K-Drama, những mặt trái trong xây dựng nhân vật nữ

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhân vật nữ trái ngược với những khuôn mẫu truyền thống xuất hiện trên màn ảnh Hàn Quốc.

Giống như những nhân vật nam có hành động bạo lực nhưng thường được bỏ qua, hình tượng người nữ thô lỗ, hung hăng cũng đã tồn tại trong các bộ phim Hàn Quốc từ lâu. Tuy nhiên, trường hợp này ít nhận được chú ý hơn vì những cảnh này thường chỉ xuất hiện ở tuyến nhân vật phụ. Những nhân vật điển hình thường xuyên bị gắn với xu hướng hành vi này là các bà thím (ajumma) và các bà chị (noona).

CÁC AJUMMA VÀ NOONA

Các bà thím (ajumma) là nhân vật mang tính biểu tượng trong phim Hàn. Họ thường là những người phụ nữ trung niên, có mái tóc ngắn uốn xoăn mì tôm, có sở thích “ngồi lê” và thường tụ tập cùng làm kimchi; họ có thể thô lỗ, tọc mạch, và cũng nhiều khi vô duyên và phiền phức trong mắt các nhân vật khác và trong mắt người xem.

Ở bộ phim “Cuộc đời đầu tiên” (2017), trong khi nam chính Nam Se Hee cùng các ajumma làm kimchi, một ajumma đã thốt lên: “Cậu trai này mới cưới vợ mà sao yếu thế? Thế này liệu có em bé được không đó?”. Một ajumma khác đáp lại: “Aigu, bà không biết là đàn ông gầy thì làm việc đó tốt hơn sao?”, sau đó tất cả các bà thím phá lên cười.

Các bà thím (ajumma) là nhân vật mang tính biểu tượng trong phim Hàn với mái tóc xoăn và sở thích
Các bà thím (ajumma) là nhân vật mang tính biểu tượng trong phim Hàn với mái tóc xoăn và sở thích "ngồi lê".

Các ajumma cũng thường xuyên có hành vi động chạm vào cơ thể của các nhân vật nam trẻ tuổi mà không có sự đồng thuận. Trong “Cô nàng đẹp trai” (2009), ajumma đã đánh vào mông nam chính để đánh thức anh ấy, thậm chí tiếp tục bóp mông anh khi anh bày tỏ sự phản đối và yêu cầu được tôn trọng quyền riêng tư thân thể của mình. Ajumma sau đó còn tặc lưỡi và nói: “Đừng đưa ra những quy tắc với người lớn hơn mình chứ”.

Người xem thường bật cười trước những phản ứng hoảng loạn của các nhân vật nam khi bị các bà thím “sàm sỡ”. Tuy nhiên, sự gây cười này đến từ việc nam giới đang bị quấy rối bởi một nhóm phụ nữ lớn tuổi, được coi là vô hại và kém hấp dẫn. Và một điều mà độc giả Nhà có thể dễ dàng chỉ ra, sự phổ biến của hình ảnh này sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nam thanh niên.

Bên cạnh các ajumma, chúng ta còn có các noona - các bà chị, nhóm phụ nữ chỉ lớn hơn nhân vật nam vài tuổi. Trong bộ phim “Gia đình là số 1” phần 1 (2006), nhân vật cô giáo Mi Ryeo là một noona có cảm tình với cậu học sinh Yoon Ho vì ngoại hình điển trai của cậu. Mi Ryeo đã có nhiều hành động quấy rối Yoon Ho: lừa Yoon Ho tới gặp mình để được ở riêng với cậu, cố tình động chạm và ép cậu đưa mình về nhà... Lúc này, Yoon Ho mới 16 tuổi và Mi Ryeo đã là một phụ nữ trưởng thành, vì thế những hành vi của cô có thể kết vào tội quấy rối tình dục trẻ vị thành niên.

Trong “Tiên tri tình yêu” (2016), nhân vật Go Yoo Rim - chị gái của nữ chính Go Hye Rim có cảm tình với Won Ji Ho. Khi biết người Ji Ho thích là em gái mình, Yoo Rim vẫn cố chấp muốn thân mật với anh ấy. Cô nói sẽ dạy Ji Ho một vài mẹo để “cưa đổ” em gái rồi đẩy cậu vào tường rồi cưỡng hôn một cách hung hãn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi những nhân vật nam bị quấy rối bởi các noona và ajumma, họ cảm thấy khó xử và không thoải mái nhưng vẫn thỏa hiệp. Nhiều ý kiến cho rằng nam giới trong trường hợp này khó có thể từ chối dứt khoát vì như vậy được cho là thể hiện thái độ thiếu tôn trọng. Khán giả thường xuyên thấy một chàng trai trẻ khỏe mạnh và hấp dẫn trở nên dễ bị tổn thương và thụ động trước những người phụ nữ hơn tuổi.

