Đặt câu hỏi về nguồn gốc Covid-19, nữ tiến sĩ bị kéo vào vòng xoáy tranh luận chưa có hồi kết

Alina Chan là một trong số những nhà khoa học đầu tiên đặt câu hỏi về nguồn gốc Covid-19 và bị kéo vào vòng xoáy tranh luận chưa có hồi kết.

Tháng 5/2020, Alina Chan - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Broad (một trung tâm chuyên nghiên cứu về vi sinh và di truyền ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ) cùng đồng nghiệp đã đăng một bài viết trên mạng thể hiện sự hoài nghi về quan điểm: nCoV đã lây từ dơi sang người thông qua vật chủ trung gian.

Chân dung Tiến sĩ Alina Chan. Ảnh The New York Times
Chân dung Tiến sĩ Alina Chan. Ảnh The New York Times

Thay vào đó, Chan và các đồng nghiệp đưa ra nhiều giả thuyết trong bài viết. Họ suy đoán rằng virus đã lây sang người nhiều tháng trước khi bị phát hiện và tích lũy các đột biến nguy hiểm trong thời gian này. Cũng có thể virus đã có những đột biến thích nghi với người khi còn lưu hành ở loài dơi hoặc một số động vật khác. Hoặc nó đột biến khi đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và vô tình bị rò rỉ ra ngoài.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, tờ Mail on Sunday của Anh đăng bài viết với tiêu đề: "nCoV không bắt nguồn từ động vật ở chợ Vũ Hán". Sau đó, một cuộc tranh luận thực sự gay gắt đã nổ ra.

Những nhà khoa ủng hộ quan điểm đang được đồng thuận rộng rãi rằng: “nCoV đã lây từ dơi sang người thông qua vật chủ trung gian nào đó” chỉ trích Chan cùng các đồng nghiệp của cô. Họ cho rằng cô không có chuyên môn để nói về chủ đề này và e ngại những tuyên bố của cô sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng, có thể gây cản trở bất kỳ cuộc điều tra nào trong tương lai.

Có người gọi cô là tác giả thuyết âm mưu, một số khác bác bỏ ý tưởng Chan nêu ra với lý do cô chỉ là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Nhà virus học Benjamin Neuman còn cho rằng các giả thuyết của cô là "ngốc nghếch".

Một tờ báo Trung Quốc còn cáo buộc Chan có "hành vi bẩn thỉu và thiếu đạo đức nghề nghiệp cơ bản". Độc giả liên tiếp đưa ra những bình luận ác ý, gọi cô là "kẻ phản bội chủng tộc" vì Chan có gốc gác là người Hoa.

Số khác nói rằng Chan đã dũng cảm khi đưa ra các giả thuyết thay thế. "Alina Chan xứng đáng được ghi nhận vì đã thách thức các luận điểm thông thường và đặt ra những câu hỏi", Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale, nhận xét.

"Việc câu hỏi về nguồn gốc virus trở thành vấn đề gây tranh cãi dữ dội và phân cực là điều không thể lường trước", Akiko Iwasaki nói thêm. "Thực tế là chúng ta không biết chính xác virus đến từ đâu. Quan trọng là phải chỉ ra điều đó".

Tháng 5/2021, một lá thư kêu gọi điều tra nguồn gốc nCoV của 18 nhà khoa học (trong đó có Alina Chan) được công bố.

Đến tháng 7/2021, 21 nhà virus học (bao gồm cả những người từng ký tên trong bức thư kêu gọi hồi tháng 5) đã đăng một bài tổng hợp các bằng chứng về việc virus có nguồn gốc từ động vật, khẳng định "không có bằng chứng" cho thấy virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Một trong số ít những nhà virus học sẵn sàng nhận xét thẳng thắn đã bác bỏ khả năng virus lọt từ phòng thí nghiệm. "Tôi không tin virus bị tác động biến đổi gen hay do con người tạo ra", Susan Weiss, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Coronavirus và các Mầm bệnh mới nổi khác tại Đại học Pennsylvania, cho hay. Bà cũng bác bỏ khả năng virus vô tình bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. "Nó rõ ràng bắt nguồn từ động vật, loài dơi".

Susan Weiss, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Coronavirus và các Mầm bệnh mới nổi khác tại Đại học Pennsylvania cho rằng virus nCoV bắt nguồn từ loài dơi. Ảnh: vtv.vn
Susan Weiss, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Coronavirus và các Mầm bệnh mới nổi khác tại Đại học Pennsylvania cho rằng virus nCoV bắt nguồn từ loài dơi. Ảnh: vtv.vn

Dù ủng hộ quan điểm nào, các nhà khoa học đều phải hứng chịu sự đe dọa và bôi nhọ từ các bên. Còn đối với Alina Chan, động thái công kích dữ dội đến mức khiến nữ tiến sĩ cảm thấy bất an: "Tôi đã có quãng thời gian sống trong lo sợ, nhiều ngày không thể ngủ", cô chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với New York Times. Thậm chí, Chan phải thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa mới, thay đổi các thói quen hàng ngày và thường xuyên tự hỏi liệu mình có bị theo dõi hay không.

