Loại củ giá rẻ, được ví như “nhân sâm trắng mùa đông” nhờ 10 lợi ích sức khỏe tuyệt vời

Chăm ăn loại củ này, cơ thể nhận được nhiều lợi ích bất ngờ.

Củ cải vốn là loại thực phẩm đặc trưng của mùa đông. Hiện nay, củ cải được trồng quanh năm nhưng vụ chính gieo hạt là vào tháng 8-9 (cho thu hoạch sau 60-70 ngày, năng suất đạt trung bình), vụ muộn gieo hạt tháng 10-11 (cho thu hoạch sau 80-100 ngày, năng suất cho cao nhất). Nếu trồng củ cải vào mùa xuân - hè sẽ nhanh được thu hoạch hơn nhưng năng suất thấp nhất.  

Củ cải được chế biến đa dạng trong các món hấp, xào, canh, salad. Muối chua củ cải, làm kimchi hoặc đem phơi khô cũng là những món ngon từ củ cải mà nhiều người yêu thích. Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở việc mang lại cảm giác ngon miệng, củ cải còn thực sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Loại củ này còn được ví như “nhân sâm trắng mùa đông”. 

Theo trang NDTV Food của Ấn Độ, củ cải có tác dụng giải độc gan và dạ dày. Củ cải đen và lá của cây củ cải đen được sử dụng để điều trị bệnh vàng da nhờ tác dụng loại bỏ lượng bilirubin dư thừa trong máu. Củ cải còn có tác dụng làm sạch mạch máu, kiểm soát tình trạng suy giáp nhờ có chứa nhiều lưu huỳnh. Củ cải còn được dùng làm phương thuốc hạ sốt và giảm viêm do sốt. 

Dưới đây là 10 lợi ích sức khỏe khác của củ cải.

Củ cải được ví như
Củ cải được ví như "nhân sâm trắng mùa đông" (Ảnh: Sưu tầm)

10 lợi ích sức khỏe của củ cải

1. Chống ung thư

Cũng giống như các loại rau họ cải, củ cải được cho là có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ phát triển ung thư. Theo Viện Linus Pauling thuộc Đại học Bang Oregon (Mỹ), rau họ cải chứa các hợp chất chuyển hóa thành isothiocyanate khi kết hợp với nước. Isothiocyanate có tác dụng thải loại chất gây ung thư ra khỏi cơ thể và ngăn ngừa sự phát triển của khối u. 

Một nghiên cứu năm 2010 của Đại học Công nghệ Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) phát hiện ra chiết xuất từ củ cải chứa vài dạng isothiocyanate có tác dụng tiêu diệt một số loại tế bào ung thư.

2. Hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh

½ cốc củ cải cung cấp 1g chất xơ. Ăn củ cải là một cách tuyệt vời để bổ sung chất xơ cho cơ thể và giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa. Chất xơ cũng giúp điều chỉnh quá trình sản xuất mật, bảo vệ gan và túi mật. Ngoài ra, chất xơ giúp giữ nước, ngăn ngừa táo bón, kiểm soát lượng đường trong máu, giữ cân nặng ở mức ổn định và giảm mỡ máu.

Nước ép củ cải còn đặc biệt tốt cho dạ dày, bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngăn ngừa loét và viêm.

Nước ép củ cải trắng (Ảnh: Sưu tầm)
Nước ép củ cải trắng (Ảnh: Sưu tầm)

3. Bảo vệ tim

Củ cải giàu anthocyanin. Đây là một hợp chất hữu cơ có lợi cho tim, có tác dụng giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh tim mạch. Ngoài ra, củ cải cũng chứa nhiều vitamin C, axit folic và flavonoid. Tất cả các chất này đều có tác dụng bảo vệ tim mạch.

Củ cải còn là nguồn cung cấp nitrat tự nhiên giúp cải thiện lưu lượng máu.

4. Kiểm soát huyết áp

Củ cải là loại thực phẩm nổi tiếng giàu kali - một khoáng chất có tác dụng giảm huyết áp, kiểm soát lưu lượng máu. Do đó, củ cải rất tốt cho người bị huyết áp cao. 

Theo Ayurveda (một hệ thống y học Hindu truyền thống của người Ấn Độ), củ cải còn có tác dụng thư giãn mạch máu.

