Một nữ kiến trúc sư đau đáu tình yêu với Hà Nội, với cầu Long Biên

Đó là Nguyễn Nga - người đã 35 năm sống tại Pháp. Chiều 4/10/2024, tại Hà Nội, bà đã ra mắt sách “Cầu Long Biên - cây cầu huyền thoại”

Bà Nguyễn Nga (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Tuyết Nga) sinh năm 1951, sống tại Paris từ 1972, theo học ngành kiến trúc quy hoạch đô thị. Năm 1989, bà về thăm Hà Nội. Khi đạp xe trên cầu Long Biên, đúng lúc gặp một đoàn tàu hỏa chạy qua. Khi đó, bà thấy cây cầu bỗng rung lên, tựa như một con rồng già nua dâng trào ký ức của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

“Cầu Long Biên - cây cầu huyền thoại” là một tập hợp tư liệu quý. Ảnh: L.Q.V
“Cầu Long Biên - cây cầu huyền thoại” là một tập hợp tư liệu quý. Ảnh: L.Q.V

Theo KTS Nguyễn Nga, cầu Long Biên (ban đầu được đặt theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer), là một trong hai cây cầu thép lớn nhất thế giới ở đầu thế kỷ XX, được người Pháp khởi công xây dựng ở năm 1899 và đưa vào sử dụng năm 1902, từng một thời sánh vai với các công trình biểu tượng nổi tiếng trên thế giới như tháp Eiffel ở Paris hay tượng Nữ thần tự do ở New York. Cây cầu này đã đưa Hà Nội qua một bước ngoặt mới bởi đã thay đổi giao thông từ đường sông sang đường bộ, góp phần tạo nên diện mạo đô thị của thủ đô.

Cầu Long Biên còn có dải cầu dẫn dài 896 mét trên 131 nhịp vòm xuyên qua khu phố cổ và chợ Đồng Xuân và một khi, nếu được giải phóng chức năng giao thông đường sắt, dải đường dẫn này sẽ được thiết kế thành một công viên trên cao cho thành phố.

Vào năm 2007, KTS Nguyễn Nga mở “Ngôi nhà nghệ thuật” ở 31A Văn Miếu (Hà Nội). Khi đó, đại diện lãnh đạo ở Cơ quan Phát triển kinh tế Pháp (AFD) đã đến gặp bà và thông báo Pháp đề nghị hỗ trợ Việt Nam 60 triệu Euro (vốn ODA) để cải tạo cầu Long Biên, nhưng qua gần 6 năm, vẫn chưa nhận được trả lời từ phía Chính phủ Việt Nam. Qua tìm hiểu, bà Nguyễn Nga mới biết, từ năm 2006, phía Việt Nam đã có quyết định tháo dỡ cầu Long Biên.

Nữ kiến trúc sư Nguyễn Nga chia sẻ quá trình trăn trở thực hiện dự án tôn tạo cầu Long Biên. Ảnh: L.Q.V
Nữ kiến trúc sư Nguyễn Nga chia sẻ quá trình trăn trở thực hiện dự án tôn tạo cầu Long Biên. Ảnh: L.Q.V

Bởi trăn trở phương cách giữ lại cầu Long Biên, năm 2008, KTS Nguyễn Nga đã phác thảo “Dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên gửi AFD và được đánh giá rất cao. Được tiếp sức, KTS Nguyễn Nga đã kêu gọi cộng đồng làm nghệ thuật trong nước và quốc tế cùng các đại sứ quán, giới truyền thông quốc tế và Việt Nam tổ chức 2 kỳ festival “Ký ức cầu Long Biên” (năm 2009) và “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm” (năm 2010) - đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã tạo được tiếng vang lớn.

Dự án này nhằm nghiên cứu chuyển đổi chức năng giao thông của cầu Long Biên sang chức năng làm văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và du lịch, qua đó sẽ mang lại cho cầu Long Biên những giá trị mới của một bảo tàng đương đại, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn.

