kẹt, ngắt bớt kết nối với thế giới chính là cơ hội để ta có thời gian kết nối với bản thân mình nhiều hơn.