Đạo diễn phim Phượng Khấu: "Đưa tình tiết Trường Sa – Hoàng Sa vào kịch bản để nhấn mạnh thêm chủ quyền đất nước"

"Với Phượng Khấu, chúng tôi đang dùng điện ảnh để truyền tải thông điệp về chính trị, đất nước, chủ quyền lãnh thổ và những lẽ phải" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ

Phượng khấu là dự án phim cổ trang dài tập đầu tiên của Việt Nam được phát trên nền tảng công nghệ số, thuộc thể loại cung đấu được do Huỳnh Tuấn Anh làm đạo diễn.

Phim xoay quanh cuộc đời của nhân vật Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ Hoàng thái hậu). Khi trở thành Phủ thiếp của Hoàng tử Miên Tông (Hoàng đế Thiệu Trị), Hiệu Nguyệt có được vô vàn sự yêu thương, sủng ái, đồng thời cũng nhận lấy những ganh ghét, đố kỵ. 

Sau khi trở thành một phi tần của Hoàng đế, Hiệu Nguyệt vẫn tìm cách tránh xa những âm mưu đen tối, giữ cho mình bản tính thiện lương, dạy dỗ 2 người con là Tĩnh Hảo, Hồng Nhậm. Nhưng những âm mưu đen tối kia vẫn không buông lấy nàng, khiến nàng phải đứng lên, học cách tự bảo vệ mình. Đến cuối cùng, Hiệu Nguyệt vượt qua mọi sự ganh ghét trong chốn cung đình, đưa con trai Hồng Nhậm lên ngôi Hoàng đế.

Hiệu Nguyệt trở thành người phụ nữ quyền uy nhất triều Nguyễn trong hơn 60 năm.

Phượng Khấu kể về cuộc đời của nhân vật Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ Hoàng thái hậu), nhân vật do diễn viên Hồng Đào đám nhiệm. Bà là vợ cả của hoàng đế Thiệu Trị (NSUT Thành Lộc thủ vai).
Phượng Khấu kể về cuộc đời của nhân vật Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ Hoàng thái hậu), nhân vật do diễn viên Hồng Đào đám nhiệm. Bà là vợ cả của hoàng đế Thiệu Trị (NSUT Thành Lộc thủ vai).

Bộ phim dự kiến có 3 phần, phần 1 đã được đóng máy vào tháng 1/2020. Phim được đánh giá là bám sát các yếu tố lịch sử của Việt Nam, với sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào...

Mới đây nhất, trong tập 8 của Phượng Khấu, người xem đã không khỏi xúc động trước chi tiết Vua Thiệu Trị đã trách phạt cai đội Phạm Văn Nguyên vì tội lơ là chức trách trong việc hoàn thành bản đồ biển đảo Đại Nam và tham ô khi xây dựng công trình đền miếu ngoài đảo.

Dựa vào những tình tiết và nhân vật lịch sử có thật, ekip của đoàn phim đã sáng tạo thêm những chi tiết gây xúc động với mong muốn truyền tải được thông điệp cứng rắn về chủ quyền biển đảo hợp pháp của Việt Nam.

Dưới đây là một số chia sẻ của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh về bộ phim:

Trong tập 8 của Phượng Khấu, phim có nhắc đến chủ quyền của Trường Sa và Hoàng Sa, cùng với việc bám sát các chi tiết về lịch sử, phải chăng anh đang muốn dùng điện ảnh để tác động tới tư duy của khán giả trẻ về đất nước?

Phượng Khấu không dùng phim để thay đổi lịch sử, chúng tôi đang dùng điện ảnh để truyền tải thông điệp về chính trị, đất nước, chủ quyền lãnh thổ và những lẽ phải. Phượng Khấu là một tác phẩm “sát sử”, chúng tôi cũng nghe nhiều những ý kiến về mức độ sát lịch sử, có khen có chê, tuy nhiên những thứ thuộc về sự thật, liên quan đến tầm vĩ mô thì mình không được phép làm sai. 

Tôi tin rằng các bạn trẻ đang hiểu rất đúng về chủ quyền Trường Sa Hoàng Sa, Phượng Khấu chỉ nhấn mạnh thêm điều đó, chứ chúng tôi không thay đổi điều gì. Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam rồi từ rất lâu, nhà Nguyễn cũng khẳng định điều đó bằng việc thực thi các biện pháp khẳng định quyền quản lý trên cả 2 quần đảo.

