Tiếng sét trong mưa là phim truyền hình được chuyển thể từ vở kịch kinh điển Trung Quốc Lôi Vũ (tác gia Tào Ngu).
Vở kịch Trung Quốc được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất
Ra mắt năm 1934, Lôi Vũ được coi là viên gạch mở đường cho kịch chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc, và là tượng đài của kịch hiện đại Trung Quốc. Dịch giả nổi tiếng Trung Quốc Lê Liệt Văn nói: "Nhờ Lôi Vũ, tôi mới tin Trung Quốc có kịch hiện đại"
Tác giả Tào Ngu (Nguồn: baike) |
Tào Ngu từng nói Lôi Vũ là một tác phẩm“không hề có những ngày nắng. Nhân vật của Lôi Vũ không ai tốt hay xấu hoàn toàn. Cuối cùng sai hay đúng, có tội hay vô tội đều cùng phải gánh hậu quả.
Đỉnh cao của vở kịch chính là ở đầu màn 2, khi Thị Bình gặp lại người con trai đầu Chu Bình sau hơn 20 năm xa cách, trong hoàn cảnh Chu Bình đang đánh đập Đại Hải. Tâm trạng hỗn loạn của Thị Bình được Tào Ngu viết rất xúc động.
Đại Hải không ngừng la mắng Chu Bình, bị Chu Bình cho 2 cái bạt tai. Còn Thị Bình khóc, vừa tiến gần người con trai cả, nửa muốn nhận, nửa không dám, chỉ dám bật ra: “Cậu là Bình… sao lại đánh con tôi”. Chỉ một câu đó chứa chất bao nỗi niềm. Tào Ngu đã mô tả Thị Bình khóc không ra nước mắt. Phân đoạn này ở "Tiếng sét trong mưa" đã chuyển thành cảnh gặp gỡ giữa Thị Bình và cậu Ba (tương ứng với Chu Phác Viên).
Phân đoạn Thị Bình quỳ xin cho con trai được cải biên trong Tiếng sét trong mưa |
Lôi Vũ cũng là tác phẩm kịch nói Trung Quốc được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới nhất. Tuy là vở kịch Trung Quốc nhưng lần đầu Lôi Vũ lại được công diễn tại Nhật Bản bằng tiếng Nhật, do một nhóm kịch của các lưu học sinh Trung Quốc tại Nhật trình diễn.
Năm 1987, Tào Ngu nhận Huân chương danh dự của Pháp, một phần lớn là nhờ kịch Lôi Vũ. Năm 1944, Lôi Vũ được dịch ra tiếng Việt qua bản dịch của GS Đặng Thai Mai.
Phồn Y mới là nữ chính
Phồn Y là nhân vật được tác giả chăm chút và mang màu sắc sân khấu nhất. Tác giả mô tả Phồn Y khi mới xuất hiện: “Gương mặt trắng xanh xao, chỉ có đôi môi đỏ hồng. Đôi mắt u tối, sống mũi cao khiến người ta sợ hãi. Ánh mắt của cô mang nỗi thống khổ oán hận của người đàn bà trẻ tuổi tràn đầy thất vọng”. Hay “Cô ấy yêu ai thì đối xử như một con chó đói 3 ngày liền gặm khúc xương ưa thích. Cô ấy hận ai thì sẽ như con chó dữ cắn xé tơi tả, không một tiếng động mà ăn thịt người đó”
Năm 1996, Trung Quốc ra mắt bộ phim truyền hình Lôi Vũ của đạo diễn Lý Thiếu Hồng. Phim quy tụ dàn diễn viên thực lực, nhiều người trong số đó khá quen mặt với khán giả Việt Nam như Quy Á Lôi (vai Thị Bình), Triệu Văn Tuyên (vai Chu Bình), Điền Hải Dung (vai Tứ Phượng), Vương Cơ (Vai Phồn Y). Với Phồn Y, Vương Cơ năm đó đã nhận giải Kim Ưng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Dàn diễn viên chính trong phim truyền hình Lôi Vũ 1986 của Trung Quốc |
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu khi làm phim điện ảnh Hoàng kim giáp có thừa nhận lấy cảm hứng từ Lôi Vũ. Tuy nhiên, ông đã chuyển bối cảnh từ thời kỳ cận đại về thời Ngũ đại thập quốc. Trong đó, Châu Nhuận Phát đóng vai của Chu Phác Viên, Củng Lợi mang dáng dấp Phồn Y, Châu Kiệt Luân là hình ảnh Lỗ Đại Hải, Lưu Diệp diễn tâm lý Chu Xung, Lý Mạn là Lỗ Tứ Phượng ngây thơ. Nội dung Hoàng kim giáp và kết cục cũng không khác Lôi vũ nhiều. Trong bộ phim này, vai diễn Vương phi của “Mưu nữ lang” Củng Lợi – tương ứng với Phồn Y – cũng là nữ chính.
