Trong Chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã thả hơn 8 triệu tấn bom và rải 74 triệu lít Chất độc da cam và các loại thuốc diệt cỏ khác ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Gần 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc, những vết thương do bom mìn và chất độc da cam vẫn còn dai dẳng. Vũ khí chưa nổ tiếp tục gây thương vong, trong khi dioxin – một thành phần độc hại trong chất độc da cam – vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư và dị tật bẩm sinh cho các thế hệ sau.
Sử dụng công nghệ hiện đại để soi lại quá khứ
Việt Nam là một trong những quốc gia hiện có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao trên thế giới. Ước tính số bom đạn sau chiến tranh để lại ở Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Theo thống kê đến năm 2023, sau hàng chục năm tiến hành rà phá bom mìn, Việt Nam hiện vẫn còn khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với 17,71% diện tích còn bị ô nhiễm, cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại mầu xanh cho những vùng đất, cuộc sống an toàn cho nhân dân.
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã sử dụng ảnh vệ tinh quân sự được giải mật để xác định các khu vực có nguy cơ cao, nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên của Liên đoàn Địa vật lý Hoa Kỳ (AGU). Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Hành động Bom mìn Quảng Trị, nghiên cứu này cung cấp công cụ hữu ích cho việc đánh giá và giảm thiểu rủi ro do bom mìn, vật liệu chưa nổ để lại.
Trong các chiến dịch bí mật, máy bay Hoa Kỳ đã rải chất độc màu da cam và các loại thuốc diệt cỏ khác để gây rụng là, phá hoại mùa màng. Ảnh: science.org |
Hiện tại, việc xác định các khu vực nguy hiểm gặp nhiều thách thức do sự phát triển của thảm thực vật và thiếu thông tin chính xác về các hoạt động ném bom và phun thuốc diệt cỏ trong quá khứ.
Để khắc phục điều này, nhóm nghiên cứu do Philipp Barthelme, nghiên cứu sinh tại Đại học Edinburgh, dẫn đầu đã sử dụng ảnh vệ tinh độ phân giải cao từ các chương trình KH-9 HEXAGON và KH-4a/b CORONA.
Mặc dù dữ liệu vệ tinh không thể xác định được bom chưa nổ, các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng chúng có nhiều khả năng được tìm thấy ở những khu vực bị ném bom dữ dội. Các hố bom từ những quả bom phát nổ nổi bật trên hình ảnh vệ tinh như những đốm trắng sáng. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy học, một loại trí tuệ nhân tạo, để xác định hơn 500.000 hố bom như vậy ở tỉnh Quảng Trị, Việt Nam, nơi bị ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh, cũng như một khu vực gần biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia.
Những quả bom được thả xuống trong Chiến tranh Việt Nam đã để lại những hố bom trông giống như những điểm sáng trong hình ảnh vệ tinh được giải mật. Ảnh: science.org |
Nghiên cứu cũng tập trung vào việc xác định các vùng bị phun thuốc diệt cỏ ở miền Nam Lào. Bằng cách phân tích các vùng rụng lá trên ảnh vệ tinh, nhóm nghiên cứu đã tạo ra bản đồ chi tiết về hoạt động phun thuốc, hỗ trợ việc lấy mẫu đất để đánh giá tác động và rủi ro kéo dài của dioxin.
Ứng dụng cho các cuộc xung đột hiện đại
Phương pháp này cũng có thể được áp dụng để theo dõi tác động của các cuộc xung đột hiện đại. Sergii Skakun, nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland, đã sử dụng ảnh vệ tinh để phân tích thiệt hại nông nghiệp do chiến sự ở Ukraine, xác định hơn 3,8 triệu hố pháo trên diện tích 31.000 km vuông.
Theo Corey Scher, Đại học Thành phố New York, việc sử dụng ảnh vệ tinh để nghiên cứu xung đột là một lĩnh vực mới nổi, có tiềm năng nâng cao nhận thức cộng đồng về quy mô và hậu quả của chiến tranh, đồng thời góp phần cứu sống con người.
Nghiên cứu sử dụng ảnh vệ tinh đã mở ra hướng đi mới trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân và phục hồi môi trường. Công nghệ này cũng có thể được ứng dụng rộng rãi để giám sát và đánh giá tác động của các cuộc xung đột trên toàn cầu.
Nga sử dụng máy rà phá bom mìn từ xa, độc nhất vô nhị trên thế giới
Trong cuộc tập trận ở Vùng Altai, lần đầu tiên lộ trình di chuyển của hệ thống tên lửa mặt đất di động "Yars" được chuẩn bị bằng cách rà phá bom mìn và thiết bị nổ từ xa nhờ "súng" điện từ, Bộ Quốc phòng Nga thông báo với các phóng viên.