Tập 8 của Phượng Khấu có lồng ghép chi tiết về chủ quyền biển đảo của đất nước (Ảnh: NVCC)
Tập 8 của Phượng Khấu có lồng ghép chi tiết về chủ quyền biển đảo của đất nước (Ảnh: NVCC)

Thay đổi kịch bản để có nội dung theo dòng thời sự hơn, liệu anh có sợ rằng khán giả sẽ nói Phượng Khấu là một tác phẩm “chạy theo trend”?

Lịch sử là sự thật, mà sự thật thì không gọi là "trend" để chạy theo hay thay đổi. Chúng tôi ngay từ đầu đã xác định Phượng Khấu, hay bất cứ tác phẩm nào được làm bởi ekip Huỳnh Tuấn Anh, sẽ là những tác phẩm tôn trọng giá trị nhân văn. Chúng tôi chọn lọc tình tiết Trường Sa – Hoàng Sa đưa vào kịch bản là để nhấn mạnh thêm vấn đề chủ quyền đất nước, chứ không vì mục đích gây chú ý thêm cho tác phẩm.

Vậy nên Tuấn Anh không sợ điều gì cả, mà thật ra thì nếu bạn xem đây là trend, đây là công cụ thu hút quan tâm về phim thì tôi thấy công cụ này vừa hiệu quả, lại vừa rất đúng đắn đấy chứ.

"Hải đảo của Đại Nam ta là do công sức của binh sĩ, các dân quân từ các triều đại trước đổ máu để có được. Bia miếu không chỉ giúp làm dấu cho thuyền bè đi lại, nó còn để cho chúng ta thờ phụng và ghi nhớ công đức của những người đã có công xác định chủ quyền lãnh thổ của Đại Nam ta trên từng tấc sóng, từng tấc đất."

(Trích lời vua Thiệu Trị - Phượng Khấu)

Kinh phí làm Phượng Khấu là quá lớn, vậy khi bắt tay vào làm Phượng Khấu, bài toán nghệ thuật và thương mại anh đặt ra là như thế nào?

Đối với mình, không có khái niệm “nhiều tiền” hay “ít tiền”, “mắc” hay “rẻ”, mà chỉ là “đáng” hay “không đáng” thôi. Và Phượng Khấu là một dự án “xứng đáng” với mức chi phí bỏ ra, vậy nên chúng tôi nhìn thành quả là sản phẩm của mình hoàn toàn cân đối với bài toán đầu tư. Còn vấn đề thương mại, kinh doanh sản phẩm sau đó thì mình luôn có chiến lược chứ, chia sẻ chi tiết thì không nên vì phim vẫn còn đang chiếu và các bước trong chiến lược đó vẫn đang được thực hiện, và thực hiện rất hiệu quả.

Giá trị thặng dư của dự án này, ngoài tiền bạc ra, còn là khẳng định chất lượng sản xuất của ekip chúng tôi, tình cảm của khán giả, sự tin tưởng của các đơn vị đầu tư cho các dự án tương lai. Phượng Khấu đã làm rất tốt nhiệm vụ thương mại của mình.

Phượng Khấu gặp nhiều “ồn ào”, nhưng luôn thấy anh khá bình tĩnh và thoải mái với tất cả những bình luận trái chiều, điều gì mang đến cho anh những năng lượng tích cực như vậy?

Điều đầu tiên Tuấn Anh khẳng định, là những “ồn ào” đó hoàn toàn không nằm trong chủ đích truyền thông của mình, nhưng mình luôn lường trước những sự kiện có thể xảy ra, vậy nên chúng tôi không bất ngờ, mà ngay lập tức đã có phương án xử lý những ồn ào đó. Năng lượng tiêu cực hầu như không có vì mình cần giữ tâm trí hoàn toàn ổn định để tập trung giải quyết.

Và chính trong lúc đó, mình nhận ra bản thân nhận được rất nhiều sự ủng hộ, động viên, niềm tin và tình yêu của anh em trong đoàn, của các anh chị tiền bối trong giới, và của khán giả khắp nơi. Chính điều đó cộng hưởng với sự lạc quan của bản thân Tuấn Anh, cho mình sức mạnh mỗi ngày.

