Hết Tết đừng cố gắng ép cân nếu chưa biết tới 9 rủi ro sức khỏe kinh hoàng đang rình rập

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, làm sao để giảm cân nhanh nhất trở thành mối quan tâm của rất nhiều người.

HLV cá nhân Lê Phương Trang (làm việc tại Hà Nội) cho biết, dịp Tết Nguyên đán ăn uống thoải mái, tiệc tùng nhiều cộng thêm thói quen sinh hoạt thay đổi khiến rất nhiều người tăng cân mất kiểm soát. Cũng không hiếm người có tâm lý rằng cứ ăn uống thỏa thích dịp Tết rồi ép cân sau Tết. Dẫn tới làm sao để giảm cân nhanh nhất trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu khi hết Tết và phải quay lại đi học, đi làm.

Làm sao để giảm cân nhanh, nhất là giảm mỡ bụng luôn là vấn đề được các chị em quan tâm (Ảnh minh họa)
Làm sao để giảm cân nhanh, nhất là giảm mỡ bụng luôn là vấn đề được các chị em quan tâm (Ảnh minh họa)

Giảm hoặc tăng vài kg trong suốt cả năm là bình thường. Còn giảm trên 0,5kg tới 1kg mỗi tuần là giảm cân quá nhanh chóng và mạnh mẽ. TS. BS. Hoàng Minh Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cảnh báo: “Giảm cân quá nhanh, đặc biệt là nếu ép cân sai cách như nhịn ăn, không tập thể dục hoặc tập luyện quá sức… đều rất hại cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần”. Vì vậy, đừng vì ép cân sau Tết mà tự rước vào thân 7 rủi ro sức khỏe kinh hoàng sau đây:

1. Mất nước

Theo TS. BS. Hoàng Minh Đức: “Giảm cân quá nhanh thường đi kèm với mất nước, rối loạn điện giải và mất mỡ. Những vùng da sẽ nhão và khô tạo những vùng trũng. Các triệu chứng mất nước thường gặp nhất là khó chịu, mệt mỏi, nhức đầu, táo bón”. Ông nhấn mạnh, mất nước nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như sỏi thận hoặc suy giảm chức năng thận.

2. Mất cân bằng điện giải

Bác sĩ Đức cho biết, để cơ thể hoạt động trơn tru, cần có các chất điện phân là những khoáng chất như magie, canxi, kali, natri... chịu trách nhiệm kiểm soát các hoạt động điện giải, giữ cho tim, hệ cơ và hệ thần kinh hoạt động ổn định, hiệu quả. Khi tình trạng mất cân bằng điện giải xảy ra, cơ thể sẽ suy yếu, mệt mỏi, mạch đập nhanh, chuột rút, hạ huyết áp, nguy cơ tai biến hay tim ngừng đập đột ngột.

Trong khi đó, việc ép cân quá nhanh thông qua ăn kiêng cực đoan hay tập luyện quá sức cũng có thể gây ra tình trạng này. HLV Phương Trang chia sẻ, cơ thể con người liên tục thích ứng với những thay đổi nhỏ để vận hành trơn tru. Bất kỳ sự thay đổi cực đoan nào, bao gồm cả ép cân quá nhanh cũng có thể phá vỡ sự cân bằng, dễ nhận biết nhất là cân bằng điện giải. Ví dụ như khi chúng ta thay đổi chế độ ăn đột ngột để ép cân thì lượng khoáng chất cũng ảnh hưởng và gây rối loạn điện giải.

3. Làm chậm quá trình trao đổi chất

Hoạt động trao đổi chất đóng vai trò thiết yếu trong việc giảm cân, như cách giải thích của HLV Phương Trang thì nó quyết định bạn đốt cháy bao nhiêu calo mỗi ngày. Ngoài ra, quá trình trao đổi chất giúp chuyển hóa thức ăn chúng ta tiêu thụ thành năng lượng. Do đó, có quá trình trao đổi chất nhanh giúp đốt cháy nhiều calo hơn, dẫn đến giảm cân nhanh chóng. Nhưng khi ép cân hậu Tết, rất nhiều người rơi vào tình trạng bị suy giảm trao đổi chất.

Nguyên nhân làm chậm quá trình trao đổi chất do ép cân là mất cơ bắp và suy giảm hormone điều chỉnh sự trao đổi chất, ví dụ như hormone tuyến giáp. Sự sụt giảm trao đổi chất này được cảnh báo sẽ kéo dài đến sau khi bạn kết thúc quá trình ăn kiêng. Hơn nữa, tỷ lệ trao đổi chất giảm sẽ dễ dẫn đến tăng cân, không thể giữ cân sau khi giảm.

4. Thiếu chất, suy giảm miễn dịch

“Chế độ giảm cân quá nhanh thường dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Việc ăn uống kém gây giảm lượng vitamin đưa vào cơ thể kèm theo đó là các khoáng chất (sắt, canxi, kẽm…) và chất xơ, gây hậu quả xấu cho sức khỏe. Ví dụ như giảm tập trung, mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn tiêu hoá, rụng tóc, xương yếu, suy giảm miễn dịch” - bác sĩ Đức cảnh báo.

