Đây là cách tiếng ồn có thể lấy đi tuổi thọ của con người

Trong những thập niên gần đây, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của con người, đặc biệt là tại các thành phố lớn của những nước đang phát triển.

Các nhà khoa học cho biết tiếp xúc với tiếng ồn mãn tính không chỉ gây phiền toái. Đó là một rủi ro về vấn đề sức khỏe.

Tất cả chúng ta đều được yêu cầu hạn chế âm lượng trên tai nghe để bảo vệ thính giác của mình. Nhưng chính sự ồn ào không ngừng của cuộc sống hàng ngày ở một số nơi có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài trên toàn cơ thể.

Bất cứ ai sống trong một môi trường ồn ào, giống như những khu dân cư gần đường cao tốc Brooklyn đều có thể cảm thấy họ đã thích nghi được với những tiếng ồn ào diễn ra hằng ngày. Nhưng những dữ liệu đều cho thấy điều ngược lại: tiếp xúc với tiếng ồn đó quá lâu làm cơ thể họ tự nâng lên mức độ phản ứng, để có thể thích nghi với tiếng ồn. 

Ngay cả những người sống trong các cộng đồng ngoại ô và nông thôn tương đối yên bình cũng có thể gặp rủi ro. 

Các nhà khoa học đã tiến hành làm một cuộc khảo sát ở các vùng nông thôn lân cận thành phố New York như Missisippi, đồng thời nghiên cứu dịch tễ của các loại tiếng ồn.

Đây là cách tiếng ồn có thể lấy đi tuổi thọ của con người - Ảnh 1.

Tiếng ồn đo được ở vùng ngoại ô Mississippi, nơi có toàn tàu lửa đi qua mỗi ngày. Tiếng còi xe lửa đột ngột đặc biệt gây chói tai vì có rất ít tiếng ồn xung quanh để át đi tiếng còi xe.

Tiếng ồn tác động gì đến cơ thể con người?

Khi tiếng ồn khó chịu đi vào tai, nó được chuyển thẳng đến trung tâm phát hiện căng thẳng trong não được gọi là Amygdala. 

Những tín hiệu âm thanh được tiếp nhận, sau đó được dẫn truyền theo dây thần kinh thính giác lên não để xử lý. Nếu khu vực này bị kích hoạt quá mức thường xuyên bởi tiếng ồn, thì sẽ kích hoạt một loạt các phản ứng bắt đầu tạo ra những tác động có hại. 

Tiếng ồn trên 50dB sẽ tác động đến cơ thể qua hệ thần kinh thực vật (thần kinh giao cảm) và hệ nội tiết (tuyến yên và tuyến thượng thận). Những tác động này kéo dài gây nên các nguy cơ như huyết áp tăng, mỡ máu tăng, độ nhớt của máu tăng, tăng nhịp tim, tăng lượng đường trong máu, ảnh hưởng các yếu tố đông máu. Từ đó gây nên bệnh cao huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ và nghiêm trọng hơn là đột quị.

Đây là cách tiếng ồn có thể lấy đi tuổi thọ của con người - Ảnh 2.

Tiếng ồn quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim và đột quỵ. Ảnh: NewYorktimes

Để làm rõ hơn về tác hại của tiếng ồn, các nhà nghiên cứu đã theo dõi trực tiếp phản ứng của não bộ con người khi cho họ nghe những âm thanh khó chịu: tiếng cọ xát của xốp, tiếng móng tay trên bảng đen, tiếng khoan của nha sĩ đang làm răng. 

Họ cũng đeo máy đo huyết áp và máy đo liều lượng tiếng ồn cho công nhân tại nhà máy lắp ráp ô tô trong ca làm việc, để xem huyết áp và nhịp tim của họ tăng lên như thế nào khi tiếp xúc với tiếng ồn.

Ở một thí nghiệm ghi lại trên các tình nguyện viên, các nhà khoa học đã phát liên tục âm thanh về các đoàn tàu và máy bay đang hoạt động suốt cả đêm. Và kết quả ghi nhận được vào sáng hôm sau là mức Adrenaline của các tình nguyện viên đều tăng cao, động mạch cứng lại và protein huyết tương tăng đột biến. 

Trên thực tế, tiếng ồn có thể gây ra các cơn đau tim ngay lập tức. Nếu tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn của máy bay quá hai giờ đồng hồ liên tục có thể gây nên đau tim và dẫn đến tử vong. 

Âm thanh như thế nào là quá lớn?

Âm thanh thường được đo theo thang decibel (dB), số dB càng lớn thì tức là âm thanh càng mạnh. Thông thường, cơ thể con người chỉ chịu đựng được cường độ âm thanh từ 125dB đổ xuống, khả năng cảm nhận cường độ âm thanh của mỗi người cũng là khác nhau.

Đây là cách tiếng ồn có thể lấy đi tuổi thọ của con người - Ảnh 3.

Mức decibel của các âm thanh và môi trường phổ biến. Ảnh: NewYorktimes

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nếu tiếp xúc với tiếng ồn có cường độ dB càng cao trong một thời gian dài thì tai sẽ chịu tổn thương và có thể dẫn đến điếc tai, rất nguy hiểm. 

Đó là bởi vì thang đo âm thanh decibel là thang logarit, không phải thang tuyến tính. Với mỗi mức tăng 10 dB, cảm giác ồn ào đến tai thường tăng gấp đôi. Và điều đó có nghĩa là việc tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn dù chỉ vài decibel trên mức vừa phải cũng có thể gây ra các phản ứng có hại cho sức khỏe.

Trong một phân tích sơ bộ dựa trên các mô hình tiếng ồn đường bộ, đường sắt và máy bay vào năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải, gần một phần ba dân số Mỹ sống ở những khu vực tiếp xúc với mức độ tiếng ồn ít nhất 45 dB.

Đây là cách tiếng ồn có thể lấy đi tuổi thọ của con người - Ảnh 4.

Trong một căn hộ ở Brooklyn, các cửa sổ đều đóng nhưng mức độ âm thanh trong nhà luôn cao hơn mức trung bình tối đa do WHO khuyến nghị.

Ai là người có nguy cơ cao nhất vì ô nhiễm tiếng ồn?

Những người nghèo và cộng đồng người da màu có nhiều khả năng phải tiếp xúc với tiếng ồn quá mức vì họ thường có ít lựa chọn về nhà. Họ thường sống gần những con đường có mật độ giao thông cao, bãi rác và các khu công nghiệp ồn ào. 

Theo một nghiên cứu trên hơn 94.000 trường học, những học sinh gốc Tây Ban Nha, gốc da màu được cho là tiếp xúc nhiều nhất với tiếng ồn giao thông đường bộ. Tất cả học sinh này điểm số đều bị thấp hơn do hormone căng thẳng tăng cao, thậm chí là có biểu hiện tăng động. 

Đây là cách tiếng ồn có thể lấy đi tuổi thọ của con người - Ảnh 5.

Âm thanh đo được trong khuôn viên trường học khi một chiếc máy bay bay qua. Ảnh: NewYork Times

Tiếng ồn ban đêm cũng cho thấy sự bất bình đẳng tương tự. Dữ liệu điều tra dân số cho thấy các cộng đồng thành phố không có cư dân có thu nhập thấp có mức âm thanh trung bình là 44 dB vào ban đêm. Còn ở những nơi có một nửa cư dân sống dưới mức nghèo khổ thì mức độ đo được là 47 dB. 

Các khu dân cư hầu như không có người da màu thì mức âm lượng trung bình đo được khoảng 42 dB vào ban đêm, so với mức 46 dB đo được ở các cộng đồng có 3/4 người da màu. 

Theo một phân tích sơ bộ của hơn 100.000 y tá Mỹ, sự khác biệt của một vài dB có vẻ không nhiều, nhưng cứ tăng 1 dB, nguy cơ phát triển bệnh tim mạch sẽ tăng thêm 1%. Và cứ vậy khi dB tăng lên, mối liên hệ với cái chết vì bệnh tim mạch và đau tim sẽ càng đến nhanh hơn cho con người.

Sự bất bình đẳng trên không chỉ diễn ra ở Mỹ, mà còn ở tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

Những gì có thể được thực hiện?

10 năm trước, theo Đạo luật Kiểm soát Tiếng ồn năm 1972, Cơ quan Bảo vệ Môi trường mới được thành lập đã đi tiên phong trong việc nhận ra sự nguy hiểm của tiếng ồn và giải quyết nó.

Cơ quan này đã tiến hành phổ cập cho người dân về tác hại của ô nhiễm tiếng ồn, thiết lập các giới hạn an toàn, công bố các phân tích chuyên sâu về các thủ phạm khác nhau và đề xuất các hành động để giảm nhẹ tác hại của tiếng ồn. 

Các nước châu Âu đã bỏ xa phần còn lại của thế giới trong việc điều tiết tiếng ồn. Liên minh Châu Âu (EU) yêu cầu các quốc gia thành viên theo dõi và đánh giá mức độ âm thanh giữa các khu vực và đưa ra các kế hoạch hành động mới 5 năm một lần để giải quyết các cộng đồng có nguy cơ cao nhất. 

EU hiện bắt buộc khóa phanh yên tĩnh trên các đội tàu vận tải đường sắt và dán nhãn tiếng ồn trên thiết bị điện ngoài trời, đồng thời nỗ lực làm giảm tiếng ồn tại các sân bay cũng như các khu nhà xưởng sản xuất ô tô. 

Các thành phố và quốc gia khác cũng thực hiện các biện pháp bổ sung. Paris đã lắp đặt các camera đo tiếng ồn để đo mức độ âm thanh của các phương tiện và phạt những tài xế vượt quá chúng. 

Berlin đã sử dụng các làn đường mới dành cho xe đạp để giảm lưu lượng phương tiện chạy bằng động cơ và chuyển nguồn gây ra tiếng ồn ra giữa đường, cách xa các ngôi nhà. Thụy Sĩ đã giới thiệu "giờ yên tĩnh" trên toàn quốc, một giờ giữa trưa các ngày trong tuần và cả ngày Chủ nhật.

Giống như nhiều vấn đề sức khỏe, bảo vệ chống lại tiếng ồn sẽ có lợi về mặt kinh tế. Các nhà kinh tế đã phân tích rằng việc giảm 5 dB tiếng ồn ở Mỹ có thể mang lại lợi ích hàng năm là 3,9 tỷ USD, do chi phí tiêu tốn cho chăm sóc sức khỏe do bệnh tim và cao huyết áp giảm nhiều. 

Nhưng không giống như hầu hết các tác nhân khác gây ra bệnh tim, tiếng ồn không thể được giải quyết triệt để giữa bệnh nhân và bác sĩ. Việc bảo vệ này đòi hỏi những thay đổi trong chính sách địa phương, tiểu bang và liên bang.

(Nguồn: New York Times)

THANH TRÚC