87850140_113714163555590_3166065761068253184_nĐạo diễn Huỳnh Tuấn Anh ở trường quay Phượng Khấu (Ảnh: NVCC)

Làm phim cổ trang có khó khăn gì so với phim hiện đại, dưới góc độ của 1 đạo diễn?

Đơn nguyên đầu tiên của điện ảnh chính là lòng tin. Đoàn phim phải có lòng tin với điều mình làm, khán giả phải có lòng tin với điều họ xem, và một dự án cổ trang thì thứ khó khăn chính là lòng tin, vì mỗi người chúng ta đều không phải người của thời đó, mọi thứ đều là nghe kể lại, học lại, nghiên cứu lại, dựng lại, tưởng tượng ra… và biến toàn bộ trải nghiệm đó thành một sản phẩm thuyết phục người xem là điều không dễ.

Điều kiện về cơ sở vật chất của Việt Nam còn nhiều hạn chế, tác phong làm việc của chúng ta cũng chưa đạt chuẩn chuyên nghiệp so với nhiều bạn bè, rào cản khách quan đó phần nào cũng ảnh hưởng nhiều đến quá trình làm một bộ phim cổ trang.

Nhưng nghe nói sau Phượng Khấu, anh sẽ tiếp tục bắt tay vào làm 1 dự án “khủng” khác về phật hoàng Trần Nhân Tông, dường như phim cổ trang có sức hút đặc biệt với anh?

Mình không muốn chia sẻ thông tin quá nhiều về những dự án tương lai, chỉ rò rỉ một chút là không chỉ có một đâu, mà phải đến vài dự án cổ trang nữa. Tuấn Anh không phủ nhận sức hút của dòng phim cổ trang với mình, nhất là sau khi hạ cánh thành công với Phượng Khấu, mình còn nhiều cảm hứng hơn nữa.

Nhưng mọi người cũng đừng đóng khung vội, vì ngoài cổ trang ra, còn rất nhiều thể loại mà mình sẽ mang đến cho khán giả, sớm thôi, đừng nôn nóng.

Nghệ sỹ Hồng Đào trong vai Từ Dụ thái hậu (Ảnh: Phượng Khấu)
Nghệ sỹ Hồng Đào trong vai Từ Dụ thái hậu (Ảnh: Phượng Khấu)

Anh có tiếc nuối điều gì với Phượng Khấu không? những gì lẽ ra không nên làm, hay những gì muốn làm mà chưa làm được? Đến hiện tại anh hài lòng với Phượng Khấu được bao nhiêu phần trăm?

Thật ra cái chưa ưng thì nhiều lắm, bản thân mình là một người cầu toàn, và mình hoàn toàn hiểu những thiếu sót nào đang còn tồn tại. Nếu được làm lại, chắc chắn sẽ là một Phượng Khấu chỉnh chu hơn, kỹ lưỡng hơn, hạn chế tối đa những vấn đề phát sinh. Từ nội dung đến hình ảnh đều cần được đầu tư nhiều hơn nữa về công sức, thời gian.

Tuy nhiên, có những rào cản khách quan, dẫn đến sản phẩm các bạn đang xem chưa hoàn hảo, nhưng tôi tự tin nói nó đã là tâm huyết lớn nhất của toàn ekip. Vẫn còn nhiều kinh nghiệm phải rút tỉa và hoàn thiện, nhưng điều tâm đắc nhất chính là hành trình Phượng Khấu đã đi đến đích, và tình yêu của mọi người trong ekip dành cho Phượng Khấu chưa hề vơi đi.

Từ đây, giới trẻ yêu phim sẽ được tiếp cận với những sản phẩm văn hóa giải trí đậm chất Việt Nam, cái tình các bạn dành cho phim, cũng chính là cái tình các bạn dành cho lịch sử nước nhà. Truyền đi được thông điệp đó, và có người bắt được thông điệp đó, là điều mà tôi tự hào vô cùng.

Cảm ơn anh đã nhận lời phỏng vấn./.

Lan Anh thực hiện

Lại một nhà sản xuất kêu gọi giải cứu phim Việt

Lại một nhà sản xuất kêu gọi giải cứu phim Việt

Nhà sản xuất phim "Ngốc ơi tuổi 17" Dung Bình Dương đã đăng đàn tố phía bên phát hành chèn ép và kêu gọi khán giả mua vé giải cứu phim.