Năm 2023 khép lại với không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với sự quyết tâm cao, chung sức, đồng lòng Hội Nữ trí thức Việt Nam đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm với những gam màu tươi sáng trong bức tranh chung của đội ngũ nữ trí thức cả nước. Nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, GS. TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đã trao đổi với Phụ nữ Mới về những kết quả đạt được của Hội Nữ trí thức năm 2023 và kế hoạch hoạt động trong năm 2024.
Nhìn lại hoạt động năm 2023 của Hội Nữ trí thức Việt Nam thấy rõ Hội đã rất nỗ lực khắc phục khó khăn để khẳng định vai trò, vị thế là “ngôi nhà chung” của đội ngũ nữ trí thức Việt, thưa Giáo sư?
GS.TS Lê Thị Hợp: Đúng vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã rất nỗ lực để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của mình. Trong năm 2023, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã thành lập mới 4 Chi hội gồm: (1) Chi hội Nữ trí thức Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng với tổng số 70 hội viên. (2) Chi hội Nữ trí thức khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 46 hội viên. (3) Chi hội NTT Trường Đại học Phenikaa với 54 hội viên và (4) Chi hội NTT Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH với 48 hội viên. Nâng tổng số Chi hội trực thuộc lên 33 và tổng số hội viên là 5.358 hội viên.
GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam |
Tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ và Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ (2021- 2026) lần thứ ba tại thành phố Hải Phòng. Tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với những vấn đề liên quan đến nữ trí thức, phụ nữ, bình đẳng giới và các lĩnh vực kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường. Tổ chức và phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học và triển lãm KHCN nâng cao kiến thức cho Ủy viên Ban Chấp hành và hội viên, đồng thời tạo diễn đàn cho các nhà khoa học nữ giới thiệu về những nghiên cứu, sản phẩm khoa học, nhằm đưa khoa học gắn với đời sống.
Hội cũng đã phối hợp với Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của nữ trí thức để phát triển đất nước: Thực trạng và Giải pháp”. Hội thảo đã khẳng định được vai trò và những đóng góp của nữ trí thức Việt Nam trong việc đưa ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất và đời sống; đã nêu những khó khăn, thuận lợi trong việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ và đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống. Hội thảo đã kiến nghị tập trung vào 3 nhóm giải pháp lớn về chính sách để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học tăng cường sự tham gia và đóng góp của nữ trí thức trong thời gian tới và việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế.
Phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia tổ chức khai mạc triển lãm Tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam. Với chủ đề của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm nay là “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ, Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo” tại Hà Nội. Triển lãm đã thu hút được 38 đơn vị, bao gồm các viện, học viện, trường đại học, doanh nghiệp tham gia với gần 200 tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo chủ yếu trong các lĩnh vực là thế mạnh của nữ trí thức. Đó là: Y - Dược, Công nghệ sinh học, Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Vật liệu - Hóa chất, Chế biến thực phẩm, Nông nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tặng hoa chúc mừng các nữ trí thức ngành y tiêu biểu được tôn vinh năm 2023 |
Cũng tại triển lãm, sáng ngày 22/4/2023 Hội Nữ trí thức Việt Nam đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Hội Tự động hóa Việt Nam. Nhằm huy động các hội viên, các nhà khoa học của hai Hội tham gia các hoạt động chung.
Các hoạt động trên đã góp phần hỗ trợ các nữ trí thức quảng bá, giới thiệu tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo nhằm tìm kiếm các cơ hội ứng dụng và thương mại hóa các tài sản trí tuệ.
Một trong những hoạt động nổi bật của Hội Nữ trí thức Việt Nam năm qua là Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc với chủ đề: “Ứng dụng KHCN vào đời sống, xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Đây là lần thứ ba, Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị này. Theo đánh giá của Giáo sư, Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ III đã trở thành sự kiện có “thương hiệu” thu hút sự quan tâm của giới khoa học nữ Việt Nam chưa?
- Đây là hoạt động được các nhà khoa học nữ Việt Nam quan tâm và tham gia. Các đại biểu tham dự Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ III-2023 là các nữ trí thức đoạt giải Kovalevskaia, giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, giải thưởng L’ Oréal và giải thưởng KOVA; Nữ trí thức có báo cáo khoa học và poster giới thiệu tại Hội nghị; Nữ khoa học trẻ được nhận bằng khen của Hội Nữ trí thức Việt Nam năm 2022 - 2023; Lãnh đạo và hội viên các Hội Nữ trí thức thành viên, Chi hội, đơn vị trực thuộc. Tổng số 60 báo cáo khoa học đã được Ban Tổ chức đăng kỷ yếu hội nghị. Bên lề Hội nghị, Hội đã tổ chức 3 hội thảo chuyên đề: (1) Vai trò của khoa học xã hội, nhân văn với đời sống – xã hội (2) Môi trường, nông nghiệp với phát triển bền vững và (3) Y dược, dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng 16 báo cáo khoa học được trình bày tại các hội thảo.
Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc năm 2023 |
Hội nghị phiên toàn thể có 4 báo cáo được trình bày trước hội nghị. Các báo cáo khoa học tại hội nghị, hội thảo phong phú, đa dạng và từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu của đời sống xã hội, đã phản ánh và đề xuất những giải pháp hữu hiệu, nhằm ứng dụng khoa học vào đời sống xã hội đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tại hội nghị, Hội đã trao tặng bằng khen cho 62 nữ trí thức trẻ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2022 - 2023. Hội nghị thực sự trở thành diễn đàn khoa học cho nữ trí thức được thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết và lòng đam mê nghiên cứu khoa học.
Được biết, Hội luôn quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên về nghề nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện cho các NTT trẻ tham gia tích cực các hoạt động khoa học - công nghệ và các hoạt động của Hội, tôn vinh các NTT tài năng. Giáo sư có thể nói rõ hơn về điều này?
- Trong năm qua, Hội đã phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh Nữ trí thức tiêu biểu ngành Y và nữ trí thức có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống Covid-19 trong 3 năm (2019 - 2022).
Tổng số 51 nữ trí thức tiêu biểu ngành Y được lựa chọn từ 69 hồ sơ đăng ký tôn vinh đến từ 20 đơn vị trong cả nước đang công tác trực tiếp trong các cơ sở y tế được Hội đồng các nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín của ngành y và Hội Nữ trí thức Việt Nam xét duyệt kỹ lưỡng, dựa trên những tiêu chí cụ thể.
Trong tổng số 51 nữ trí thức tiêu biểu có: 1 giáo sư, 15 phó giáo sư, 17 tiến sĩ, 9 thạc sĩ, 1 điều dưỡng. Hầu hết các chị là những bác sĩ, dược sĩ, trong đó có 3 Thầy thuốc Nhân dân, 10 Thầy thuốc Ưu tú. Nữ trí thức cao tuổi nhất được tôn vinh là 65 tuổi, ít tuổi nhất là 34 tuổi.
Lễ tôn vinh 51 nữ trí thức ngành Y tiêu biểu năm 2023 |
Lễ tôn vinh Nữ trí thức tiêu biểu ngành Y thật sự là một ngày hội lớn, động viên, tri ân những đóng góp tích cực và hiệu quả của nữ trí thức vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và công cuộc phòng chống dịch Covid-19 nói riêng, trong giai đoạn từ 2019 - 2022. Đây cũng là lễ vinh danh đầu tiên do sự phối hợp giữa Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Hội đồng thi đua khen thưởng của Hội đã xét chọn, giới thiệu, đề nghị Hội đồng Giải thưởng KOVA tặng giải thưởng KOVA lần thứ 21 năm 2023 hạng mục kiến tạo cho 1 tập thể và 2 cá nhân gồm: (1) Viện Nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long do GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng và nhóm nghiên cứu thực hiện, với nghiên cứu: Chọn lọc một số giống lúa mùa ruộng trên có chất lượng tốt tại hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang; (2) ThS Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập, PTGĐ Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS), với nghiên cứu: Sản xuất bộ sản phẩm giúp chăm sóc, bảo vệ, phục hồi tóc hư tổn có nguồn gốc tự nhiên bao gồm dầu gội, dầu xả, serum, dầu bảo vệ tóc và viên uống giúp tóc mọc dày, khỏe và (3) PGS.TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung - PGĐ Trung tâm KHXH&NV Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên, hội viên Hội Nữ trí thức tỉnh Đắk Lắk và nhóm nghiên cứu với nghiên cứu: Sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu luật tục Bahnar.
Để nâng cao vị thế của Hội thì hoạt động đối ngoại cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được chú trọng, thưa Giáo sư?
- Đúng vậy. Năm qua, Hội đã tích cực mở rộng quan hệ quốc tế và tăng cường hoạt động đối ngoại: Thành lập Đoàn gồm 6 đại biểu tham dự Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ 29/6 đến 01/7/2023 (APNN-2023) tại Mông Cổ.