Đông đảo các nhà ngoại giao và các cơ quan tại lễ ra mắt sách của KTS Nguyễn Nga. Ảnh: L.Q.V
Đông đảo các nhà ngoại giao và các cơ quan tại lễ ra mắt sách của KTS Nguyễn Nga. Ảnh: L.Q.V

Sau nhiều thăng trầm, vài năm gần đây, dự án của KTS Nguyễn Nga đã được các cán bộ ngoại giao cao cấp của Việt Nam trình bày trước Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đã cho phép bà mang Dự án đi triển lãm ở Italia để quảng bá đất nước, con người Việt Nam qua biểu tượng cầu Long Biên, đồng ý cho xã hội hóa dự án và tạo mọi điều kiện để tiếp nhận đầu tư. Tới năm 2021, nghiên cứu tiền khả thi “Dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên” hoàn thiện với Công ty CP Tư vấn Đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải).

Tác phẩm “Chiều Long Biên” của họa sĩ Hoàng Xuân Hương. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Chiều Long Biên” của họa sĩ Hoàng Xuân Hương. Ảnh: L.Q.V

Dự án đã được trình bày với Đại sứ Pháp tại Việt Nam. Trong dịp được Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp, ông Nicolas Warnery - Đại sứ Pháp tại Việt Nam - đã bày tỏ sẽ thúc đẩy việc hỗ trợ Việt Nam khôi phục cầu Long Biên. Trong chuyến đi thăm Pháp sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức đặt vấn đề Việt Nam mong Pháp giúp bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên. Tới năm 2022, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Thượng viện Pháp, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng đề nghị phía Pháp nghiên cứu, hợp tác và hỗ trợ thực hiện ý tưởng này.

Cuốn sách “Cầu Long Biên - cây cầu huyền thoại” (NXB Mỹ thuật ấn hành) đã được ra mắt trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tiếp quản Thủ đô, do sự phối hợp tổ chức của Công ty CP Bảo tàng Cầu Long Biên, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, thực sự là một tập hợp tư liệu quý về một di sản giữa lòng Hà Nội. Đây là tuyển tập các bài viết và sáng tác thơ, ca, mỹ thuật, nhiếp ảnh của nhiều tác giả trong nước và quốc tế, do KTS Nguyễn Nga làm chủ biên. 

Một góc triển lãm, trưng bày trong khuôn khổ lễ ra mắt sách của KTS Nguyễn Nga. Ảnh: L.Q.V
Một góc triển lãm, trưng bày trong khuôn khổ lễ ra mắt sách của KTS Nguyễn Nga. Ảnh: L.Q.V

Dự lễ ra mắt sách có ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ; ông Nguyễn Trọng Điều, ông Thang Văn Phú - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; bà Vũ Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại UNESCO; ông Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cùng đại diện sứ quán một số nước tại Việt Nam…

Điểm nhấn của lễ ra mắt là phiên đấu giá trực tuyến 20 tác phẩm nghệ thuật về cầu Long Biên. Theo BTC, toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động bán sách và đấu giá tranh sẽ được sử dụng để gây quỹ trùng tu cây cầu và hỗ trợ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vừa xảy ra trong thời gian qua. Triển lãm các bức tranh sẽ kéo dài đến ngày 6/10 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

KTS Nguyễn Nga hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo tàng Cầu Long Biên và trong giai đoạn 2011 - 2024, đơn vị này xây dựng và vận hành Dự án “Bảo tồn, tôn tạo, phát triển cầu Long Biên và khu vực liên quan ở Hà Nội”. Trước đó, trong thời gian sống tại Pháp và khi trở về Việt Nam, bà Nguyễn Nga đã xúc tiến thành lập một số tổ chức văn hóa, xã hội, kinh tế. Hy vọng rằng, đã đến lúc, cầu Long Biên là một bảo tàng sống, với tư cách là một phần cấu thành di sản đô thị của thủ đô, đọng đằm ký ức của thế kỷ XX, sẽ sớm trở thành hiện thực.

Lê Quang Vinh

Cầu Long Biên đang xuống cấp tới mức nào?

Cầu Long Biên đang xuống cấp tới mức nào?

Tính riêng trong tháng 5/2022, trên mặt cầu Long Biên đã 2 lần xảy ra sự cố sụt, thủng, khiến việc lưu thông của người dân bị ảnh hưởng.