Hai hôm nay mạng xã hội lại bùng nổ với kêu gọi tẩy chay MV mới ra của Sơn Tùng-MTP. Tôi chỉ chia sẻ cảm nhận của mình như này:
Một MV ngắn có thể sẽ không thể truyền tải đúng được hết ý tưởng của tác giả đến người xem. Và có thể mỗi người xem sẽ có một cảm nhận khác nhau.
MV mới nhất của Sơn Tùng MTP nhận nhiều phản ứng |
Là một người đã đủ trưởng thành và có tư duy tích cực, tôi lại hiểu rằng Sơn Tùng muốn gửi gắm thông điệp rằng: Những thanh niên lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương, sự quan tâm dễ trở nên hung hăng, hành xử thiếu đúng đắn. Chúng quậy phá để mong muốn thể hiện cái tôi của mình, để thu hút sự quan tâm của người khác. Nhưng rồi những thanh niên ấy không được xã hội đón nhận, bị cho ra rìa xã hội họ sẽ thấy mình không còn chốn dung thân, không nơi nào còn đón nhận mình nữa. Vậy mình sẽ kết thúc cuộc đời, rời xa cõi tạm này chứ sống làm gì. Về góc độ tâm lý học, và cả một phần thực tế, thì điều này đúng.
Tôi nhớ trong 1 bộ phim hình sự Aibo (tiếng Việt là Điệp vụ Tokyo), là một series phim hình sự kinh điển của Nhật, có 1 tập phim tôi ấn tượng đến bây giờ, dù đã xem 7-8 năm trước. Tập phim đó kể về 1 anh chàng bị thất nghiệp, phải làm bán thời gian, mà rồi công việc bán thời gian cũng không còn, anh phải đi lang thang ở các siêu thị để ăn thử đồ ăn miễn phí. Đến nhà trọ vốn dùng làm nơi để anh gửi địa chỉ đi xin việc (xin việc ở Nhật cần phải có địa chỉ để họ gửi hồ sơ về cho mình) cũng bị chủ nhà đuổi đi. Anh đến nhà anh trai xin giúp đỡ cũng bị anh trai từ chối với lí do anh cũng chỉ đủ nuôi được vợ con anh, rồi siêu thị cũng nhẵn mặt không còn cho anh ăn thử đồ ăn nữa...
Cuối cùng anh thấy cuộc đời mình thật vô vọng, anh bị cả xã hội này ruồng bỏ, cho ra rìa nên anh đã lựa chọn phương án là anh tự sát nhưng tạo hiện trường giả là bị giết. Cuối cùng khi điều tra ra chân tướng sự việc, viên thanh tra đã kết luận rằng "anh thanh niên ấy đã bị xã hội này giết chết, bởi sự vô cảm của mình".
Ở một khía cạnh nào đó câu chuyện này cũng có điểm tương đồng với điều mình cảm nhận được ở MV của Sơn Tùng.
Con người ta sẽ không còn động lực sống nếu họ thiếu nơi để về, được ai đó yêu thương. Nếu bị hắt hủi, bị xa lánh, đó là cách dễ nhất để giết chết 1 con người.
Đằng sau cái chết có rất nhiều cách hiểu.
Khán giả của Sơn Tùng có rất nhiều bạn trẻ |
Nhưng khán giả của Sơn Tùng lại là những bạn trẻ, những học sinh còn chưa đủ nhận thức về các hiện tượng tâm lý, xã hội để đưa ra các quyết định. Nếu giả sử em đó rơi vào trạng thái trầm cảm, đang có cảm xúc tiêu cực thì sẽ dễ bị cuốn theo, bắt chước theo hành động dại dột như MV, hoặc buông xuôi bất cần. Đây là điều mà người lớn nên nhìn nhận để lường trước tình huống tiêu cực.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi là: Người lớn chúng ta thường hay lên tiếng thay cho tiếng nói của trẻ em/thanh niên. Chúng ta đưa ra quan điểm và cho rằng trẻ em sẽ bị ảnh hưởng như thế. Nhưng tôi nghĩ người lớn, mà ở đây là cha mẹ và thầy cô hãy hỏi xem các bạn trẻ khi xem MV này các bạn ấy nghĩ như thế nào? Cảm nhận của các bạn ấy là gì. Điều đó sẽ tốt hơn là người lớn chúng ta vội vã đưa ra nhận định và quy chụp rằng nó ảnh hưởng đến trẻ.