Đoàn đại biểu của Hội Nữ trí thức Việt Nam tham dự Hội nghị mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á năm 2023 tại Mông Cổ |
Đoàn Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nội dung, chương trình, cũng như tham gia tích cực các hoạt động bên lề, tạo ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Các hoạt động của Hội Nữ trí thức Việt Nam tại Hội nghị gồm: Trình bày báo cáo thường niên của Hội năm 2022 – 2023; Tham luận về vấn đề dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; Trao đổi giữa Hội Hữu nghị hai bên Việt Nam và Mông Cổ tại Đại sứ quán Mông Cổ, bàn về hợp tác giữa các nhà khoa học và kỹ sư nữ Việt Nam và Mông Cổ; Đề nghị và được bầu chọn quyền đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên năm 2024 tại Việt Nam; Tham gia tiết mục trình diễn áo dài và nón lá tại buổi giao lưu bên lề Hội nghị.
Bên cạnh đó, Hội chủ động thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức thành viên Hội LHPN Việt Nam. Triển khai đầy đủ, kịp thời các kế hoạch hoạt động theo chỉ đạo của Hội LHPN Việt Nam. Tiếp tục đồng hành cùng với xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La duy trì và phát triển mô hình sinh kế bò sinh sản, chăm nuôi 2 bê con mới sinh cuối năm 2022 từ 2 bò mẹ do Hội Nữ trí thức Việt Nam tặng cuối năm 2022. Hội Nữ trí thức Việt Nam được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tặng giấy khen “Vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, giai đoạn 2021- 2023. Tiếp tục vận động các cấp Hội hưởng ứng chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN Việt Nam phát động.
Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam tham dự Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á tại Mông Cổ |
Rà soát điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học do Hội LHPN Việt Nam giao thực hiện: “An ninh dinh dưỡng cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và trẻ em dưới 5 tuổi tại hộ gia đình thuộc 3 xã vùng núi khó khăn của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang: Thực trạng và giải pháp”, thông qua các hoạt động: Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở tham gia điều tra; Thực hiện điều tra dinh dưỡng 1200 trẻ em dưới 5 tuổi và 300 phụ nữ độ tuổi sinh đẻ; Phỏng vấn sâu 30 lãnh đạo huyện, xã về an ninh thực phẩm và an ninh dinh dưỡng. Tổ chức 2 Hội thảo chuyên đề về chăn nuôi, dinh dưỡng. Hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu chuyên đề chăn nuôi và dinh dưỡng, báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu. Đề xuất nghiệm thu đề tài và thanh quyết toán hoạt động, xong trong tháng 12/2023.
Năm 2023, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực, Hội đã khắc phục khó khăn, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự phấn khởi cho đội ngũ nữ trí thức. Năm 2024, Hội xác định những nhiệm vụ nào là trọng tâm để tiếp tục khẳng định vai trò và nâng cao vị thế là “ngôi nhà chung” của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam?
- Năm 2023, so với kế hoạch, một số hoạt động vẫn chưa triển khai thực hiện đó là: Chưa thành lập được Hội nữ trí thức thành viên tại các tỉnh/thành phố. Hoạt động tại một số Hội thành viên, Chi hội còn “trầm lặng”. Việc tập hợp nữ trí thức tham gia sinh hoạt Hội và việc vận động nguồn lực cho hoạt động Hội còn gặp nhiều khó khăn. Việc thành lập Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Đào tạo phải tạm dừng vì chưa đủ điều kiện.
Cắt băng khái mạc triển lãm tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của cộng đồng nữ trí thức Việt Nam |
Năm 2024, những nhiệm vụ trọng tâm được xác định là đăng cai tổ chức Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á -Thái Bình Dương (APNN 2024); Đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nữ trí thức trong và ngoài nước; Phát triển tổ chức Hội thành viên ở các tỉnh, thành phố; Tổ chức các Hội thảo, tập huấn theo kế hoạch; Thực hiện nhiệm vụ là thành viên của Hội LHPN Việt Nam; Triển khai thực hiện công tác kiểm tra và các nhiệm vụ thường xuyên theo kế hoạch; Chỉ đạo các Chi hội tổ chức Đại hội hết nhiệm kỳ (đối với những Chi hội hết nhiệm kỳ)…
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Hội nghị lần thứ IV Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2021 – 2026
Hội nghị đã tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội NTT Việt Nam năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.