Dinh dưỡng hợp lý ngày Tết và những điều cần lưu ý

Ăn uống trong dịp Tết thường không được điều độ, không đúng bữa dẫn đến khẩu phần ăn mất cân đối nguy hại với những người mắc bệnh gút, tăng huyết áp...

Tết là dịp đoàn tụ gia đình, mọi người có nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn sau những ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, dịp Tết cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe nếu không biết cách duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt với một số đối tượng dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, người già, người mắc các bệnh mạn tính...

Dinh dưỡng hợp lý ngày Tết và những điều cần lưu ý

Ăn uống trong dịp Tết thường không được điều độ, không đúng bữa, số bữa ăn thường cũng nhiều hơn và mâm cỗ cũng có nhiều món ăn hơn, trong đó rất nhiều món từ thịt cá, món ăn chế biến sẵn, ít món rau, dẫn đến khẩu phần ăn mất cân đối. Chế độ dinh dưỡng này rất nguy hại đối với những người mắc bệnh gút, tăng huyết áp...

Rượu bia là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết, nếu uống quá nhiều, cứ nâng cốc là phải cạn chén thì nguy cơ đến sức khỏe không hề nhỏ, ngoài nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, còn có nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, gút, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Việc sử dụng nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, nguy cơ tăng cân ở người thừa cân béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường... Ở trẻ em, ăn nhiều bánh kẹo ngọt khiến một số trẻ dễ thừa cân béo phì, một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.

Dinh dưỡng hợp lý ngày Tết và những điều cần lưu ý

Để mỗi dịp Tết đến thực sự có ý nghĩa cả về mặt thể chất và tinh thần thì mỗi chúng ta cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình:

- Cần duy trì ăn uống đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. 

- Cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ăn tăng cường rau quả, hạn chế thịt, phủ tạng động vật, hải sản, rượu bia, bánh kẹo ngọt.

- Đối với người thừa cân béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.

Dinh dưỡng ngày Tết đối với người mắc bệnh mạn tính

Những người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp cao, viêm loét dạ dày… cần lưu ý:

Người bị viêm loét dạ dày: Tránh ăn các thức ăn chua, cay, thức ăn có chất bảo quản hoặc thực phẩm giàu chất đạm, chất béo. Thức uống nên tránh: bia, rượu, nước trà quá đặc. Đặc biệt, không nên bỏ bữa hoặc ăn quá no, quá nhiều thức ăn trong một bữa.

Người bị huyết áp cao, bệnh tim mạch: Tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn, chứa lượng muối nhiều, thực phẩm nhiều dầu mỡ/chiên xào.

Người bị tiểu đường: Cần hạn chế ăn nhiều thực phẩm giàu tinh bột, có lượng đường cao…

Dinh dưỡng ngày Tết đối với người đang giảm cân:

Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây là một trong những nguyên tắc dinh dưỡng cho ngày Tết mà người đang giảm cân cần phải thuộc lòng. Ngoài ra, để đảm bảo việc giảm cân của mình hiệu quả, bạn cần chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để đảm bảo lượng calo nạp vào được tiêu thụ hết. Đồng thời, cần ăn chậm, nhai kỹ và tránh ăn các thực phẩm giàu tinh bột và thực phẩm ngọt, nhiều đường.

Đối với người có nguy cơ thừa cân cần lưu ý, bánh chưng, bánh tét là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nhưng lại là món cung cấp năng lượng rất lớn, một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50g cung cấp khoảng 150 kcal, bằng một lưng chén cơm. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2 - 3 miếng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể.

BS Phương Linh

Dinh dưỡng cho trẻ bị viêm phế quản phổi và viêm phổi

Dinh dưỡng cho trẻ bị viêm phế quản phổi và viêm phổi

Bên cạnh những bước chăm sóc tích cực khi trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp trong những đợt nắng nóng, một chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng cần được quan tâm.