“Nể" cách vợ chồng tiết kiệm để mua đứt nhà 2,2 tỷ: Lương 40 triệu nhưng chỉ tiêu 8 triệu, nghỉ lễ cũng chăm đi làm

Cả hai vợ chồng đã sớm trả hết nợ mua nhà nhờ quyết tâm cao và nỗ lực sống tiết kiệm.

Bí quyết mua được nhà trước tuổi 30: Lương 40 triệu nhưng chỉ tiêu 8 triệu

Giá bất động sản tăng cao theo từng ngày ở thành phố lớn khiến giấc mơ “an cư lạc nghiệp" của nhiều vợ chồng trở nên xa vời. Cũng vì thế, có những người trẻ đã học cách quản lý tài chính, chấp nhận sống tiết kiệm hơn, tính toán từng đồng một trong chi tiêu để sớm hoàn thành mục tiêu mua được nhà. Câu chuyện của cặp vợ chồng cùng sinh năm 1996, ở Hà Nội dưới đây là một trong số đó.

Mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội, người vợ đã chia sẻ câu chuyện mua nhà của mình và nhận được nhiều quan tâm. Theo đó, cô nàng làm kế toán, còn chồng là kỹ sư, nhận tổng lương trung bình 40 triệu/tháng. Hai người kết hôn năm 2002, đến cuối năm họ đã bàn với nhau cùng mua chung cư để ổn định cuộc sống. 

Bài đăng chia sẻ hành trình mua nhà của cặp vợ chồng cùng sinh năm 1996 nhận được nhiều quan tâm
Bài đăng chia sẻ hành trình mua nhà của cặp vợ chồng cùng sinh năm 1996 nhận được nhiều quan tâm

Hành trình mua nhà của cặp vợ chồng được chia sẻ cụ thể như sau:

Vợ chồng tính toán, số tiền cả hai tích góp được từ lúc đi làm, kết hợp với tiền mừng sau đám cưới là khoảng 1,3 tỷ đồng. Sau đó, họ đi tham khảo các dự án chung cư ngoài trung tâm thành phố và tìm được căn hộ ưng ý. Đó là căn hộ rộng 55m2, mua theo hình thức chuyển nhượng với giá 2,2 tỷ đồng.

Trong số tiền mua nhà, họ góp hết 1,3 tỷ đồng tiền tiết kiệm; kết hợp với vay mượn thêm 600 triệu đồng từ họ hàng, bạn bè; còn lại là được bố mẹ hai bên hỗ trợ. Tiền thưởng Tết Nguyên đán năm đó, họ dùng hết để làm nội thất.

Từ tháng 2/2023, họ bắt đầu tích cóp trả nợ mua nhà, với mục tiêu “trả hết nợ càng sớm càng tốt". Cho đến tháng 3/2024, cặp đôi chính thức trả hết nợ, bớt đi một mối lo và có thể tập trung tiền nong cho các dự định lớn khác.

Để trả hết nợ, hàng tháng với tổng thu nhập trung bình 40 triệu đồng, họ chỉ dành khoảng 8 triệu cho chi phí sinh hoạt. Còn lại bao nhiêu, họ để dành gửi tiết kiệm để trả nợ. Bên cạnh đó, nếu có tiền lương thưởng thì hai vợ chồng sẽ để dành để trả nợ mua nhà. Đồng thời, họ cũng lên kế hoạch trả nợ từng người một cách cụ thể.

“Những ngày tháng nợ nần không hiểu sao động lực kinh thế, chỉ có ngày đi làm, tối về nhà. Ngày lễ cũng đi làm, không đi ăn ngoài sang xịn, cũng ít khi mua quần áo mới, muốn mua gì cũng đắn đo suy nghĩ. 

Đến giữa năm cái em có em bé, hai đứa phải để ra khoản riêng mỗi tháng đi khám, ăn uống thuốc thang các thứ cũng tốn hơn, rồi tiền đi đẻ các thứ nữa. May mà đâu cũng vào đó. Tháng 3 năm nay hai vợ chồng em đã chính thức trả xong nợ. Hai đứa cũng đỡ đi một nỗi lo lớn, rồi giờ lại tiếp tục những mục tiêu khác”, cô nàng tâm sự.

Trong phần bình luận, phần lớn mọi người đều dành lời khen cho quyết tâm mua nhà và nỗ lực tiết kiệm của cặp đôi. Một số ý kiến khác cũng bày tỏ rằng, thật may cặp đôi đã nỗ lực mua nhà từ sớm, nếu không thì đến hiện tại, việc mua nhà sẽ khó khăn hơn vì giá bất động sản tăng cao.

Một số bình luận bên dưới bài đăng:

- Đúng là đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn. Chỉ cần có mục tiêu là sẽ có động lực bạn nhỉ.

