Hơn 130 người thiệt mạng trong vụ sập cầu treo ở Ấn Độ

Nhà chức trách Ấn Độ hôm 31/10 cho biết ít nhất 132 người đã thiệt mạng sau khi cầu treo ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ bị sập hôm 30/10.

Một quan chức chính quyền địa phương nói với Hãng tin Reuters ngày 31-10, sSố người chết trong vụ sập cầu treo dành cho người đi bộ tại bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, đã tăng lên 132 người, một quan chức chính quyền địa phương nói với Hãng tin Reuters ngày 31-10.

Các nhà chức trách cho biết gần 500 người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, đang tham gia lễ hội tôn giáo Diwali trên và xung quanh cây cầu treo gần 150 tuổi ở thị trấn Morbi vào tối 30-10 thì dây cáp đứt, khiến nhiều người rơi xuống nước. Loạt ảnh được truyền thông Ấn Độ chia sẻ cho thấy hàng chục người bám chặt vào cáp cầu trong lúc lực lượng cứu hộ nỗ lực cứu họ.

  Cây cầu sập do không chịu được sức nặng của hàng trăm du khách. Ảnh: Twitter

Cây cầu sập do không chịu được sức nặng của hàng trăm du khách. Ảnh: Twitter

Đến thời điểm hiện tại, đã có 177 người được cứu và chiến dịch cứu hộ vẫn đang tiếp diễn. Hãng tin Press Trust of India dẫn nguồn tin mật cho biết cây cầu sập vì không chịu được sức nặng của hàng trăm du khách.

Ông Vijay Goswam - một nhân chứng có mặt tại đó khẳng định khi ông và gia đình ở trên cầu, một vài thanh niên đã cố tình rung cáp, khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc đi lại. Ông Goswam đồng thời cho biết hành động của những thanh niên này khiến gia đình ông cảm thấy bất an và quyết định rời khỏi chiếc cầu. Ông thậm chí còn báo vụ việc cho nhân viên cầu nhưng họ thờ ơ.

"Trước khi rời khỏi cầu, tôi đã nói với nhân viên rằng họ cần yêu cầu khách ngừng rung lắc cầu. Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm đến việc bán vé và nói với chúng tôi rằng họ không có hệ thống kiểm soát đám đông. Vài giờ sau khi chúng tôi rời đi, nỗi sợ của chúng tôi đã trở thành hiện thực khi cầu sập" – ông Goswam chia sẻ.

Cây cầu treo bị sập dài 233m và rộng 1,5m, được làm từ vật liệu của Anh và khánh thành năm 1880. Nó bắc qua sông Machchhu, một địa điểm thu hút du khách.

Kênh truyền hình NDTV (Ấn Độ) cho biết cây cầu vừa mở cửa trở lại hôm 26-10 sau 7 tháng sửa chữa dù không được cấp chứng chỉ an toàn. Một đoạn video quay từ ngày 29-10, một ngày trước thảm kịch, cho thấy cây cầu bị lắc lư dữ dội.

Thanh Mai