Nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới trong các ngành kỹ thuật, góp phần kiến tạo thế hệ nữ kỹ sư tài năng thông qua tư vấn định hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội kết nối chuyên gia dành cho các nữ sinh viên đang theo học tại các trường khoa học kỹ thuật, sáng 7/5 được sự đồng ý của Ban giám hiệu Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Chi hội Nữ trí thức Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp với Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam EEN-Vietnam tổ chức Toạ đàm "Nữ kỹ sư & nhà khoa học tương lai".
Tọa đàm "Nữ kỹ sư & nhà khoa học tương lai" có sự tham gia của đại diện các nữ kỹ sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiêu biểu kết hợp với hoạt động thảo luận trao đổi giữa các diễn giả với sinh viên tham dự. Ảnh: Hoàng Toàn |
Toạ đàm nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động nổi bật của “Dự án Nữ Kỹ Sư Tương Lai – Định hướng nghề nghiệp & Tăng cường Kết nối” được tài trợ bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ và Mạng lưới cựu sinh Chính phủ Hoa Kỳ trong khuôn khổ Quỹ Tài trợ nhỏ dành cho cựu sinh (Alumni Small Grant), Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam EEN-Vietnam và 3 cựu sinh người Việt đã học tập tại Mỹ.
Chương trình có sự tham gia của đại diện các nữ kỹ sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiêu biểu kết hợp với hoạt động thảo luận trao đổi giữa các diễn giả với sinh viên tham dự nhằm hướng tới 3 mục tiêu:
- Cung cấp thông tin, chia sẻ hành trình học tập, nghiên cứu, làm việc tại nước ngoài của những đại diện nữ trí thức tiêu biểu trong ngành kỹ thuật, khoa học, nghiên cứu;
- Tăng cường giao lưu kết nối giữa các thế hệ sinh viên nữ và những nữ chuyên gia, nữ trí thức tiêu biểu trong ngành kỹ thuật, khoa học, nghiên cứu;
- Nâng cao nhận thức của các nữ sinh viên về định hướng phát triển nghề nghiệp, tạo động lực giúp thế hệ nữ sinh viên tiếp tục phấn đấu, đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước.
Tại tọa đàm, nhiều vấn đề, thắc mắc của các nữ sinh trong quá trình học tập và phát triển bản thân đã được các chuyên gia chia sẻ, giải đáp tận tình.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Phạm Thục Anh Giảng viên cao cấp, Trường Điện – Điện tử - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng “sinh viên có thể tham gia nghiên cứu khoa học sớm nhất có thể” bởi hoạt động này giúp sinh viên chủ động hơn trong học tập và nghiên cứu, hình thành tư duy mới, phát triển các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… Đồng thời tham gia nghiên cứu khoa học sớm cũng tạo tiền đề cho việc hoàn thiện luận văn, đồ án tốt nghiệp, mở ra cơ hội được đi du học, cũng như có được các nhà tuyển dụng ưu tiên trong quá trình tìm việc sau này…
PGS.TS Nguyễn Phạm Thục Anh chia sẻ về những lợi ích của việc tham gia nghiên cứu khoa học sớm. Ảnh: Hoàng Toàn |
Trong nội dung “Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo đáp ứng với công nghệ 4.0” của mình PGS.TS Nguyễn Phạm Thục Anh tận tình chỉ dẫn cách làm sao để có được ý tưởng nghiên cứu khoa học, những tiêu chí cần thiết để chuyển ý tưởng thành đề tài nghiên cứu, các bước thực hiện đề tài nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, tới giai đoạn công bố kết quả.
Để có được ý tưởng nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Phạm Thục Anh đã chia sẻ những kinh nghiệm tìm kiếm ý tưởng từ các bài giảng trên lớp, từ những quan sát từ thực tế cuộc sống, quan sát con người, từ các yêu cầu thực tế giảng dạy, từ nhu cầu học hỏi các công nghệ mới, từ hợp tác nghiên cứu với các cơ sở bên ngoài, từ yêu cầu ứng dụng công nghệ 4.9 vào các lĩnh vực nông nghiệp thông minh…
Tại Tọa đàm, bà Đinh Hoài Giang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật Liệu Xây Dựng Secoin – thành viên Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (nhiệm kỳ 2021 – 2025) cũng chia sẻ những “Kỳ vọng từ nhà tuyển dụng và cơ hội việc làm cho giới Nữ trong ngành kỹ thuật”
Bà Giang cho rằng: “Giới tính không quyết định nghề nghiệp và không có một nghề nghiệp nào là được thiết kế dành riêng cho nam giới hay nữ giới.” Hiện nay, việc thúc đẩy bình đẳng giới đang diễn ra mạnh mẽ tạo cơ hội phát triển cho nữ giới, giúp nữ sinh viên có được cơ hội việc làm đa dạng hơn.