Trong một thế giới đầy rẫy những giá trị quan xung đột lẫn lộn như hiện nay, việc để trẻ được đối diện với những vấn đề của mình, được trau dồi tư duy phản biện thay vì bao bọc sẽ tốt hơn.
Bố mẹ có con tuổi teen trở lên, có thể cùng con xem MV và hỏi xem con cảm nhận thế nào về thông điệp mà MV này muốn truyền tải. Đó cũng là cơ hội để con học được bài học về tư duy phản biện. Nếu con có suy nghĩ tiêu cực, bắt chước theo hành động của nhân vật trong MV đó thì bố mẹ nên trò chuyện thêm. Còn nếu như con có cái nhìn khác, hãy coi đó là điều đáng mừng vì nhận thức của con đã đủ khôn lớn.
Trước bất cứ sự việc nào đó chúng ta chưa nên vội vã đưa ra cái nhìn một chiều. Nhất là đối tượng chúng ta đang hướng đến là giới trẻ, bảo vệ giới trẻ. Không nên bao bọc chúng trong giá trị quan của người lớn. Hãy để chúng tự đối diện và phản biện.
Tôi cũng hiểu không phải bố mẹ nào cũng có thời gian để trò chuyện với con như vậy trên. Nhưng dù sao, trước khi đưa ra 1 quan điểm nào đó, hãy thử nhìn đa chiều hơn. Và trách nhiệm của cha mẹ khi đã quyết định sinh con ra, chẳng phải là đồng hành và giúp con trưởng thành mạnh mẽ trước những giông bão của cuộc đời hay sao?
Chúng ta cứ bao bọc con trong thế giới màu hồng, an toàn. Đó là điều không tưởng ở thế giới hiện tại. Chỉ khi chúng ta để trẻ con có đủ khả năng, bản lĩnh nhìn thấu được bản chất sự việc, trẻ con mới có thể làm chủ chính mình, và hướng đến những suy nghĩ và hành động tích cực. Một trong những điều quan trọng để giúp trẻ làm đc điều này đó là đọc sách, xem phim, trải nghiệm những câu chuyện ngoài đời thực, và bố mẹ cùng trò chuyện với con. Nếu đã nhìn thấu được cái xấu, chấp nhận được cái xấu, ta sẽ biết cần làm gì để đời đẹp hơn.
Có thể có nhiều người sẽ không cùng quan điểm với tôi. Nhưng tôi chia sẻ từ góc nhìn của 1 người mẹ dành thời gian quan tâm đến con, muốn nuôi dạy cho con có tư duy phản biện, có góc nhìn đa chiều trước bất cứ sự việc gì.
Tác giả: Aki Nguyễn (Nguyễn Thị Thu)
Tốt nghiệp tiến sĩ ĐH Tsukuba, Nhật Bản. Hiện đang là giám đốc đào tạo hệ thống GD Tsubaki. Chị là chuyên gia giáo dục gia đình, tác giả của các đầu sách hot dành cho cha mẹ "Kỉ luật mềm của trái tim", "Kỷ luật mềm trong gia đình", "Đọc ehon cho bé" đã được rất nhiều bố mẹ yêu thích chọn làm sách gối đầu giường giai đoạn 0-10 tuổi.
Bài viết phản ánh quan điểm tác giả.
Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị gỡ ngay tức khắc MV của Sơn Tùng M-TP trên các nền tảng
Bộ VHTT&DL đã trao đổi với Bộ TT&TT về nội dung MV mới của Sơn Tùng M-TP. Bộ đề nghị các nền tảng xuyên biên giới gỡ ngay tức khắc MV này.