Đại sứ EU: Việt Nam là nước có tiềm năng được chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19

Đại sứ Aliberti nhấn mạnh rằng với đóng góp cho Covax, EU muốn nhấn mạnh nguyên tắc "không ai bị bỏ lại" trong phân phối vaccine.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội chiều 23/3, trả lời câu hỏi về khả năng EU chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam, Đại sứ EU nói Việt Nam là nước có tiềm năng được chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19, dù vấn đề này chưa được thảo luận.

"Tôi nghĩ có thể bắt đầu thảo luận về vấn đề này, bởi trong tương lai, việc thêm nhiều quốc gia có thể sản xuất vaccine sẽ ngày càng được quan tâm. Tôi nghĩ Việt Nam có tiềm năng", ông Giorgio Aliberti nói.

Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti 
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti 

Đại sứ cho rằng Việt Nam có thể học theo Ấn Độ và có một số cơ hội tiềm năng để phát triển. 

"Tôi không nghĩ là đang có thảo luận về vấn đề này, nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng ta đang sống trong thời đại mọi thứ thay đổi rất nhanh chóng. Chúng ta cần chắc chắn rằng mọi người đều an toàn. Vì vậy, càng có nhiều quốc gia tham gia sản xuất vaccine thì càng tốt cho thế giới", ông Aliberti nói thêm.

Ông cũng nhấn mạnh, vaccine AstraZeneca đang được phân phối trong cơ chế Covax, EU đã ra các quyết định dựa trên chứng cứ khoa học. Ủy ban đánh giá rủi ro của cơ quan quản lý dược phẩm EU đã kết luận rằng hiệu quả của vaccine trong cuộc chiến chống dịch rõ ràng lớn hơn nhiều hậu quả tiềm tàng và các trường hợp bị đông máu là rất hiếm gặp.

"Chúng tôi làm theo các khuyến cáo khoa học, điều này rất rõ ràng và minh bạch. Không ai muốn giấu bất cứ thứ gì", Đại sứ Aliberti nói.

EU là nhà tài trợ đầu tiên của Covax, đóng góp 2,62 tỷ USD cho sáng kiến về cơ chế Covax, tương đương 41,5% tổng ngân sách. Covax dự kiến phân bổ cho Việt Nam khoảng 4.176.000 liều vaccine và đợt giao hàng đầu tiên dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4.

"Tiêm phòng không chỉ để bảo vệ con người mà còn để ngăn virus đột biến. Như Cao ủy EU về Đối tác Quốc tế Jutta Urpilainen đã nói, tiêm chủng không phải là cuộc chạy đua giữa các quốc gia mà là cuộc chạy đua với thời gian. Đây là chìa khóa để chấm dứt hoàn toàn đại dịch", đại sứ Aliberti nói thêm.

 

Thanh Mai

Bạn cần làm gì tiếp theo sau khi đã được tiêm phòng đầy đủ chống lại virus SARS-CoV-2?

Bạn cần làm gì tiếp theo sau khi đã được tiêm phòng đầy đủ chống lại virus SARS-CoV-2?

Dù được tiêm chủng, bạn cũng đừng quên cập nhật các khuyến nghị, cũng như đừng đánh giá thấp các biện pháp y tế.