Hàng loạt học sinh có biểu hiện kích động, khóc thét và ngất xỉu: Chứng rối loạn phân ly là gì?

Rối loạn phân ly thuộc nhóm các bệnh lý tâm thần, với tỷ lệ mắc bệnh chiếm 0.3 - 0.5% trong dân số.

Hàng loạt thanh thiếu niên, học sinh phát bệnh lạ

Ngày 24/11 vừa qua tại trường tại Trường Tiểu học Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), 18 học sinh tiểu học có biểu hiện kích động, khóc thét và ngất xỉu, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, có biểu hiện kích động, đánh người...Trước đó, các em vẫn đi học bình thường và trong quá trình học tập tại trường đã bất ngờ có những biểu hiện này. Thời gian xuất hiện triệu chứng lạ khoảng 3-5 phút sau đó tăng dần lên 10-30 phút. Sau khi các biểu hiện này biến mất, các em ngủ lịm khoảng 10-20 phút và tỉnh lại, giao tiếp bình thường.

Trao đối với Lao Động, bà Vương Thị Tuyến - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng xác nhận: "Vào ngày 24.11 đã có 18 em học sinh của trường Tiểu học Cốc Pàng có những biểu hiện bất thường, qua đánh giá sơ bộ các em này mắc chứng rối loạn phân ly tập thể".

Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng Vương Thị Tuyên cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra, đánh giá các vấn đề về tâm lý, sức khỏe của các em học sinh tại điểm Trường Nà Rại. (Ảnh: Sở Y tế Cao Bằng)
Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng Vương Thị Tuyên cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra, đánh giá các vấn đề về tâm lý, sức khỏe của các em học sinh tại điểm Trường Nà Rại. (Ảnh: Sở Y tế Cao Bằng)

Trường hợp này từng xảy ra cách đây 5 năm tại Đắk Lắk. Có 6 học sinh dân tộc H’Mông từ 10-13 tại một huyện của Đắc Lắk có biểu hiện rối loạn phân ly tập thể. Các học sinh có triệu chứng mất ngủ, hay nói lảm nhảm, ôm bạn vật xuống đất và chạy ra ngoài khi đang học. Mỗi cơn kéo dài từ 15 phút đến 1 giờ, sau đó các cháu trở lại bình thường. Đoàn thăm khám thì các cháu bình thường không có bệnh tật.

Các em có biểu hiện lạ trong thời gian từ 15 đến 1 giờ, mỗi buổi học bị 2-3 lần, sau khi cắt cơn thì sinh hoạt bình thường. Khi hết cơn các em không nhớ trước đó mình đã làm gì và có biểu hiện đau đầu.

Một nơi khác ở Đắc Lắc là tại điểm trường Ea Lang của Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cũng phát hiện một học sinh nữ có biểu hiện bất thường. Học sinh này có biểu hiện mặt đỏ, môi tím, nói nhảm, thỉnh thoảng lại la hét, không làm chủ được bản thân. Sau đó, có thêm 5 nữ sinh cũng có triệu chứng tương tự.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, Bác sỹ Nguyễn Mai Hương, phó trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay đây là biểu hiện của bệnh lý Rối loạn phân ly, là nhóm bệnh lý tâm thần khá thường gặp, với tỷ lệ 0,3-0,5% dân số.

Rối loạn phân ly là gì?

Theo các chuyên gia y tế, Rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn trí nhớ giữa quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động. Khi hiện tượng này xảy ra đồng loạt thì đó là tình trạng rối loạn phân ly tập thể. Tình trạng này thường xảy ra ở trường học hoặc một tập thể. Khi một người trong nhóm có biểu hiện rối loạn phân ly, những người còn lại bị lây. Vì nhiều người cùng có biểu hiện lạ giống nhau khiến những người trong cộng đồng hoang mang.

Rối loạn phân ly thuộc nhóm các bệnh lý tâm thần, với tỷ lệ mắc bệnh chiếm 0.3 - 0.5% trong dân số. Rối loạn phân ly (rối loạn thần kinh chức năng, hysteria,...) là những rối loạn tâm thần liên quan đến sự mất kết nối và ngắt quãng giữa những suy nghĩ, ký ức, môi trường xung quanh, hành động và đặc tính cá nhân. Những người bị rối loạn phân ly thoát ra khỏi tình trạng này bằng cách không tự chủ, có hại cho sức khoẻ và gây ảnh hưởng tới chức năng sống trong cuộc sống hàng ngày.

Rối loạn phân ly thường phát triển như là phản ứng chấn thương và lưu giữ ký ức khó khăn. Triệu chứng - phạm vi từ mất trí nhớ đến các đặc tính luân phiên - phụ thuộc từng phần vào kiểu rối loạn phân ly. Thời gian căng thẳng nhiều có thể làm cho triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng, rõ ràng hơn.

Dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào các kiểu rối loạn phân ly, có thể bao gồm:

- Mất trí nhớ (Amnesia) trong khoảng thời gian nhất định, liên quan đến sự kiện, con người, thông tin cá nhân.

- Có cảm giác không lệ thuộc vào bản thân và cảm xúc của bản thân.

- Nhận thức về những người và vật xung quanh bị biến dạng và không thật.

- Có cảm giác mờ nhạt về nhận định.

- Sự căng thẳng hay những vấn đề trong mối quan hệ, công việc hoặc các lĩnh vực quan trọng khác trong cuộc sống.

- Mất khả năng đối phó khi xúc động hoặc căng thẳng.

- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, có ý nghĩ và hành vi tự tử.

Rối loạn phân ly được nhiều chuyên gia cho là có nguồn gốc từ trải nghiệm thời thơ ấu bất lợi bao gồm lạm dụng và mất mát, hay các sang chấn tâm lý với những cảm xúc mạnh như lo sợ tột độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề.... 

Rối loạn phân ly điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý, trong đó liệu pháp ám thị được áp dụng rất có hiệu quả. Bên cạnh đó, nên kết hợp với việc nâng cao thể trạng, bồi dưỡng nhân cách, tạo không gian môi trường sống phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh cho bệnh nhân. 

Ngoài ra, có thể kết hợp thêm các liệu pháp điều trị toàn diện khác như âm nhạc, thể thao, lao động, thư giãn, luyện tập,... Trong trường hợp nặng hơn, cùng với việc áp dụng các liệu pháp tâm lý cần phải kết hợp sử dụng thuốc hướng tâm thần hay châm cứu, bấm huyệt, tạo niềm tin cho người bệnh vào liệu trình điều trị giúp bệnh thuyên giảm và mất các triệu chứng rối loạn chức năng.

 

Thanh Mai

Giá vàng hôm nay 30/11: Nhấp nhổm tăng

Giá vàng hôm nay 30/11: Nhấp nhổm tăng

Giá vàng hôm nay 30/11 giao dịch ở mức 1.751 USD/ounce trên thị trường thế giới, tăng 0,1%. Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC giao dịch trong khoảng 66,65 - 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).