Nam chuyên viên hỗ trợ cộng đồng, "cứu" nhiều bệnh nhân HIV: "Mình chỉ mong mọi người hiểu và không kỳ thị người có H"

"Điều làm mình buồn là nhiều người xung quanh không hiểu và không đồng cảm với công việc của mình...", anh Huỳnh tâm sự.

Đồng hồ điểm 9 giờ tối, anh Ngô Tấn Huỳnh (biệt danh là Huỳnh Sachi, chuyên viên hỗ trợ cộng đồng tại TP.HCM) mới lạch cạch mở cổng ở khu trọ để vào phòng. Mồ hôi lấm tấm trên trán khiến những sợi tóc dính bết lại, anh cười nói: "Hôm nay tăng ca, mình đi phát quà cho các cô chú không nơi nương tựa ở Quận 5, giờ mới về đến nhà, cũng kịp ăn cái bánh mì trong lúc đi từ thiện rồi nên không đói"

Anh Huỳnh đi phát quà cho người dân cơ nhỡ tại TP.HCM. (Ảnh: NVCC)
Anh Huỳnh đi phát quà cho người dân cơ nhỡ tại TP.HCM. (Ảnh: NVCC)

Ngồi bên quán cà phê đối diện nơi sinh sống, anh Huỳnh chậm rãi kể lại những kỷ niệm buồn vui trong nghề làm chuyên viên hỗ trợ cộng đồng, tiếp xúc nhiều với bệnh nhân HIV, người mang bệnh xã hội nói chung.

"Bước chân vào 'nghề' hỗ trợ cộng đồng, mình muốn mang năng lượng tích cực, hạnh phúc đến bất cứ ai, nhất là những người chịu thiệt thòi khi mắc bệnh xã hội như HIV", anh Huỳnh tâm sự.

Nam chuyên viên hỗ trợ cộng đồng,

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. "Là chuyên viên hỗ trợ cộng đồng thì có nhiều công việc không tên lắm. Về cơ bản, mình sẽ tư vấn cho các bạn về bệnh lây truyền qua đường tình dục, xét nghiệm nhanh HIV, hỗ trợ điều trị, dự phòng bằng Prep, tư vấn tâm lý khi bạn bị bệnh, hướng dẫn dùng thuốc... Không chỉ làm offline tại văn phòng mà cũng phải đảm bảo hoạt động online nữa vì những căn bệnh này không phải ai cũng dễ dàng chia sẻ trực tiếp", anh Huỳnh kể. 

Ngoài ra, anh còn lên ý tưởng về các buổi truyền thông tại cộng đồng, trường học, công ty… để mọi người hiểu hơn về bệnh tình dục, giới tính, sức khoẻ sinh sản… nhằm hướng tới giảm kỳ thị giới, bạo lực giới, điều chỉnh tâm lý vị thành niên và cả giảm kỳ thị HIV.

 Anh Ngô Tấn Huỳnh. (Ảnh: NCVV)
 Anh Ngô Tấn Huỳnh. (Ảnh: NCVV)

"Làm chuyên viên hỗ trợ cộng đồng - 'Nghề' tìm đến mình như một cái duyên"

Chia sẻ về thời gian làm chuyên viên hỗ trợ cộng đồng, anh Ngô Tấn Huỳnh cho biết mình thực sự "toàn tâm toàn ý" với "nghề" được 5 năm. Đây thực sự là một cái duyên. Chính công việc này đã chọn lựa anh. 

Trước đó, anh Huỳnh có làm hỗ trợ cộng đồng nhưng chỉ ở một số việc gọi là nghề tay trái, nghề phụ. Thế rồi, sau đại dịch Covid-19, nhận thấy người bị HIV thì còn khổ hơn "gấp vạn lần", anh Huỳnh đã có những quyết định của riêng mình. 

"Họ không thể thiếu thuốc một ngày nào, thế nhưng, tình hình dịch bệnh khiến việc lấy thuốc trở nên vô cùng khó khăn. Khi đói bạn vẫn có thể cầm cự sự sống bằng bát cơm trắng, gói mì tôm, ăn rau... nhưng người có HIV nếu không có thuốc sẽ rất nguy hiểm, có thể có nguy cơ kháng thuốc", anh Huỳnh kể.

Thương người bệnh, anh Huỳnh đã nhanh chóng lập ra chương trình kêu gọi cộng đồng có thể nhận thuốc, gửi thuốc về cho người đang sống với H. Thời điểm đó vô cùng gian nan. Một số bạn hết bảo hiểm y tế ngay mùa dịch mà không biết nên không nhận được thuốc, anh đã lập quỹ hỗ trợ. Và cũng chính lúc này, anh mới thấy số lượng người cần hỗ trợ rất nhiều. 

"Ngay lúc đó, mình luôn nung nấu một điều, sau mùa dịch này, nếu còn sống, mình sẽ ngưng công việc chính để toàn tâm toàn ý hỗ trợ cộng đồng", anh Huỳnh nhớ lại.

Anh Ngô Tấn Huỳnh cho biết mình thực sự
Anh Ngô Tấn Huỳnh cho biết mình thực sự "toàn tâm toàn ý" với "nghề" được 5 năm. (Ảnh: NVCC)

Dịch bệnh qua đi và anh Huỳnh cũng chuyển sang làm chuyên viên hỗ trợ cộng đồng như ngày nào mình mong muốn. Làm "nghề" này, anh không có lương cố định. So với công việc chính trước đây, thu nhập có thể kém hơn nhưng "được nhiều bạn yêu mến". Và anh thấy vui vì điều đó.

