Chiều 22/1, diva Hồng Nhung bất ngờ chia sẻ trên trang cá nhân về tình trạng bệnh ung thư vú của mình. Nữ ca sĩ tiết lộ cô đang trong quá trình điều trị và đã hoàn thành đợt trị liệu đầu tiên.
Cô viết: "Xin chào. Khi bạn đọc được những dòng chia sẻ này, Hồng Nhung đã hoàn thành xong một đợt điều trị và sẵn sàng đối mặt với căn bệnh ung thư vú, cũng như cố gắng vượt qua nó. Hồng Nhung vẫn ổn, vẫn có thể hát và cống hiến hết sức mình. Mong bạn đừng xem những dòng chia sẻ này với góc nhìn tiêu cực, bởi Bống đang sống cùng với tất cả tình yêu thương và hy vọng rằng mọi thử thách sẽ qua đi và những điều tích cực nhất sẽ đến nếu chúng ta tin vào bản thân mình".
Ngoài chia sẻ về tình trạng hiện tại của mình, nữ ca sĩ còn nhắn gửi đến người hâm mộ, nhất là những chị em phụ nữ về việc chủ động tầm soát căn bệnh ung thư vú.
Ung thư vú - Loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ
Trên thực tế, căn bệnh mà ca sĩ Hồng Nhung mắc phải cũng là "nỗi ám ảnh" của nhiều chị em phụ nữ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 2,3 triệu ca ung thư vú mới được chẩn đoán và hơn 685.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, nơi nhận thức và điều kiện tầm soát còn hạn chế.
Ung thư vú (breast cancer) là bệnh lý u vú ác tính khi các tế bào ác tính hình thành từ trong mô tuyến vú. Các tế bào ung thư sau đó có thể phát triển lan rộng ra toàn bộ vú và di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể. Đây là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới.
Với gần 25.000 trường hợp mới phát hiện, ung thư vú vượt qua ung thư gan, dẫn đầu về số ca mắc mới tại Việt Nam, theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN).
Loại ung thư vú thường gặp nhất là ung thư ống tuyến vú (ductal carcinoma), xuất phát từ tế bào của ống tuyến. Ung thư xuất phát từ tiểu thùy và thùy tuyến vú được gọi là ung thư tiểu thùy (lobular carcinoma). Ung thư vú dạng viêm thường có biểu hiện sưng, nóng và đỏ, đây là dạng ung thư vú ít gặp.
Nguyên nhân ung thư vú
Theo quy luật tất yếu của tự nhiên, trong cơ thể con người ai cũng mang một nguy cơ ung thư vú tiềm tàng trong suốt cuộc đời. Nguy cơ này tăng lên theo độ tuổi và được tính bằng cách cộng dồn nguy cơ trong từng thập niên. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác làm tăng hoặc thúc đẩy sự phát triển của ung thư vú. Những yếu tố nguy cơ ung thư vú quan trọng có thể kể đến là:
- Tuổi càng cao, nguy cơ mắc ung thư vú càng tăng. Số người bắt đầu bị bệnh lúc trên 50 tuổi chiếm tới 77% tổng số người bệnh ung thư vú. Những người có mẹ hoặc chị em gái từng mắc ung thư vú cũng có nguy cơ cao hơn trung bình.
- Việc sử dụng hormone kéo dài, uống rượu, hút thuốc và lối sống ít vận động cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Phụ nữ một số đột biến về gen như BRCA 1 hoặc BRCA 2. Theo thống kê khoảng 10% số ca ung thư vú có yếu tố gen đột biến.
- Các yếu tố nội tiết: Không sinh đẻ, không cho bú, có kinh sớm, mãn kinh muộn, sử dụng hormone thay thế… là các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Ít tham gia các hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá.
- Béo phì, ít vận động cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
- Từng xạ trị vào vùng vú hoặc vùng ngực.
Một điều đáng lo ngại khác là xu hướng phát triển bệnh ung thư vú ở phụ nữ trẻ ngày càng tăng.
Dấu hiệu ung thư vú
Một số triệu chứng, dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú đó là:
- Một khối u bất thường là triệu chứng sớm đầu tiên của ung thư vú. Khối u ung thư vú thường cứng với bờ không đều và không đau. Khối u có thể xuất hiện ở vú hoặc ở dưới cánh tay (vùng nách).
- Ung thư vú có thể gây ra tình trạng sưng tấy ở một vùng vú. Nhiều trường hợp bị ung thư vú đã báo cáo rằng họ cảm thấy ngực bị sưng tấy rõ trước khi nhìn thấy khối u vú bất thường.
- Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh, hoặc đau ở một bên vú, hoặc đau kéo dài.
- Dịch từ núm vú. Dịch tiết có màu trắng đục, trắng trong, vàng, xanh lục đặc biệt là dịch tiết núm vú có lẫn máu không liên quan tới thai kỳ là dấu hiệu ung thư vú sớm cần chú ý.
- Vết lõm da vú giống như da quả cam gọi là sần da cam.
- Các thay đổi này có thể là da vú dày lên và trở lên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.
Ảnh minh họa |
Chẩn đoán ung thư vú
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư vú giai đoạn đầu (giai đoạn 0 hoặc I) có thể lên đến 99%. Tuy nhiên, nếu bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 27%. Vì vậy, phát hiện bệnh sớm là yếu tố sống còn, mở ra cơ hội điều trị hiệu quả và giảm nguy cơ biến chứng.
Phương pháp tầm soát ung thư vú phổ biến nhất là chụp X-quang tuyến vú (mammography), có thể phát hiện các khối u nhỏ trước khi chúng gây ra triệu chứng. Kết hợp với việc tự kiểm tra vú hàng tháng, phụ nữ có thể chủ động hơn trong việc phát hiện các bất thường.
Chụp X-quang tuyến vú được khuyến nghị cho phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, hoặc từ 30 tuổi đối với những người có nguy cơ cao (như tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú).
Ngoài ra, phụ nữ từ 20 tuổi nên thực hiện tự kiểm tra vú hàng tháng để phát hiện những bất thường.
Siêu âm vú thông thường hoặc siêu âm 3D, siêu âm đàn hồi, siêu âm quét thể tích vú tự động sẽ được bác sĩ chỉ định tùy trường hợp.
Việc dịch tiết bất thường ở núm vú cũng là một trong những dấu hiệu của ung thư vú. Việc xét nghiệm tế bào học dịch tiết ở núm vú có mục đích truy tìm các tế bào ung thư bong ra giúp ích cho việc chẩn đoán.
Sinh thiết vú là phương pháp lấy một phần khối u hoặc lấy hoàn toàn khối u vú dưới sự phân tích của các chuyên gia giải phẫu bệnh cùng kính hiển vi về các chỉ số hình thái tế bào và cấu trúc mô vú.
Nga công bố thành công bước đầu trong điều trị ung thư máu bằng thuốc nội địa mới
Bệnh nhân đã hoàn thành phác đồ điều trị vào ngày 12 và 13/12 mà không gặp phải biến chứng nghiêm trọng nào.