Độc đáo công đoạn làm nên chiếc váy chấm sáp ong của người Dao Tiền

Để có những hoa văn độc đáo trên trang phục truyền thống, người Dao Tiền phải trải qua nhiều công đoạn vất vả đề hoàn thành chiếc váy áo truyền thống. Mỗi hoa văn, họa tiết trên váy áo đều ẩn chứa nếp sống, tập tục, lịch sử cội nguồn của dân tộc.

Trải qua rất nhiều năm, người Dao Tiền ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vẫn giữ được phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng với nhiều phong tục, nghi lễ đặc sắc như một sợi dây liên kết cộng đồng sâu sắc.

Điều đặc biệt là hầu hết tập tục, nghi lễ, kể cả trang phục truyền thống của họ đều nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc. Trong đó, mỗi biểu tượng hoa văn, họa tiết trang trí nhà cửa hay vật dụng hàng ngày, đặc biệt nhất là trên chiếc váy chấm sáp ong của người Dao Tiền đều ẩn chứa trong nó những ý nghĩa riêng.

Để hoàn thành một chiếc váy áo với nhiều hoạ tiết hoa văn sáp ong trên vải thổ cẩm là sự kỳ công và nghệ thuật cao, trải qua rất nhiều công đoạn.

Nguyên liệu chính để làm chiếc váy áo thổ cẩm là sợi cây đay, cây lanh. Để có sản phẩm thêu thổ cẩm phải trải qua các công đoạn chính: Trồng đay, lanh, thu hoạch, tuốt lấy vỏ, se sợi, dệt vải.

Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công, bằng chính đôi tay khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ, sợi bông được nấu lên, cho thêm chút gạo để sợi bông cứng không đứt, sau đó vắt khô đem phơi rồi cho vào khung để dệt thành vải.

Thu hoạch sáp ong khoái: Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa xuân hàng năm ở 2 hang động Tà Lạt, Sán Vình có nhiều đàn ong khoái về làm tổ. Đến tháng 6 âm lịch ong kéo nhau bay đi, để lại những tổ sáp vàng óng. Đó cũng là lúc người dân bản Hoài Khao mời thầy mo xem ngày chuẩn bị lễ cúng thần ong, thần rừng để tháng 7 thu sáp ong.

Tổ sáp ông khoái được bà con bản Hoài Khao thu hoạch tại hang: Ảnh người dân cung cấp
Tổ sáp ông khoái được bà con bản Hoài Khao thu hoạch tại hang: Ảnh người dân cung cấp

Mỗi hộ trong bản sẽ cử ra một người để đi thu hoạch sáp ong. Đây là nguyên liệu vô giá để những người phụ nữ đun nấu thành sáp ong tan chảy, và sử dụng chấm lên trên vải thổ cẩm, là nét đẹp truyền thống văn hóa của người Dao Tiền lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Niềm vui thu hoạch sáp ong của bà con bản Hoài Khao, Quang Thành, Nguyên Bình: Ảnh Người dân cung cấp.
Niềm vui thu hoạch sáp ong của bà con bản Hoài Khao, Quang Thành, Nguyên Bình: Ảnh Người dân cung cấp.

Nấu sáp ong: Nguyên liệu tổ sáp ong đem về được cả bản cùng nhau tách mật còn sót lại lấy sáp bỏ vào chảo gang to thêm nước nấu lên, vừa nấu vừa khuấy đều chảo sáp tổ ong. Khi nước sôi, sáp ong nguyên chất tan dần hòa vào nước, nhưng vẫn còn sáp sót lại trong những vỉa tổ ong lọc lấy phần nước trong.

Công đoạn nấu sáp ong để tạo thành các khối sáp mịn: Ảnh người dân cung cấp
Công đoạn nấu sáp ong để tạo thành các khối sáp mịn: Ảnh người dân cung cấp

Sau đó tiếp tục nấu phần nước trong cho đến khi nước cô đặc lại (trong vòng 1 ngày 1 đêm người dân chia ca thay nhau trực) sau đó đổ ra để nguội khoảng 2 - 3 ngày sẽ tạo thành một khối sáp mịn. Các khối sáp này sẽ được cân lên rồi chia đều cho các hộ dân.

Các khối sáp ong được chia đều cho bà con: Ảnh người dân cung cấp.
Các khối sáp ong được chia đều cho bà con: Ảnh người dân cung cấp.

Chuẩn bị dụng cụ để in hoa văn: Dụng cụ làm bằng tre vót mỏng, uốn hình tam giác, rộng từ 1 - 5 cm và ống tre hình tròn… để tạo nên các hoa văn với nhiều kích thước khác nhau.

Dụng cụ được người Dao Tiền dùng chấm sáp ong tạo hoa văn trên váy. 
Dụng cụ được người Dao Tiền dùng chấm sáp ong tạo hoa văn trên váy. 

