Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, việc trang bị kiến thức và kỹ năng về sở hữu trí tuệ (SHTT) là một đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội, Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS), trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam đã và đang triển khai dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam”.
![]() |
Các nhà khoa học, doanh nhân nữ tham dự Hội thảo quốc tế do WIPO phối hợp với COSTAS tổ chức |
Dự án được triển khai trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để nữ trí thức Việt Nam phát huy tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời khẳng định vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Ghi dấu ấn với những hoạt động thiết thực
Trong năm đầu tiên triển khai, dự án đã tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Thông qua hoạt động điều tra, khảo sát, thu thập và phân tích dữ liệu, dự án đã có cái nhìn tổng quan về nhu cầu, nhận thức về vai trò SHTT cũng như năng lực sử dụng công cụ SHTT của các nhà khoa học, doanh nhân và doanh nghiệp. Từ đó, dự án có thể đề ra các giải pháp can thiệp phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn.
Dự án đã tổ chức trưng bày, giới thiệu trực tiếp tại địa điểm cố định, thường xuyên và trực tuyến trên 02 web tiếng Việt sanphamhoahoc.vn, web tiếng Anh: scienceproducts.vn các tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam. Hoạt động này không chỉ là tạo điều kiện, cơ hội quảng bá các thành quả nghiên cứu, sáng tạo của nữ trí thức mà còn góp phần nâng cao nhận thức chung về SHTT trong cộng đồng, khuyến khích tinh thần sáng tạo và ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động triển lãm, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học của nữ trí thức trong nước, dự án còn tạo điều kiện cho nữ trí thức Việt Nam tham gia các triển lãm quốc tế, còn góp phần nâng cao vị thế của nữ trí thức Việt Nam trên trường quốc tế.
![]() |
Các nhà khoa học tham dự Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ tại Hàn Quốc. |
Tháng 6/2024, COSTAS đã giới thiệu 12 sáng chế của 8 nữ khoa học Việt Nam tham gia Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ 2024 (KIWIE 2024). Với tính sáng tạo và hàm lượng khoa học cao, 12 sáng chế của các nhà khoa học nữ Việt Nam được Hội đồng thẩm định, ban tổ chức đánh giá cao và giành được 13 giải thưởng tại KIWIE 2024. Trong đó có 1 giải lớn thứ nhì (Semi- Grand Prize), 1 giải đặc biệt, 4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng.
Dự án cũng tạo điều kiện giới thiệu các sản phẩm khoa học và sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam tới cộng đồng các nhà khoa học và kỹ sư nữ châu Á - Thái Bình Dương thông qua Triển lãm Sản phẩm khoa học và sáng tạo của phụ nữ trong khuôn khổ Hội nghị INWES-APNN 2024 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10/2024.
![]() |
Nhằm trang bị cho nữ trí thức những kiến thức và kỹ năng cần thiết về SHTT, dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, trong đó có 04 lớp tập huấn tại Hà Nội, 02 lớp tại TPHCM, Đồng Nai và 01 lớp tại Đà Nẵng. Các lớp tập huấn được thiết kế bài bản, cung cấp kiến thức từ cơ bản đến nâng cao bao gồm các quy định pháp luật về SHTT, kỹ năng đăng ký bảo hộ, khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ, quản trị tài sản trí tuệ trong viện nghiên cứu và trường đại học cho các nhà khoa học, giảng viên trường đại học; tổng quan về SHTT, kỹ năng đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, cách thức lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực tiếp nhận của doanh nghiệp,...
Bên cạnh việc trang bị kiến thức, dự án còn chú trọng hỗ trợ cá nhân cho các nữ trí thức tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Điển hình là trường hợp ThS Trần Thị Hương Giang đạt giải Ba toàn quốc cuộc thi “Khởi nghiệp của phụ nữ với chuyển đổi xanh” năm 2024 và lọt vào top 60 của cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam 2024.
Với 05 tọa đàm và 08 phóng sự cùng với 60 bài viết trên tạp chí Phụ nữ Mới và tạp chí Sức khỏe và Môi trường xoay quanh các vấn đề về sở hữu trí tuệ đã tạo nên sự thành công của dự án.
Chia sẻ về những kết quả đạt được, bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm COSTAS, cho biết: “Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về SHTT, giúp nữ trí thức hiểu rõ hơn về vai trò của SHTT trong việc bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, từ đó tự tin hơn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, kinh doanh và khởi nghiệp”.
Hợp tác quốc tế, mở rộng cánh cửa hội nhập cho nữ trí thức
Bên cạnh các hoạt động trong nước, dự án cũng chú trọng đến hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho nữ trí thức Việt Nam tiếp cận với những kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới.
Dự án đã phối hợp với WIPO tổ chức Hội thảo quốc tế “Dành cho các nữ sáng tạo Việt Nam và sự tham gia của cộng đồng nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận tài sản trí tuệ”, tạo cầu nối giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế cho nữ trí thức Việt Nam.
Dự án cũng hỗ trợ các nữ khoa học, doanh nhân tham gia các diễn đàn, khóa học về SHTT tại nước ngoài như: hỗ trợ TS Nguyễn Thị Ngoan, nghiên cứu viên của Viện Hóa học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tham gia lớp đào tạo về SHTT tại Philippines, giới thiệu ThS Đào Ánh Vân, Tổng Giám đốc của Công ty Dược phẩm VIG tham gia khóa học về SHTT tại Lào vào tháng 3/2024; Kết nối các nhà khoa học nữ Việt Nam với đối tác nước ngoài, điển hình là việc kết nối với các đối tác Ý thông qua buổi làm việc với GS.TS Marco Abiliti, tham tán KH&CN của Ý tại Việt Nam...Theo đó, năm 2024, COSTAS đã hỗ trợ kết nối GS.TS Đặng Diễm Hồng - nhà khoa học đầu ngành về tảo và TS Mai Thu Trang - nữ khoa học trẻ về vật liệu được duyệt kinh phí đề án nghiên cứu Nghị định thư với Ý bắt đầu triển khai từ năm 2025.
![]() |
Các nhà khoa học tham dự Triển lãm Quốc tế về sáng chế của phụ nữ tại Hàn Quốc |
TS Nguyễn Thị Ngoan, Giám đốc Công ty CP SX và XNK BIONA, người được COSTAS hỗ trợ tham dự “Diễn đàn kinh doanh nông sản và đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm” và lớp đào tạo về SHTT tại Philippines, chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của dự án, tôi đã có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quốc tế, mở rộng mạng lưới hợp tác, từ đó áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”.
Thông qua dự án, COSTAS đã góp phần khẳng định vai trò quan trọng của SHTT đối với hoạt động đổi mới sáng tạo của nữ trí thức. SHTT không chỉ là công cụ bảo vệ tài sản trí tuệ, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Như GS.TS Lê Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, đã nhấn mạnh: “SHTT tạo ra hành lang pháp lý bảo hộ và bảo vệ tài sản trí tuệ, khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo của nữ trí thức. Việc nâng cao nhận thức và năng lực sử dụng công cụ SHTT sẽ giúp nữ trí thức tự tin khẳng định mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong năm 2025, dự án sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, đồng thời tìm kiếm các nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của nữ trí thức.
Bà Lê Thị Khánh Vân khẳng định: “COSTAS sẽ tiếp tục nỗ lực, đồng hành cùng nữ trí thức Việt Nam trên con đường chinh phục tri thức, ứng dụng SHTT hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
------------------------
(Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030” do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì).
Một năm sôi động và nhiều thành tựu của COSTAS
Năm 2024, Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS) thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét với hàng loạt hoạt động ý nghĩa.