Điều này phần nào phản ánh ảnh hưởng sâu sắc của nhận thức về thứ bậc tuổi tác đến xu hướng hành vi trong văn hóa Hàn Quốc. Khi đó, quấy rối tình dục không chỉ đơn thuần là ham muốn tình dục mà còn là sự chênh lệch quyền lực trong xã hội.

CHỦ ĐỘNG LÀ TỐT, NHƯNG ĐỪNG BIẾN THÀNH TỰ ĐỘNG

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhân vật nữ trái ngược với những khuôn mẫu truyền thống xuất hiện trên màn ảnh Hàn Quốc. Họ mạnh mẽ, tự tin, không ngại thẳng thắn và chủ động trong cuộc sống và trong mối quan hệ. Cùng với đó chúng ta cũng bắt gặp nhiều nhân vật nam dịu dàng, ôn hòa và tinh tế hơn. Xu hướng đã mang lại làn gió mới, khiến khán giả vô cùng thích thú khi không còn phải “sốt ruột” vì nữ chính bị động chờ đợi sự lãng mạn từ người nam. Ví dụ như những bộ phim: “Khách sạn ánh trăng” (2019), “Điên thì có sao” (2020), “Tầng lớp Itaewon” (2020), Cửa hàng tiện lợi Saet Byul” (2020), “Từ khóa tình yêu” (2019)...

Trong khi chúng ta đang cổ vũ cho việc không còn những hành động “lãng mạn” một cách sáo rỗng và bạo lực của nam giới nữa, thì nhiều hành vi của các nhân vật nữ mạnh mẽ bắt đầu bị lạm dụng một cách khó hiểu.

Cảnh trong phim “Ma nữ đáng yêu”.
Cảnh trong phim “Ma nữ đáng yêu”.

Trong bộ phim “Ma nữ đáng yêu” (2015), sau khi bị một hồn ma trinh nữ nhập vào người, tính cách của nữ chính Na Bong Sun đã thay đổi 180 độ. Cô ấy xông vào phòng tắm nam khiến tất cả những người đàn ông trong đó hét lên. Để có được trải nghiệm tình dục, cô liên tục quấy rối sếp của Na Bong Sun, Kang Sun Woo. Cô còn đột nhập vào phòng ngủ của nam chính với ý định cưỡng hiếp anh ta.

Nữ chính Jo Yi Seo của “Tầng lớp Itaewon” (2020) cũng đã tự ý hôn vào môi nam chính Park Sae Ro Yi khi anh bất tỉnh trên mặt đất. Hôm sau khi Park Sae Ro Yi trò chuyện với nhóm bạn và khẳng định rằng anh chưa từng hôn ai, Yi Seo đã mỉm cười hài lòng vì biết rằng mình là người lấy đi nụ hôn đầu ấy.

KHI NẠN NHÂN LÀ NAM GIỚI

Các bộ phim Hàn hầu như luôn sử dụng nhạc nền hài hước khi một chàng trai bị quấy rối tình dục và biến nó thành một phân cảnh gây cười. Khi các nhân vật nam bị quấy rối, họ không còn là những anh chàng lôi cuốn, ngầu lòi mà là những người đàn ông dễ bị tổn thương, bất lực buộc phải nhượng bộ. Các nạn nhân nam cho thấy vẻ hoảng loạn, lúng túng và không biết phản ứng thế nào cho đúng. Một người phụ nữ mảnh mai có thể dễ dàng ghim một anh chàng nam tính vào tường và khiến anh ấy cảm thấy bị đe dọa. Và người xem thấy sự tương phản này thật thú vị vì tiềm thức số đông tin rằng đàn ông không thể bị cưỡng hiếp hoặc quấy rối tình dục, mà thường là đầu ngược lại. Nhưng có thật là như vậy?

Một cảnh trong phim
Một cảnh trong phim "Đôi bạn học yêu" 

Năm 2016, nữ diễn viên hài Lee Se Young cùng một số nhân viên nữ của SNL Korea đã bị cáo buộc quấy rối tình dục các nam thần tượng Kpop bao gồm B1A4, INFINITE, BLOCK B ở hậu trường. Trong đoạn phim bị rò rỉ, những nhân viên nữ này đã dồn những thần tượng trẻ tuổi vào tường và động chạm vùng nhạy cảm của họ. Cảnh sát đã vào cuộc nhưng cáo buộc sau đó bị bác bỏ vì không có thần tượng nào báo cáo cảm thấy bị vi phạm.

Trong một số phân cảnh quấy rối một-cách-lãng-mạn, các nhân vật nam lúc đầu tỏ ra bất ngờ và khó xử, nhưng sau đó dần bị cuốn theo và bắt đầu lấy lại thế chủ động. Phản ứng mơ hồ đó khiến nhiều người thắc mắc liệu những người đàn ông này đang bị tấn công tình dục hay họ cũng thích điều đó.