Nhờ sự yêu mến đó, anh quyết định lập kênh tiktok cá nhân. Tuy còn ít người theo dõi nhưng kênh của anh được mọi người nhiệt tình ủng hộ để hỗ trợ cộng đồng toàn diện hơn. Anh cười nói: "Dù chỉ còn 1 follow thì mình cũng sẽ làm để truyền trải kiến thức hay, tinh thần tích cực đến cho các bạn trẻ".

Nhiều ca bệnh tìm đến và niềm vui khi giúp đỡ mọi người thành công

"Có nhiều ca bệnh tìm đến với mình", anh Huỳnh tâm sự. 

Đó là một bệnh nhân HIV/AIDS được phát hiện ở giai đoạn muộn, đang lao hạch, lao phổi, phổi hỏng 3/4, tiên lượng rất xấu. Thời điểm đó là vào năm 2020, mùa dịch Covid-19, việc di chuyển rất khó khăn vì có chỉ thị giãn cách xã hội. 

May mắn, anh Huỳnh kết nối được với một bệnh viện bên Quận 5 (TP.HCM), bệnh nhân được thở máy. Nhờ thêm sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên về HIV, anh khởi động ARV cho bệnh nhân. Thời gian ngắn sau đó, sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ cùng tinh thần ham sống, bệnh nhân gắng thở, gắng ăn, gắng uống thuốc. Hiện tại sau 3 năm, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, sống khỏe mạnh và có công việc tốt.

Nam chuyên viên hỗ trợ cộng đồng,

Đó là một bệnh nhân khác với tải lượng 1 triệu, CD4 còn 0, người nổi mụn có dấu hiệu hoại tử, hạch cổ, hạch nách nổi to và bị vỡ, tiên lượng xấu. Tiếp nhận ca bệnh, anh Huỳnh nhanh chóng hỗ trợ đưa vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để tầm soát, điều trị hạch lao, sau đó đưa sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hội chẩn với các bác sĩ để có hướng điều trị.

"Sau 1 tháng, bạn ấy dần khỏe lại, hạch thuyên giảm. Sau 3 tháng, mình vỡ òa khi kết quả CD4 của bạn tăng lên hơn 147, bạn quay về quê tiếp tục công việc", anh Huỳnh nói trong hạnh phúc.

"Khi đưa một người ra khỏi cửa tử thần, người ta sống khỏe mạnh người ta vui, mình thật sự hạnh phúc. Nghề cho mình những trải nghiệm tuyệt vời như thế, sao mà không tâm huyết được?", đó là tâm sự của anh Huỳnh. 

"... Mình chỉ mong mọi người hiểu và không kỳ thị người có H…"

Khi được hỏi điều gì khiến anh còn muộn phiền khi làm nghề hỗ trợ cộng đồng, giọng anh Huỳnh trầm xuống: "Điều làm mình buồn không phải là cơm áo gạo tiền hay không có lương, mà vì nhiều người xung quanh không hiểu và không đồng cảm với công việc của mình. Họ kỳ thị mình và bệnh nhân của mình. Thật sự, mình chỉ mong mọi người hiểu và không kỳ thị người có H. Chưa kể hiện nay nhiều bạn trẻ không ý thức bảo vệ bản thân, trang bị kiến thức dẫn đến nhiễm HIV đáng tiếc, ngay khi còn rất trẻ".

Nam chuyên viên hỗ trợ cộng đồng,

Cũng như nhiều người, ban đầu anh Huỳnh rất sợ về HIV. Nhưng khi được học, tìm hiểu, anh nhận ra bệnh không dễ lây như vậy. Người có H có thể sống tới tuổi thọ tự nhiên, lấy vợ lấy chồng, sinh con bình thường... "Khi hiểu hơn về HIV, mình không còn sợ nữa. Và mình muốn truyền tải thông điệp này để mọi người xóa bỏ kỳ thị với người có H", anh Huỳnh nhắn nhủ.

Trong thời gian làm hỗ trợ cộng đồng, anh Huỳnh tiếp nhận vô số những trường hợp các em mới 14-15 tuổi nhiễm HIV, giang mai, sùi mào gà... Không những thế, còn có những ca nhiễm HIV ở người lớn tuổi. Qua đó, anh muốn nhắn nhủ rằng: "HIV, bệnh tình dục có thể có mặt ở bất cứ đâu, lứa tuổi nào cũng cần giáo dục, bảo vệ".

Trong tương lai, anh Huỳnh Sachi mong muốn mang giáo dục giới tính đến các trường cấp 3, cao đẳng và đại học, muốn vào những trường học và khu công nghiệp để tuyên truyền về sức khỏe sinh sản giới tính, an toàn tình dục cho đông đảo người dân hơn nữa. 

Tiểu Nguyễn

Bộ Y tế vào cuộc vụ nhóm Bông Hồng đen lấy máu 400 học sinh xét nghiệm HIV

Bộ Y tế vào cuộc vụ nhóm Bông Hồng đen lấy máu 400 học sinh xét nghiệm HIV

Nhóm Bông hồng đen tự ý lấy máu của hơn 400 người ở Hải Phòng, sau đó, đưa mỗi trường hợp 100.000 đồng.