Phản ứng trái chiều cũng khiến Chan lo lắng về tương lai nghề nghiệp của mình. Cô đã viết một lá thư gửi cấp trên, bày tỏ sự xin lỗi vì khiến đồng nghiệp rơi vào cuộc tranh luận này và nộp đơn xin từ chức.

"Tôi nghĩ mình đã đẩy sự nghiệp không chỉ của bản thân mà của cả nhóm đã viết bài đó vào ngõ cụt", Chan nói. "Tôi nghĩ mình đã gây bất lợi cho tất cả mọi người, khiến chúng tôi sa lầy vào cuộc tranh cãi này".

Nhưng tiến sĩ Benjamin E. Deverman - sếp của Chan, đồng tác giả bài viết, không chấp nhận để cô nghỉ việc mà chỉ nói rằng họ đã quá ngây thơ khi không lường trước những phản ứng dữ dội. Tiến sĩ Deverman nhận xét: tiến sĩ Chan là "một người sâu sắc, vô cùng kiên định và dường như không biết sợ hãi", và cô ấy có khả năng kỳ lạ trong việc "tổng hợp một lượng lớn thông tin phức tạp, chắt lọc thành những điểm quan trọng nhất sau đó truyền đạt chúng bằng ngôn ngữ dễ hiểu".

Không có tạp chí khoa học nào từng đăng bài viết của Chan. Nhưng cô vẫn tin rằng câu hỏi về nguồn gốc của virus nCoV là câu hỏi quan trọng cần phải trả lời nhằm ngăn chặn đại dịch trong tương lai. Do đó, Alina Chan đã tìm đến Twitter và hoạt động rất tích cực để truyền đi tiếng nói của mình, thu hút thêm người theo dõi.

Giờ đây, tình hình của Chan còn "tồi tệ hơn trước". Cô chia sẻ: "Tôi bị công kích từ cả hai phía. Các nhà khoa học vẫn công kích tôi và những người tin virus rò rỉ từ phóng thí nghiệm cũng công kích tôi bởi tôi không thể bất chấp mọi thứ để kết luận nó bắt nguồn từ phòng thí nghiệm. Tôi luôn nói với họ rằng tôi không thể vì không có bằng chứng”.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, tiến sĩ Chan cho biết cô vẫn phân vân về nguồn gốc nCoV, giằng xé "50-50" giữa giả thuyết virus bắt nguồn từ tự nhiên hay phòng thí nghiệm. "Tôi giờ đây nghiêng về giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhưng có những ngày tôi lại nghiêm túc cân nhắc khả năng virus có nguồn gốc tự nhiên", cô nói.

Hiện câu hỏi mà Alina Chan đặt ra đến giờ vẫn chưa có lời đáp. Hồi cuối tháng 5/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, không hài lòng trước một báo cáo ông nhận được về chủ đề này, đã yêu cầu tình báo Mỹ tìm hiểu sâu hơn nguồn gốc nCoV. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo Mỹ vẫn chưa thể kết luận được chính xác Covid-19 có nguồn gốc từ đâu, sau 3 tháng "nỗ lực gấp đôi" để điều tra.

Câu chuyện của Alina Chan phản ánh sự phân cực sâu sắc trong những câu hỏi về nguồn gốc nCoV. Đại đa số các nhà khoa học cho rằng virus bắt nguồn từ dơi và lây sang người thông qua một vật chủ trung gian, song chưa biết vật chủ đó là gì. Một số người cho rằng giả thuyết virus vô tình bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cụ thể là Viện Virus học Vũ Hán, không thể bị bỏ qua và chưa được điều tra đầy đủ. Số ít các nhà khoa học khác lại hoài nghi nghiên cứu của viện này, liên quan đến việc nuôi dơi và trích xuất virus từ tự nhiên, có vai trò nào đó trong việc Covid-19 bùng phát. 

Diệu Thuần (t/h)

WHO thảo luận với Trung Quốc về nguồn gốc virus SARS-CoV-2

WHO thảo luận với Trung Quốc về nguồn gốc virus SARS-CoV-2

Quan chức WHO cho biết phái đoàn WHO đang có các cuộc thảo luận vô cùng hiệu quả với những đồng nghiệp Trung Quốc, tới thăm các bệnh viện khác nhau...