Điều này đã củng cố quan niệm rằng đàn ông luôn khao khát tình dục, không thể kiểm soát dục vọng của mình và có thể bị kích thích bất cứ lúc nào, bởi một người phụ nữ bất kỳ, ở bất cứ đâu, và bất kể có chủ ý hay không. Đồng thời, nó cũng thúc đẩy suy nghĩ “đàn ông không thể bị tấn công tình dục” bởi đấy là điều mà anh ta luôn muốn. Nó hạ thấp mức độ ảnh hưởng và hậu quả của hành vi tấn công tình dục, xem nhẹ những chấn thương về cả tinh thần và thể chất của nạn nhân.

Trải nghiệm khó chịu của nạn nhân cũng hiếm khi được đề cập sau đó. Anh ấy vẫn tiếp tục tương tác với những người phụ nữ đã quấy rối mình và thậm chí bắt đầu có cảm xúc với họ. Không có những cảm xúc giận dữ, hoảng loạn, không có những tổn thương kéo dài, không có những cuộc nói chuyện giải quyết nghiêm túc.

CÓ THẬT SỰ TRAO QUYỀN CHO NỮ GIỚI?

Phim truyền hình Hàn Quốc từ lâu đã được viết chủ yếu bởi các biên kịch nữ và tiêu thụ chủ yếu bởi khán giả nữ. Năm 2018, Hiệp hội Biên kịch truyền hình Hàn Quốc ước tính có 94,6% biên kịch truyền hình là phụ nữ. Tuy nhiên, nội dung mang tính nữ quyền chỉ thực sự được khai thác nhiều và bứt phá lên trong những năm gần đây nhờ những tiến bộ về nhận thức đối với các vấn đề xã hội, đặc biệt là bình đẳng giới. Đặc biệt, độ nổi tiếng và sức hút lan rộng trên toàn cầu của văn hóa Hallyu, các sản phẩm âm nhạc, phim truyện Hàn cũng mở rộng đối tượng người xem và yêu cầu các nhà làm phim có sự đa dạng, mới mẻ trong nội dung và thông điệp. Nữ giới trở thành tâm điểm của bộ phim, được khắc họa ở nhiều vị trí quyền lực, hình mẫu khác biệt vượt ra ngoài khuôn mẫu truyền thống và cả qua những khó khăn mà họ phải đối mặt.

Xu hướng nữ giới “mạnh mẽ” phổ biến trên phim Hàn Quốc hiện nay một phần được thể hiện qua những hành vi “độc hại”, sáo rỗng, gán mác “lãng mạn”, do các nhân vật nữ thực hiện, giống như ở các nhân vật nam đầu những năm 2000.

Phim
Phim "Khách sạn ánh trăng"

Trong “Điên thì có sao” (2020), nữ chính Ko Moon Young lái xe chở nam chính Moon Gang Tae một cách liều lĩnh và chỉ dừng lại ngay trước khi xảy ra tai nạn, khi anh đồng ý thỏa hiệp với cô. Phân cảnh này đã từng xuất hiện trong bộ phim kinh điển “Xin lỗi, anh yêu em” (2004), trong đó nam chính yêu cầu nữ chính Eun Chae phải ăn gì đó cho khỏe hoặc là chết cùng anh.

Điều này khiến một câu hỏi quan trọng được đặt ra: “mạnh mẽ” thực sự có nghĩa là gì? Sự thống trị về thể chất; tính cách thô lỗ, độc đoán; tự ý bước vào phòng tắm của nam giới; hành động cưỡng hôn; thị dâm…? Hay tóm lại là việc bắt người khác làm theo ý mình, sợ thay vì nể? Những chi tiết này có thực sự truyền tải thông điệp trao quyền cho phụ nữ hay lại một lần nữa lãng mạn hóa các hành vi bạo lực và độc hại?

Những năm gần đây, phong trào nữ quyền đang lên cao ở Hàn Quốc. Các dự án và cuộc biểu tình đã được tổ chức để nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội như camera quay lén, chênh lệch mức lương, tội ác thù ghét đối với phụ nữ… Vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được bình đẳng giới. Nhưng lãng mạn hóa và đùa cợt về quấy rối tình dục ở cả hai giới là điều mà các bộ K-drama cần thay đổi.

Nhà nhiều cột

Gái trẻ Hàn Quốc chống lại vẻ đẹp khuôn mẫu bằng phong trào 'Escape the corset'

Gái trẻ Hàn Quốc chống lại vẻ đẹp khuôn mẫu bằng phong trào "Escape the corset"

Phong trào "Escape the corset" (Cởi bỏ áo nịt) được giới nữ quyền Hàn Quốc sử dụng như một thách thức với một xã hội đầy tính trọng nam.