Một bản phim ít người biết đến là bản điện ảnh do Hong Kong sản xuất năm 1957. Điều thú vị là vai Chu Xung được giao cho tài tử Lý Tiểu Long. Năm đó Lý Tiểu Long mới 17 tuổi, vai diễn của anh chỉ có vài phân đoạn.
Lý Tiểu Long trong vai Chu Xung ở bản phim Lôi Vũ Hong Kong năm 1957 (Nguồn: Baike) |
Khóc cười với nhiều thế hệ khán giả Việt
Vở cải lương Lôi Vũ (soạn giả Thế Anh - Thế Châu) từng gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ: NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy, NSƯT Tô Kim Hồng, NSƯT Thanh Nguyệt…
Năm 1986, Lôi Vũ của sân khấu 5B Võ Văn Tần (Quận 3, TP.HCM) nổi đình đám, trở thành mốc son để đời cho hầu hết các diễn viên tham gia. NSƯT Hồng Vân khi đó mới ra trường, nhưng để rồi từ đó thành danh với Thị Bình. NSƯT Thành Lộc với vai Chu Xung hồi đó được đánh giá là một sự thánh thiện “đến không thể tưởng tượng”. Diễn viên Minh Trang năm đó vào Sài Gòn diễn Phồn Y, giọng Bắc, tạo nên một tượng đài Phồn Y suốt nhiều năm.
NSƯT Thành Lộc vai Chu Xung (Nguồn ảnh: Thanh niên) |
Đạo diễn Hoa Hạ cũng đã cắt ngắn kịch bản của Tào Ngu từ 4 tiếng đồng hồ chỉ còn lại gần 3 tiếng cho phù hợp với sân khấu Việt Nam. Đúng như trong một lời tựa cho bản dịch tiếng Anh của Lôi Vũ, tác giả Tào Ngu có nói: “Vở kịch này dài quá, có thể làm khó các bạn nước ngoài. Vì các bạn nước ngoài, việc cắt bớt tình tiết là điều phải làm”.
Năm 2001, sau gần nửa năm dàn dựng, Lôi Vũ trở lại sân khấu kịch miền Bắc dưới bàn tay của đạo diễn Lê Hùng. Năm đó người ta thấy một Lê Khanh sang trọng, tinh tế và đầy đam mê, yêu đương mãnh liệt trong vai Phồn Y. Còn có Văn Thành trong vai Chu Phác Viên, Sĩ Tiến vai Chu Bình, Ngọc Huyền vai Thị Bình, và Tú Oanh vai Tứ Phượng. Có người nói vở diễn xử lý đoạn cuối hơi vội, chưa ra chất Lê Hùng. Nhưng thời ấy, làm kịch miền Bắc cũng lắm trần ai.
"Tiếng sét trong mưa" là lần đầu Lôi Vũ được chuyển thể thành phim truyền hình ở Việt Nam. Bối cảnh phim đã chuyển về một đồn điền cao su ở miền Nam Việt Nam. Không gian đặc chất Nam Bộ, phong cách làm phim cũng đậm kiểu truyền hình Nam Bộ.