Làm nóng sáp ong: Lấy một phần sáp ong trong khối sáp đông từ trước đem đun nóng, khi đun phải có độ loãng vừa phải, nếu loãng quá thì khi in hoa văn lên vải sẽ bị nhòe không đẹp mắt, còn đặc quá thì sáp không ăn vào vải.

Bếp và dụng cụ làm nóng sáp ong.
Bếp và dụng cụ làm nóng sáp ong.

Công đoạn chấm sáp ong tạo hoa văn: Đặt phần vải màu trắng cần in hoa văn lên trên tấm ván, mặt bàn... rồi dùng đá mài vải cho nhẵn, mịn. Dùng dụng cụ bằng tre nhúng vào sáp ong chấm hoa văn theo chủ định lên vải.

Những người phụ nữ Dao Tiền bản Hoài Khao đang tỉ mỉ chấm sáp ong tạo hoa văn trên mảnh vải.
Những người phụ nữ Dao Tiền bản Hoài Khao đang tỉ mỉ chấm sáp ong tạo hoa văn trên mảnh vải.

Công đoạn này yêu cầu độ khéo léo, chính xác, tỉ mỉ rất cao nếu như chấm lệch hoặc sai 1 đường nét thì coi như hỏng hoàn toàn và bỏ mảnh vải đó. Công đoạn chấm sáp ong lên váy chỉ thực được hiện vào mùa hè, nếu mùa đông thì sáp ong sẽ bị nhanh đông cứng khi chấm lên vải sẽ không đều và hỏng.

Nhuộm chàm: Để có được những tấm vải chấm sáp ong đẹp, sau khi chấm sáp ong lên vải chờ sáp ong khô thì phải đem nhuộm chàm.

Nhuộm chàm khá phức tạp với nhiều công đoạn. Cắt cây chàm về ngâm nước lọc lấy nước cô đặc thành cao rồi đun với lá ngải, cho thêm nước tro và rượu vào hòa lẫn nhau.

Vải sau khi chấm sáp ong để khô sẽ đem nhuộm chàm: Ảnh người dân cung cấp.
Vải sau khi chấm sáp ong để khô sẽ đem nhuộm chàm: Ảnh người dân cung cấp.

Trước khi nhuộm vải, cần ngâm vải vào nước lã rồi mới nhúng vào nước chàm, vải được ngâm trong nước chàm khoảng 1 giờ rồi đem phơi nắng mỗi ngày nhúng chàm 2 lần, làm như vậy nhiều lần trong vòng 1 tháng, nếu trời nắng đẹp khô nhanh thì khoảng 20 ngày tuỳ thuộc vào thời tiết khi nào lên màu vải ưng ý mới thôi và để tránh khi giặt bị phai màu.

Bước cuối cùng: Nhúng tấm vải chàm đã có hoa văn bằng sáp ong vào nước sôi to để sáp ong tan ra khi đó các hoa văn hoạ tiết trên tấm vải được chấm sáp mới hiện ra rõ nét trên nền chàm, rửa qua nước sạch rồi đem phơi khô.

Chiếc váy chấm sáp ong sau khi trải qua tất cả các công đoạn sẽ có đầy đủ các hoa văn hoạ tiết đẹp mắt.
Chiếc váy chấm sáp ong sau khi trải qua tất cả các công đoạn sẽ có đầy đủ các hoa văn hoạ tiết đẹp mắt.

Sau khi phơi khô sẽ ghép 4 tấm vải khâu lại thành 1 chiếc váy, khâu nẹp các chân váy thêu hoa văn hoàn chỉnh nổi hoạ tiết đặc trưng riêng của người Dao Tiền.

Với người Dao những hoa văn in trên vải trang phục chính là cách thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn trọng của mỗi người phụ nữ. Vì thế, khi người con gái Dao Tiền về nhà chồng, gia đình chồng và họ hàng chỉ cần nhìn vào trang phục là biết cô dâu khéo léo, cần cù, chu đáo với gia đình hay không.

Ngay từ nhỏ, các bà, các mẹ đã truyền dạy cho con, cháu mình cách dệt vải, in hoa văn trên trang phục truyền thống rất tỉ mỉ. Cứ như vậy, các sản phẩm in hoa văn trên vải bằng sáp ong mang đậm nét đặc trưng của người Dao Tiền được lưu truyền qua các thế hệ.

Những chiếc váy với các họa tiết tinh xảo của phụ nữ Dao thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với nhiều hoa văn đẹp mắt như: họa tiết hình học, cỏ, cây, hoa, lá, muông thú..., mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Dao Tiền, tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, giản dị của người phụ nữ Dao Tiền.

Hoàng Toàn

Hoài Khao: vẻ đẹp yên bình, nguyên sơ với những nét bản sắc lâu đời

Hoài Khao: vẻ đẹp yên bình, nguyên sơ với những nét bản sắc lâu đời

Hoài Khao lưu giữ được nếp sống văn hóa lâu đời, với những kiến trúc, nghề thủ công truyền thống từ xa xưa của người dân tộc Dao Tiền.