5. Teo cơ bắp

HLV Phương Trang nhấn mạnh, giảm cân và giảm mỡ là hai việc rất khác nhau. Giảm cân có thể không phải lúc nào cũng giống như giảm mỡ. Mặc dù theo một chế độ ăn kiêng rất ít calo (VLCD) giúp bạn giảm cân nhanh chóng, nhưng nó có thể đi kèm với một số rủi ro từ mất nước, rối loạn điện giải tới teo cơ bắp.

  Giảm cân khoa học cần kết hợp ăn uống với chế độ tập luyện phù hợp, không nhịn ăn tiêu cực hay tập quá sức (Ảnh minh họa)

Giảm cân khoa học cần kết hợp ăn uống với chế độ tập luyện phù hợp, không nhịn ăn tiêu cực hay tập quá sức (Ảnh minh họa)

Còn bác sĩ Đức thì giải thích: “Giảm cân quá nhanh thường dẫn đến mất protein dẫn đến teo cơ bắp, đặc biệt là khi chế độ giảm cân không kèm theo tập luyện thể dục. Mất cơ bắp không những làm giảm khả năng đốt cháy calo mà còn có thể làm giảm sức mạnh và khả năng vận động của cơ thể”.

6. Sỏi mật

Sỏi mật là những khối rắn chắc hoặc dạng bùn được hình thành do sự kết tụ của các thành phần có trong dịch mật. Sỏi mật cũng là một tác dụng phụ của việc giảm cân quá nhanh. Bởi vì khi giảm cân nhanh, lượng cholesterol sinh ra quá nhiều sẽ được tăng đào thải ra ngoài qua dịch mật.

Khi đó dịch mật không đủ acid mật để hòa tan hết cholesterol, khiến nồng độ cholesterol trở nên quá bão hòa, chúng kết tinh lại với nhau tạo thành sỏi mật. Mặt khác, việc ăn kiêng hoàn toàn chất béo đã khiến dịch mật không thể xuống ruột non, chúng bị ứ lại lâu ngày trong túi mật càng tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi hình thành.

7. Tăng nguy cơ rối loạn dinh dưỡng

Bác sĩ Đức chia sẻ rằng, rất nhiều người chỉ chú trọng ép cân sau Tết để lấy lại vẻ đẹp ngoại hình mà không quan tâm tới cân bằng dinh dưỡng hoặc đánh giá quá thấp tác hại của rối loạn dinh dưỡng.

“Việc tạo ra một môi trường giảm cân cực kỳ nghiêm ngặt có thể dẫn đến tình trạng rối loạn dinh dưỡng. Các rối loạn này có thể gây tổn thương quá trình chuyển hoá của các tạng trong cơ thể như tiêu hoá, gan mật, nội tiết, tiết niệu… suy giảm miễn dịch, thậm chí gây suy một số tạng” - ông nói.

8. Mệt mỏi quá mức

Chế độ ăn kiêng giảm cân có thể giúp bạn giảm cân khá nhanh. Nhưng HLV Phương Trang nhắc nhở rằng sự thâm hụt calo quá mức khiến cơ thể khó hoạt động bình thường, gây mệt mỏi nghiêm trọng, thậm chí ngất xỉu khi bị căng thẳng quá mức. Các triệu chứng mệt mỏi quá sức có thể bao gồm: cáu gắt, cảm thấy lạnh, chuột rút cơ bắp, chóng mặt, táo bón… Chưa kể, khi mệt mỏi quá mức dễ dẫn tới ăn uống mất kiểm soát và khó duy trì cân nặng sau giảm, thậm chí tăng cân nhanh hơn.

9. Tác động tiêu cực đến tâm lý

“Áp lực về việc giảm cân quá nhanh có thể tạo ra stress tâm lý, lo lắng. Điều này có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý, dẫn đến tình trạng buồn bã, căng thẳng, và thậm chí là tăng nguy cơ trầm cảm” - bác sĩ Đức cho biết. Trên thực tế, có rất nhiều người vì ép cân quá nhanh mà mắc chứng chán ăn tâm thần, rối loạn lo âu ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.

  Ép cân quá tiêu cực có thể dẫn tới rối loạn sức khỏe tâm thần, bệnh trầm cảm (Ảnh minh họa)

Ép cân quá tiêu cực có thể dẫn tới rối loạn sức khỏe tâm thần, bệnh trầm cảm (Ảnh minh họa)

Do đó, trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ giảm cân nào, chúng ta cần thảo luận với chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để đảm bảo rằng phương pháp giảm cân đang áp dụng là an toàn và phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi người.

Ngọc Ái

Chị em muốn giảm cân, tăng nồng độ estrogen: Đừng ăn kiêng khắt khe và tập thể dục cường độ cao, hãy làm theo cách này

Chị em muốn giảm cân, tăng nồng độ estrogen: Đừng ăn kiêng khắt khe và tập thể dục cường độ cao, hãy làm theo cách này

Có phải cứ ăn kiêng khắt khe và luyện tập cường độ cao là giảm cân và tăng nội tiết tố?