Mối tình Thị Bình và câu Ba ở Tiếng sét trong mưa thu hút nhiều khán giả |
Nhưng lần này, vai chiếm spotlight lại là Thị Bình của Nhật Kim Anh – cô diễn viên đang nổi với các vai diễn trong các phim hơi hướng ngày xưa. Phồn Y, trong phim là Hạnh Nhi, không có được đất diễn và nội tâm sống động như nguyên tác. Kịch bản cải biên nên logic bị đảo lộn ít nhiều. Hơn nữa, nhiều tình tiết vào phim hiện đại gây tranh cãi. Nhưng phim vẫn đang tạo một cơn sốt với khán giả.
Nội dung Lôi Vũ:
30 năm trước, cậu thanh niên Chu Phác Viên yêu Thị Bình- một cô hầu gái trong nhà, có 2 đứa con là Chu Bình và Đại Hải. Tuy nhiên, Chu Phác Viên lại lấy một cô tiểu thư môn đăng hộ đối.
Thị Bình vì bị chén ép uất ức ôm đứa con trai mới sinh Đại Hải nhảy xuống sông tự tử. Mẹ con Thị Bình may mắn được Lỗ Quý cứu sống, sau đó cô lấy Lỗ Quý, sinh con gái Lỗ Tứ Phượng.
Chu Phác Viên lấy cô tiểu thư kia một thời gian thì người vợ này cũng qua đời. Ông ta liền lấy người vợ nữa là Phồn Y, có với nhau con trai tên là Chu Xung.
24 năm sau, Chu Phác Viên thường xuyên vắng nhà làm ăn. Phồn Y nhân cơ hội chồng đi vắng liền tiếp cận Chu Bình. Chu Bình sợ cha, lại ám ảnh mối quan hệ loạn luân nên tìm cách xa lánh Phồn Y.
Lúc này Tứ Phượng lại đến làm người hầu ở nhà họ Chu. Chu Bình đem lòng yêu Tứ Phượng. Trong khi ấy, cậu em trai Chu Xung cũng bày tỏ tình cảm với Tứ Phượng.
Phồn Y thấy vậy liền tìm đến Thị Bình, yêu cầu Thị Bình mang con gái rời đi. Thị Bình tới nhà họ Chu đòi con gái. Ở đó, Thị Bình và Chu Phác Viên lại tình cờ gặp nhau. Thi Bình hứa với Chu Phác Viên sẽ không tiết lộ bí mật Chu Bình là con mình.
Lúc đó Đại Hải làm công ở mỏ quặng nhà họ Chu, đứng đầu các công nhân bãi công, đánh nhau với Chu Bình. Thị Bình gặp con mà không dám nhận, chỉ khóc xin Bình đừng đánh Hải.
Trở về nhà, Tứ Phượng vẫn không ngừng thương nhớ Chu Bình. Đêm muộn, Chu Bình trốn đến tìm Phượng. Đại Hải bắt quả tang Bình và Phượng trong phòng liền đuổi Chu Bình đi, Tứ Phượng liền chạy theo.
Trong đêm mưa gió sấm sét đầy trời, cả hai gia đình Chu và Lỗ đều gặp nhau ở nhà họ Chu. Chu Phác Viên lúc này mới nói ra sự thật. Lúc ấy Chu Bình mới biết Tứ Phượng là em gái mình, Đại Hải là em trai mình. Tứ Phượng bàng hoàng lao ra khỏi nhà, đạp phải dây diện mà chết. Chu Xung vì cứu Tứ Phượng nên chết theo. Chu Bình nổ súng tự sát. Đại Hải bỏ chạy, Thị Bình và Phồn Y chứng kiến tất cả, đều phát điên. Chỉ còn Chu Phác Viên ôm nỗi đau đớn một mình.
Nhật Kim Anh tâm sự khi quay phim Tiếng sét trong mưa: "Đời nghệ sĩ cơm hàng cháo chợ"
Ăn vội, ngủ tạm ngay trên xe, những hình ảnh của Nhật Kim Anh ngoài phim trường "Tiếng sét trong mưa" khiến người hâm mộ không khỏi thương cảm.