- Cũng cùng tuổi vợ chồng mình mà bạn giỏi quá. Vợ chồng mình cũng chắt bóp chi tiêu mà tháng nào cũng chi gấp đôi bằng kia mới đỉ. Xin vía vén khéo của vợ chồng bạn nha.

- Hai vợ chồng chi tiêu giỏi, thực sự quá là giỏi luôn. Tiêu 8 triệu/tháng ở Hà Nội thì mình quá là phục.

- Mua được nhà và trả nợ xong trước khi có con là lý tưởng nhất rồi. May mà nhanh tay không thì giờ không đua nổi với giá nhà. Chúc mừng vợ chồng em nhé, sớm biết tích lũy và quyết tâm cao.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nên vay mua nhà khi có bao nhiêu tiền để không gặp áp lực tài chính?

Trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao, vay tiền mua nhà là cách để vợ chồng nhanh chóng hoàn thành ước mơ “an cư lạc nghiệp". Tuy nhiên, lãi suất cho vay tại các ngân hàng và thị trường việc làm đều biến động lớn, khiến nhiều người không khỏi băn khoăn: Nên vay mua nhà khi có bao nhiêu tiền để không gặp áp lực tài chính.

Một trong những quy tắc có thể giúp bạn là “28/36”. Quy tắc 28/36 có nguồn gốc từ các ngân hàng Mỹ, thường được dùng để xem xét các khoản vay thế chấp mua nhà không được chính phủ hậu thuẫn. Quy tắc này vừa giúp phía ngân hàng chọn lọc được khách vay có khả năng chi trả tốt, vừa giúp người đi vay mua nhà tự cân nhắc khả năng tài chính của bản thân.

Theo quy tắc 28/36: Bạn chỉ nên dành tối đa 28% tổng thu nhập hàng tháng của mình cho khoản vay mua nhà, và tối đa 36% thu nhập cho toàn bộ các khoản vay khác.

Ví dụ: Thu nhập hàng tháng của bạn là 30.000.000 đồng. Như vậy, trong 1 tháng:

Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho khoản vay mua nhà là: 30.000.000 x 28% =8.400.000.

Số tiền tối đa mà bạn nên dành cho tất cả các khoản nợ khác (bao gồm cả nợ vay mua nhà) là: 30.000.000 x 36% = 10.800.000.

Trong trường hợp bạn không có khoản nợ nào khác ngoài tiền vay mua nhà, bạn có thể cân nhắc tăng tỷ lệ vay mua nhà lên thành 36%/tổng thu nhập hàng tháng.

Ngược lại, nếu bạn cần chi trả 20 triệu/tháng cho khoản vay mua nhà và 4 triệu/tháng cho các khoản vay còn lại, tổng nợ phải trả hàng tháng của bạn là 24 triệu. Vậy mức thu nhập bạn cần có để đảm "độ an toàn" khi trả khoản nợ 24 triệu này là: 24.000.000/28% = 85.800.000.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Việc áp dụng quy tắc 28/36 trong quản lý nợ nần nói chung và nợ vay mua nhà nói riêng giúp bạn tính toán và cân đối được số tiền mình phải trả nợ, với tổng thu nhập; từ đó, giảm bớt áp lực tài chính trong quá trình trả nợ, đồng thời, đảm bảo khoản vay này không có quá nhiều tác động tới những nhu cầu cơ bản cần dùng đến tiền trong cuộc sống hàng ngày.

Tính chất các khoản vay mua nhà là kỳ hạn dài, trung bình 10-15 năm. Trong quá trình ấy, hoàn toàn có thể có những yếu tố phát sinh như ốm đau, thất nghiệp, giảm lương, giảm thu nhập,... Không ai có thể chắc chắn trong 1-2 thập kỷ tới, mức thu nhập của mình chỉ có giữ nguyên hoặc tăng, chứ không giảm.

Số tiền vay mua nhà chiếm tỷ trọng quá lớn (trên 36% tổng thu nhập) là rủi ro khá cao, vì khoản nợ sẽ là khoản tiền duy nhất cố định trong thời gian vay, còn thu nhập, tiền lương, khả năng kiếm tiền của bạn,... thì chưa chắc sẽ tăng trưởng ổn định trong suốt quá trình này.

Nguyệt

Sẵn tiền cũng đừng vội mua nhà: Trước tiên phải làm rõ 3 điều này nếu không muốn gánh nợ còng lưng!

Sẵn tiền cũng đừng vội mua nhà: Trước tiên phải làm rõ 3 điều này nếu không muốn gánh nợ còng lưng!

Để đầu tư bất động sản thành công, bước 1 chính là làm rõ được 3 điều này.