Theo GLOBOCAN năm 2022, tình trạng mắc và tử vong do ung thư toàn cầu có xu hướng gia tăng đáng lo ngại với gần 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, số ca mắc và tử vong đang ở mức báo động. Việt Nam ghi nhận 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư. Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 20 về tỷ lệ mắc mới tại châu Á, và thứ 101 trên toàn cầu. Đây là một gánh nặng lớn đối với cả gia đình bệnh nhân và hệ thống y tế quốc gia.Cho tới nay, hóa trị liệu hiện vẫn là một trong những phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này thường gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như mệt mỏi, rụng tóc, giảm sức đề kháng và tổn thương các tế bào lành. Điều này là do thuốc hóa trị, khi đưa vào cơ thể, không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn.Trước những hạn chế này, công nghệ nano đã mở ra hướng đi mới với các hệ chất mang nano dẫn truyền thuốc, trong đó liposome nổi bật là một hệ chất mang nano đầy triển vọng. Liposome có cấu trúc hình cầu với lớp màng phospholipid kép bao bọc nhân bên trong, có khả năng chứa và vận chuyển cả các thuốc tan trong nước và tan trong dầu. Một số sản phẩm liposome đã được thương mại hóa, như Doxil®, AmBisome®, DaunoXome®, đã chứng minh tính hiệu quả và tiềm năng ứng dụng trong điều trị ung thư. Mặc dù vậy, liposome thông thường vẫn còn tồn tại các nhược điểm như độ ổn định kém, khả năng mang thuốc thấp và không có khả năng hướng đích chủ động.Để khắc phục những hạn chế này, GS.TS. Nguyễn Đại Hải cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tổng hợp hệ liposome gắn tác nhân hướng đích ứng dụng trong điều trị ung thư”, mã số UDPTCN 02/22-24. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá xếp loại Xuất sắc.Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm các nhà khoa học Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng đã tổng hợp thành công hệ liposome gắn tác nhân hướng đích bằng phương pháp hydrat hóa màng mỏng lipid, kích thước hạt được giảm bằng cách áp dụng các kỹ thuật tiên tiến như siêu âm, ép đùn, và đồng hóa áp lực cao. Các polymer tương thích sinh học (gelatin, chitosan, polyoxyethylene (100) stearyl ether, polyethylen glycol) được gắn với acid folic tạo thành các vật liệu hướng đích phủ lên bề mặt liposome để tăng độ ổn định, thời gian lưu thông trong máu và khả năng hướng đích tế bào ung thư.
Ảnh bằng độc quyền sáng chế số 41625 |
Các nhà khoa học cũng nghiên cứu thành công 01 quy trình tổng hợp hệ liposome gắn tác nhân hướng đích và 01 quy trình nang hóa thuốc vào hệ liposome. Ngoài ra, đề tài có được 01 bằng giải sáng chế số 41625 “Quy trình tổng hợp vật liệu gelatin- polyethylen glycol-axit folic (Gel-PEG-FA) dùng trong tổng hợp nano hướng đích, vật liệu (Gel-PEG-FA) thu được từ quy trình này và quy trình tổng hợp liposom được biến tính bề mặt bằng vật liệu Gel-PEG-FA này”; Quyết định số 24345/SHTT-SC.IP, ngày 28/03/2024; Đào tạo 02 học viên cao học làm luận văn Thạc sĩ; Công bố 02 bài báo trên tạp chí thuộc ISI là Journal of Applied Polymer Science và ACS Applied Bio Materials.
Nga đăng ký loại thuốc mới điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Thuốc tích lũy có chọn lọc trong xương, kể cả xương di căn, mang lại tác dụng chống ung thư cục bộ cao.