Lần đầu tiên hàng chục cá thể hổ chết vì cúm A/H5N1 tại Việt Nam, độc lực của loại virus này mạnh đến thế nào?

Thời gian gần đây, rất nhiều tỉnh thành đã ghi nhận hàng loạt trường hợp các cá thể hổ liên tục chết bất thường.

Chiều 2/10, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết, từ đầu tháng 8 đến ngày 16/9, tại Vườn thú Mỹ Quỳnh (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã có 27 con hổ và 3 con sư tử chết bất thường. Qua kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y), nguyên nhân chết là do virus cúm A/H5N1.

Trong cùng ngày, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cũng xác nhận đã có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của 20 con hổ chết bất thường trong khu du lịch Vườn Xoài (phường Phước Tân, TP Biên Hòa). Tương tự ở Long An, mẫu bệnh phẩm dương tính virus cúm A/H5N1.

Các cá thể hổ được chăm sóc tại Khu du lịch Vườn Xoài. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)
Các cá thể hổ được chăm sóc tại Khu du lịch Vườn Xoài. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Đây có thể coi là trường hợp khá hy hữu khi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như  cúm A/H5N1 được phát hiện trên các loài mèo lớn như hổ, sư tử tại vườn thú và dẫn đến tử vong, gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như tạo mối lo về lây lan bệnh dịch trong cộng đồng.

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, đã phát hiện trường hợp nam bệnh nhân nam (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Nha Trang) bị mắc cúm A/H5 và không may tử vong sau nhiều ngày thở máy. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam.

Cúm A/H5N1 là chủng có độc lực cao

Trao đổi với báo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho biết, Cúm A/H5N1 là chủng có độc lực cao, người nhiễm có biểu thường có biểu hiện nặng, với tỷ lệ tử vong tương đối lớn. Vào năm 2003 chúng ta đã chứng kiến đợt dịch rất lớn và nguy hiểm khiến hàng trăm ca mắc và tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, từ đó đến nay nước không có các đợt dịch lớn.

Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ hoặc chết do bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh. Virus cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm cho con người từ động vật.

Bình thường, loại cúm này vẫn lưu hành trên đàn gia cầm, nó có thể lây từ các loại chim hoang dã sang gia cầm nuôi, hoặc có thể lây từ gia cầm nuôi với nhau, sau đó lây từ vùng này sang vùng khác và rất khó khống chế. Virus gây bệnh này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong lên tới 60%. 

Con đường lây nhiễm dễ nhất sang người đó là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh, hoặc sử dụng trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Bên cạnh đó, virus cũng có thể lây truyền qua dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm.

Dấu hiệu của cúm  A/H5N1

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu , virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A. Người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường, dễ bị nhầm lẫn và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn.

Để phân biệt cúm A với cúm A/H5N1, mọi người cần lưu ý, cúm mùa là lây từ người sang người còn cúm A/H5N1 lây từ chim hoang dã hoặc gia cầm sang người, chưa phát hiện lây từ người sang người.

Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau ngực, khó thở, mệt mỏi, cảm thấy rét run, choáng váng đầu óc; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm... Các triệu chứng khác như đau bụng, đau ngực, tiêu chảy.

Lần đầu tiên hàng chục cá thể hổ chết vì cúm A/H5N1 tại Việt Nam, độc lực của loại virus này mạnh đến thế nào?

Làm gì để tự phòng bệnh?

Khi phát hiện những ổ dịch có gia cầm chết người dân phải ngay lập tức báo cáo đến các cơ sở thú y, cơ sở y tế để các cơ quan đó vào cuộc điều tra ngay.

Thứ hai, người dân phải nêu cao ý thức phòng dịch, thực hiện an toàn thực phẩm. Việc nuôi gia cầm phải đảm bảo an toàn trong chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong việc giết mổ của Cục Thú y.

Tiếp đó, người dân phải thực hiện ăn chín, uống chín; phải đeo khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm. Đặc biệt, người dân không nên ăn tiết canh, không ăn thực phẩm gia cầm khi chưa nấu chín và cần phải vệ sinh trong giết mổ, và trong việc làm thực phẩm.

Mọi người đặc biệt lưu ý, khi có dấu hiệu bị sốt, bị viêm nhiễm đường hô hấp khi có lịch sử tiếp xúc với gia cầm thì người dân không nên chủ quan mà cần phải đi đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời.

Khuyến cáo vườn thú không mở cửa cho khách tham quan khu nuôi thú

Đối với trường hợp hàng loạt cá thể hổ chết do virus cúm A/H5N1, trao đổi với báo Lao Động, bà Lê Thị Mai Khanh - Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, Chi cục đã thông báo kết quả xét nghiệm đến Vườn thú Mỹ Quỳnh và các bên liên quan. Mặt khác, hướng dẫn vườn thú thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Chi cục cũng đề nghị vườn thú thông báo cho Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khi có cá thể hổ khác bệnh chết, tiếp tục phối hợp lấy mẫu xác định nguyên nhân đối với các cá thể hổ mới nhập.

Nhiều con hổ tại khu du lịch Vườn Xoài (Đồng Nai) đã chết có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 - Ảnh: A LỘC - Tuổi trẻ Online
Nhiều con hổ tại khu du lịch Vườn Xoài (Đồng Nai) đã chết có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 - Ảnh: A LỘC - Tuổi trẻ Online

Căn cứ trên kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đề nghị Công ty cổ phần Vườn thú Mỹ Quỳnh tiếp tục theo dõi đối với các cá thể hổ còn lại trong đàn, cách ly con bệnh, tổ chức tiêu hủy cá thể hổ bệnh chết theo quy định. Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng liên tục hàng ngày; không nhập, xuất động vật ra vào toàn bộ khu nuôi có hổ, sư tử bệnh, chết. Tổ chức tiêm phòng cúm A/H5N1 đối với các đối tượng động vật khác có khả năng cảm nhiễm trong vườn thú. Hạn chế tiếp xúc, người chăm sóc cần phải được bảo hộ, khuyến cáo vườn thú không mở cửa cho khách tham quan khu nuôi thú cho đến khi hết dịch bệnh.

Chi cục Thú y và Thủy sản tỉnh Long An cũng kiến nghị địa phương chỉ đạo rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tiêm phòng miễn phí cúm gia cầm đợt 2/2024 trên địa bàn huyện Đức Hòa (đặc biệt xã Tân Mỹ, nơi có vườn thú Mỹ Quỳnh). Qua đó, tăng cường thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để người chăn nuôi nắm biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

PV (t/h)

Mexico tuyên bố không còn cúm gia cầm H5N1

Mexico tuyên bố không còn cúm gia cầm H5N1

Chính quyền Mexico tuyên bố nước này không còn cúm gia cầm H5N1 gần một năm sau khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho chim ở các khu vực có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, theo một thỏa thuận được công bố trên Công báo hôm 4/10.