Mặt nạ làm từ đất sét từ lâu đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong công nghiệp làm đẹp . Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được hết những công dụng làm đẹp tuyệt vời của loại mặt nạ này đối với da và tóc.
Mặt nạ đất sét xuất hiện từ khi nào?
Từ thời tiền sử, đất sét đã được sử dụng để điều trị các bệnh nhẹ như ngộ độc thực phẩm, đau nhức, nhiễm trùng và thiếu khoáng chất. Ở Lưỡng Hà cổ đại, đất sét thậm chí còn được sử dụng để viết chữ hình nêm – chữ viết đầu tiên trên thế giới. Ở Trung Quốc, đất sét thường được dùng để sản xuất đồ gốm.
Sau này, con người đã biết sử dụng đất sét như một sản phẩm làm đẹp. Một số tài liệu bằng văn bản đầu tiên mô tả lợi ích của đất sét có từ thời La Mã (năm 60 TCN). Trong suốt lịch sử, đất sét đã được sử dụng trực tiếp để làm dịu da bên ngoài hoặc phục vụ cho y học và tôn giáo. Vào thời kỳ hoàng kim của mình, người phụ nữ quyền lực nhất Ai Cập – Nữ hoàng Cleopatra đã dùng mặt nạ đất sét để duy trì vẻ đẹp trẻ trung và rực rỡ.
Đất sét đã được con người sử dụng từ rất lâu đời. Ảnh: Getty Images. |
Những lợi ích của mặt nạ đất sét đối với da
Da dầu
Có thể nói mặt nạ đất sét là “cứu tinh” của các cô nàng da dầu. Nhờ khả năng hấp thụ hiệu quả lượng bã nhờn trên da, mặt nạ đất sẽ giúp lỗ chân lông co lại và thông thoáng. Nếu bạn có làn da dầu tự nhiên, thường xuyên đắp mặt nạ đất sét một hoặc hai lần một tuần có thể giúp kiểm soát lượng dầu thừa và làm sạch da đáng kể. Hơn nữa quá trình làm sạch này còn hạn chế được mụn sưng, viêm và mụn đầu đen hiệu quả. Ngoài ra, mặt nạ đất sét có thể thúc đẩy sản xuất các sợi collagen, làm giảm nếp nhăn và tăng độ săn chắc của da.
Da khô
Dưỡng ẩm là một trong những phần quan trọng nhất của quy trình chăm sóc da , đặc biệt là đối với da khô. Cung cấp đủ độ ẩm giúp da mềm mại và khỏe mạnh. Mặt nạ đất sét đỏ được khuyên dùng cho da khô. Khi đất sét cứng lại, nó sẽ tạo ra một lớp màng giúp da bạn giữ ẩm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc sử dụng mặt nạ đất sét trong thời gian ngắn không mang đến sự thay đổi đáng kể về độ săn chắc của da. Lạm dụng mặt nạ đất sét cũng có khả năng làm khô da của bạn. Vì thế, nếu bạn đã có làn da khô, bạn chỉ nên sử dụng mặt nạ đất sét tối đa một lần mỗi tuần.
Mặt nạ đất sét đỏ giúp dưỡng ẩm da. Ảnh: Pexels. |
Mỗi ngày, da bạn phải thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây hại như vi khuẩn, độc tố, khói bụi và môi trường ô nhiễm. Thông thường, các kim loại nặng như thủy ngân và chì cũng có thể được tìm thấy trong không khí ô nhiễm. Chúng bám vào bề mặt da và gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho da. Đất sét thường mang điện tích âm. Điện tích âm này có thể giúp nó liên kết với các chất độc tích điện dương. Vì thế, mặt nạ đất sét có khả năng giúp da thải bỏ các độc tố gây ra mụn, viêm và làm sạch bề mặt da.
Lợi ích của việc sử dụng mặt nạ đất sét cho tóc
Đất sét có thể loại bỏ bụi bẩn, dầu và các tạp chất khác trên da đầu. Vì thế bạn có thể sử dụng nó như một loại dầu gội giúp tóc sạch sẽ mà không lấy đi các loại dầu tự nhiên của da đầu. Ngoài ra đất sét có thể củng cố các mạch máu và tăng cường lưu thông máu đến da đầu của bạn. Mặt nạ đất sét màu xanh chứa một lượng lớn các nguyên tố vi lượng: sắt, magiê, silicon và nhôm. Thông thường, việc thiếu các chất này dẫn đến tình trạng rụng tóc. Ngoài ra, mặt nạ đất sét còn có nhiều lợi ích khác đối với tóc như: trị gàu, phục hồi tóc hư tổn, cải thiện kết cấu sợi tóc và giúp tóc bạn mọc nhanh hơn.
Mặt nạ đất sét giúp da đầu sạch khỏe. Ảnh: Getty Images. |
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE