Từ trước đến nay, nhắc đến Victor Vũ thì người xem luôn nghĩ đến những bộ phim mang màu sắc kinh dị, rùng rợn hay plot twist tung trời như Scandal: bí mật thảm đỏ (2012), Quả tim máu (2014) hay ít nhất là Người bất tử (2018), Thiên thần hộ mệnh (2021). Tuy nhiên, việc thay đổi nguyên tác Hồ oán hận để Người vợ cuối cùng tập trung vào tình cảm thay vì tâm linh đã khiến anh bộc lộ rõ điểm yếu.
Người vợ cuối cùng bắt đầu khi Linh (Kaity Nguyễn) trở thành vợ ba của quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng). Sau 7 năm, cô chỉ sinh cho ông được đúng một đứa con gái nên phải sống như kẻ hầu người hạ trong nhà. Một lần tình cờ, Linh gặp phải người yêu cũ là Nhân (Thuận Nguyễn) ngoài chợ. Cả hai lén lút nối lại tình xưa nhưng đồng thời cũng đối mặt với vô vàn biến cố.
Sự chỉn chu trong bối cảnh, trang phục
Trước khi phim ra rạp, Victor Vũ là ê-kíp tỏ ra tự tin trong việc tái hiện bối cảnh. Và họ đã làm được điều đó. Hồ Ba Bể đẹp đến mê hồn với những mảng xanh của đồng lúa đan xen với nước và núi non vô cùng hoành tráng. Hình ảnh làng quê Bắc Bộ hiện lên rất sống động với những trang phục cầu kỳ, chỉn chu đến từng chi tiết. Cảnh họp chợ, tạo hình các nhân vật đều như bước ra từ những hình ảnh tư liệu xưa.
Những góc quay của Victor Vũ cũng rất đẹp. Vốn có kinh nghiệm từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) hay Mắt biếc (2019), anh mang đến cho khán giả nhiều khung hình đẹp miên man. Mỗi phân đoạn đều có sự đầu tư rõ rệt, cách đi đứng, từng vật dụng xung quanh hay trang sức trên người nhân vật, ánh sáng đều có sự chăm chút.
Nhưng tất cả chỉ dừng ở đó. Yếu tố văn hóa trong phim dường như chỉ được thể hiện ở bề nổi. Người vợ cuối cùng thiếu vắng hẳn những thú vui thường ngày, những trò chơi dân gian của cả trẻ em và người lớn thời xưa. Những lễ hội làng xã Bắc Bộ không hề xuất hiện. Hay cuộc sống thường nhật, sinh hoạt của quan lại, người dân đều vắng bóng.
Thậm chí, những cảnh nóng mà Người vợ cuối cùng quảng bá rầm rộ trước khi ra rạp cũng không thật sự ấn tượng. Đúng là Victor Vũ có cài cắm ẩn ý về chiếc thòng lọng mà quan tri huyện dùng để kéo chân Linh cho dễ đậu thai hay sự tương phản khi cô làm tình với Đức Trọng và Nhân. Song, đây là những chi tiết vô cùng hiển nhiên trong điện ảnh. Một đạo diễn ít tên tuổi nhưng qua trường lớp cũng có thể làm được. Cái khán giả cần là sự tinh tế trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật thì lại không có. Phim bị lơ lửng giữa sự trần trụi, tiết chế để che chắn cho diễn viên và bộc lộ sự nồng nhiệt mà không có cách nào giải quyết triệt để.
Một chi tiết khiến khán giả khó chịu khác chính là phần thoại của Người vợ cuối cùng rất khiên cưỡng. Dường như phim dịch sát nghĩa từ tiếng Anh ra tiếng Việt để các diễn viên đọc trả bài chứ không phải cách nhân vật trò chuyện với nhau thường ngày. Phần âm nhạc cũng khá lạc quẻ khi không hề phù hợp với cảm xúc của cảnh phim mà xuất hiện vô tội vạ.
Kịch bản nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn
Nguyên tác Hồ oán hận vốn mang màu sắc tâm linh, trinh thám. Song, Victor Vũ lại chỉ “lấy cảm hứng” và chuyển Người vợ cuối cùng sang thể loại tình cảm. Tuy nhiên, đạo diễn cho thấy rõ sự đuối sức. Kịch bản của phim không hề mới mẻ. Câu chuyện cô gái bị gả làm vợ lẽ cho quan già rồi nhớ thương, ngoại tình với người khác xuất hiện trong vô số phim từ Đông sang Tây, cả truyền hình lẫn điện ảnh. Hay gần đây nhất thì Vợ ba (2018) cũng có nội dung gần như tương đồng. Ấy vậy mà Victor Vũ lại không mang đến một thứ gì đó hứa hẹn hay khiến khán giả mong đợi. Phim được kể theo một mạch tuyến tính, không có nhiều nút thắt hay sự kịch tính nào.
Người vợ cuối cùng cũng chứa đầy những tình tiết bất hợp lý. Gần nửa thời lượng đầu phim chỉ tập trung xoay quanh việc Linh và Nhân ngoại tình với nhau mà chẳng gặp một trở ngại nào. Mọi thứ diễn ra với hai nhân vật chính quá dễ dàng. Chỉ cần gặp lại Nhân nói vài câu vào buổi sáng thì tối đó, Linh chạy ngay đến nhà anh kể rõ đầu đuôi rồi lại làm hòa.
Cả hai gặp nhau không chút lén lút gì và chẳng hiểu sao Linh đang là vợ bé nhà quan, lại gánh trọng trách sinh con nối dõi nhưng thoải mái về thăm gia đình liên tục mà chẳng ai nghi ngờ, cấm đoán. Những tình huống mối quan hệ của họ suýt bị phát hiện cũng không thật sự cao trào như cách Victor Vũ từng làm với nhiều phim trước.
Đến giữa phim, Người vợ cuối cùng có thêm một chút yếu tố trinh thám. Đây có lẽ là những phút giây hấp dẫn nhất phim khi mang đến chút cảm giác hồi hộp. Tiếc thay, chúng qua nhanh như một cơn gió. Đoạn cuối phim, mọi thứ lại được giải quyết một cách đơn giản, nặng tính sắp đặt.
Kaity tỏa sáng nhưng không ăn nhập với phần còn lại
Kể từ Em chưa 18 (2016), Kaity Nguyễn đã chứng tỏ được năng lực diễn xuất của bản thân trong mắt khán giả và cả người trong nghề. Đến Người vợ cuối cùng, nữ diễn viên sinh năm 1999 có màn thể hiện xuất sắc hình ảnh một cô gái phải chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống. Linh trong nhà quan tri huyện nhỏ nhẹ, cam chịu và phẫn uất. Nhưng khi ở bên Nhân, cô mới là chính mình, hồn nhiên, lém lỉnh và cảm xúc.
Đặc biệt, biểu cảm đôi mắt của Kaity rất tốt. Nhiều cảnh phim, cô để cho khán giả hiểu được sự khao khát và không dám nói nên lời hay nỗi buồn khi phải sống cuộc đời lén lút, không như ý muốn. Nhân vật Linh có rất nhiều cung bậc cảm xúc và nội tâm phức tạp nhưng đều được Kaity Nguyễn truyền tải tốt đến người xem.
Tiếc thay, Thuận Nguyễn chỉ ở mức tròn vai. Hay nói đúng hơn là tính cách của Nhân không đủ thú vị để khán giả nhớ đến. Xuyên suốt bộ phim, anh chàng chỉ có một nhiệm vụ là yêu và nói lời yêu thương Linh. Phim dành cho cả hai nhiều khoảnh khắc chung nhưng lại không đủ sâu sắc để cảm nhận được tình yêu đến mức sống chết của họ. Đồng thời, phân đoạn về giai đoạn mối tình giữa họ nảy nở cũng được xây dựng khá sơ sài. Do đó mà ngoài cảnh nóng ra, Linh và Nhân thật sự không có một hình ảnh đáng nhớ nào.
Kiên của Quốc Huy cũng là một điểm nhấn khác. Vị quan tra án có phong thái đĩnh đạc, cách nói chuyện nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý và châm biếm sâu sắc. Chỉ bằng lời nói hay ánh mắt sắc bén, anh cũng có thể dễ dàng khiến người đối diện cảm thấy bất an và không rõ có bị phát hiện ra lời nói dối hay không.
Quan tri huyện Đức Trọng là một kẻ gian ác, luôn cúi kẻ trên và hành hạ người dưới. Nhưng gã cũng chịu áp lực vì những lời đồn đại là vô sinh. Bà cả thì hiểm độc, cay nghiệt nhưng cũng vì kiếp chồng chung. Bà hai Mẫn thì lại sống có tình cảm hay trêu chọc mọi người.
Đây đều là những nhân vật thú vị nhưng tiếc là lại bị kịch bản cắt đất diễn một cách tàn nhẫn. Không những thế, NSƯT Quang Thắng và NSƯT Kim Oanh lại mang nét diễn hài đặc trưng từ những tiểu phẩm Tết ngoài Bắc. Ngược lại, nét diễn của Đinh Ngọc Diệp, Kaity Nguyễn hay Thuận Nguyễn lại đậm chất Nam Bộ khiến mọi thứ không hề ăn nhập. Mỗi khi họ xuất hiện chung, khán giả lại cảm thấy có gì đó gượng gạo, không “ăn rơ” với nhau giữa màu sắc của các nhân vật.
Chấm điểm: 3/5
Nhìn chung, Người vợ cuối cùng cho thấy Victor Vũ vẫn có sự kỳ công trong việc nghiên cứu văn hóa, trang phục và xây dựng bối cảnh cổ trang. Song, một bộ phim thuần tình cảm dường như không phải thế mạnh của anh. Tiếc cho một dự án được khán giả kỳ vọng rất nhiều khi quy tụ hai cái tên nổi đình nổi đám là Victor Vũ và Kaity Nguyễn nhưng kết quả thì lại không như mong muốn.
"Người vợ cuối cùng" hé lộ hậu trường: Kaity Nguyễn diễn đỉnh nhưng vẫn lo sợ không hợp vai vì một điều
Kaity Nguyễn cho biết rất lo lắng khi nhận lời đóng chính phim "Người vợ cuối cùng" của Victor Vũ vì không tự tin vào tiếng Việt của mình.