Từ góc nhìn của một nhà quản lý doanh nghiệp, bà Đinh Hoài Giang cho biết bất kỳ doanh nghiệp nào cũng kỳ vọng 3 mong muốn của nhà tuyển dụng kỳ vọng: có tri thức, kỹ năng và thái độ cầu thị, cầu tiến do đó cơ hội việc làm của các nữ kỹ sư là rất lớn.
“Nhân lực là tài sản của doanh nghiệp. Và trong giai đoạn cách mạng 4.0, những nhân sự có tri thức là nguồn nhân lực mà doanh nghiệp rất cần. Đối với những doanh nghiệp sản xuất như Secoin rất cần cán bộ chất lượng cao ở các bộ phận từ quản lý, sản xuất... Đặc biệt là cán bộ ở bộ phận R&D, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm.” – bà Đinh Hoài Giang chia sẻ.
Các nữ khoa học gia, chuyên gia, nhà quản lý giải đáp những thắc mắc của các nữ sinh viên. Ảnh: Hoàng Toàn |
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Loan, Giảng viên cao cấp, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của bản thân về cách rèn luyện và phát huy trong môi trường nghiên cứu khoa học, từ đó rút ra những bài học hữu ích cho sinh viên.
PGS.TS Nguyễn Thị Loan nhận định: để có được những thành tựu trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học “cần phải đặt mục tiêu và lên kế hoạch rất sớm”. Từ câu chuyện về xác định mục tiêu phải được đi du học ở nước ngoài từ những năm 1970 và từng bước chinh phục các bậc học cao hơn, PGS.TS Nguyễn Thị Loan rút ra bài học “Sự thành công bước đầu sẽ là các viên gạch đầu tiên để mình có thể tiến lên ở các bước cao hơn”.
“Việc học tập, phấn đấu không bao giờ là ngừng cả, kể cả việc tưởng như ta đã đạt được đỉnh cao rồi. Điều quan trọng là chúng ta nên theo một hướng chuyên môn và tiếp tục học tập nghiên cứu sâu rộng hơn. Sự phấn đấu nhất định sẽ mang lại kết quả.” - PGS.TS Nguyễn Thị Loan chia sẻ.
Dựa trên góc nhìn của một nữ sinh từ nhiều năm trước và trên vai trò của một nhà tuyển dụng, bà Trần Thị Thu Phương, Nhà sáng lập Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam EEN-Vietnam đã chia sẻ về “Hành trang Ứng tuyển thành công” của chính bản thân mình. Từ trải nghiệm bản thân, bà Phương cho biết “Chiến lược là một điều rất quan trọng đối với hành trang ứng tuyển của các bạn. Ở đây, tôi có một công thức đó là: để ứng tuyển thành công tại một đơn vị X, hãy bắt đầu với 2 điều. Thứ nhất, tại sao lại là X? Thứ hai, tại sao lại là tôi?”
Tại tọa đàm, GS.TS Lê Minh Thắng, Giảng viên cao cấp Viện Kỹ thuật Hóa học, Chi hội trưởng, Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết lựa chọn con đường trở thành nữ kỹ sư, nữ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như, chương trình học và thực hành nặng nhọc, vất vả, định kiến từ xã hội và chính bản thân mình... Mặc dù vậy cũng có một số thuận lợi khiến cho người phụ nữ có thể có được những thành công mà đôi khi nam giới không có được như: vì là số ít nên nữ giới có cơ hội được chú ý hơn, mềm mại trong cách giải quyết công việc, kiên trì, cẩn thận, nhẫn nại, trách nhiệm, tâm huyết...
“Khi các em đã lựa chọn là nữ kỹ sư, hãy tự hào vì đã dũng cảm vì đã theo đuổi một con đường khó khăn, nhưng không kém phần thú vị” – GS.TS Lê Minh Thắng chia sẻ.
Đã xác định là nữ kỹ sư làm việc trong môi trường khoa học kỹ thuật, theo GS.TS Lê Minh Thắng cần chăm chỉ, trung thực trong học tập, trong nghiên cứu để có thể phát triển khả năng chủ động trong suy nghĩ, không đặt áp lực cao để hướng tới kết quả là phát triển tư duy. Sau quá trình học trên ghế nhà trường cần phải tiếp tục học tập để phát triển tri thức. “Việc chúng ta luôn luôn vận động sẽ khiến cho cuộc sống và tâm hồn trở nên giàu có, nhiều niềm vui hơn.”
Các bạn sinh viên tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm với các diễn giả. Ảnh: Hoàng Toàn |
Phần thảo luận với những câu hỏi và phần giải đáp từ các nữ khoa học gia, chuyên gia, nhà quản lý cho các bạn sinh viên đã tiếp thêm động lực truyền cho các nữ sinh viên thêm nhiều năng lượng tích cực, giúp các nữ sinh tự tin hơn trong việc theo đuổi cơ hội học tập và phát triển bản thân trong các ngành kỹ thuật.
Nữ trí thức hãy phát huy tiềm năng trí tuệ, đóng góp vào quá trình hội nhập và phát triển đất nước
Đại hội Đại biểu Hội nữ trí thức Việt Nam lần III, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong lòng những đại biểu tham dự.