5. Cải thiện khả năng miễn dịch

Vitamin C có trong củ cải có tác dụng tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Vitamin C cũng giúp kiểm soát sự phát triển của các gốc tự do có hại. Gốc tự do là nguyên nhân dẫn tới viêm nhiễm và lão hóa sớm. Chỉ ½ cốc củ cải đã cung cấp được 14% lượng vitamin C khuyến nghị trong ngày. 

Củ cải còn có chứa các enzyme như diastase, amylase, myrosinase và esterase có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các loại nấm và virus có hại.

Củ cải còn là một thực phẩm chống nấm tự nhiên nhờ có chứa một loại protein đặc biệt có tên RsAFP2. Một nghiên cứu cho thấy RsAFP2 có tác dụng tiêu diệt nấm Candida albicans ở người. Loại nấm này nếu phát triển quá mức có thể gây viêm phụ khoa, tưa miệng. 

Món ngon từ củ cải (Ảnh: Sưu tầm)
Món ngon từ củ cải (Ảnh: Sưu tầm)

6. Bảo vệ mạch máu

Củ cải là thực phẩm hàng đầu kích thích sản sinh collagen trong cơ thể. Collagen không chỉ có tác dụng chống lão hóa mà còn giúp tăng cường mạch máu, giảm nguy cơ mắc xơ vữa động mạch.

Ngoài ra, củ cải được cho là có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào hồng cầu. Nhờ đó, lượng oxy trong máu cũng được cải thiện.

7. Giúp ích cho quá trình trao đổi chất

Củ cải không chỉ có lợi cho quá trình tiêu hóa mà còn giúp khắc phục các tình trạng như dư thừa axit, béo phì, các vấn đề về dạ dày hoặc buồn nôn.

Các hợp chất hóa học trong củ cải hoặc nước ép củ cải còn có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Loại thực phẩm này giúp tăng cường sản xuất adiponectin tự nhiên trong cơ thể. Adiponectin là một hormone có tác dụng ngăn ngừa tình trạng kháng insulin.

8. Giàu dinh dưỡng

Củ cải chứa nhiều vitamin E, A, C, B6 và K cũng như các chất chống oxy hóa, chất xơ, kẽm, kali, phốt pho, magiê, đồng, canxi, sắt và mangan. Tất cả các chất này đều quan trọng để duy trì một cơ thể khỏe mạnh.

9. Làm đẹp da

Uống nước ép củ cải mỗi ngày là một cách đơn giản để làm đẹp da. Nước ép củ cải chứa nhiều vitamin C, kẽm và phốt pho. Chính vì thế, nó có thể giảm tình trạng khô da, mụn trứng cá, phát ban.

Củ cải sữa chua (Ảnh: Sưu tầm)
Củ cải sữa chua (Ảnh: Sưu tầm)

10. Cấp nước cho cơ thể

Củ cải rất nhiều nước. Do đó, ăn củ cải là một cách để bổ sung thêm một nguồn nước giàu dinh dưỡng và khoáng chất có lợi cho cơ thể mà không hề tốn kém. 

Các cách để thêm củ cải vào chế độ ăn

Đừng chỉ dùng củ cải để nấu những món quen thuộc như hấp, xào, canh hay làm dưa chua. Hãy thêm vài lát củ cải vào bánh mì sandwich; thêm 1-2 muỗng cà phê củ cải cắt nhỏ vào món salad cá ngừ, salad gà; thêm vài lát củ cải nướng vào món bít-tết hoặc bánh mì kẹp thịt; làm món củ cải trộn sữa chua Hy Lạp (¼ cốc củ cải cắt nhỏ, 1 tép tỏi băm, 1 chút giấm,½ cốc sữa chua Hy Lạp. Có thể xay nhuyễn hỗn hợp này và ăn kèm đồ ăn khác).

Lam Chi

Củ cải trắng biến thành chất 'hạ độc cơ thể' nếu ăn sai cách

Củ cải trắng biến thành chất "hạ độc cơ thể" nếu ăn sai cách

Được mệnh danh là "nhân sâm mùa đông", củ cải trắng có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu ăn sai cách lại rước họa vào người.