Những căn bếp “triệu view” trên đỉnh núi

Từ mạng xã hội, những căn bếp trên núi đã thực sự đưa cộng đồng trở về với sự nguyên sơ của những bữa ăn được chăm chút bởi sự chân thành.

Năm 2020, những đợt giãn cách khiến mọi người đều phải giới hạn không gian sống xuống mức tối thiểu. Đây chính là thời điểm những mạng xã hội video (TikTok, YouTube…) phát triển bùng nổ, đáp ứng nhu cầu khát khao nội dung giải trí của hàng triệu người đang nhàm chán trong 4 bức tường.

Ở Việt Nam, một dạng nội dung video cũng khởi phát mạnh mẽ: Ẩm thực tại nguồn. Khái niệm “Từ đồng ruộng đến bàn ăn” (trong tiếng Anh gọi tắt là 3F: feed - farm - food) nay đã trở thành xu hướng thực sự hấp dẫn, không chỉ dưới dạng những video clip giải trí. Từ mạng xã hội, những căn bếp trên núi đã thực sự đưa cộng đồng trở về với sự nguyên sơ của những bữa ăn được chăm chút bởi sự chân thành.

Từ tòa soạn báo đến “Bếp bên sườn đồi”

“Một ngày gần cuối tháng 4, sau chuỗi ngày thức trắng để nghĩ về những gì xảy ra trong công việc, nhiều người bảo “tóc mày bạc hết rồi”, em giật mình nghĩ lại trong thời gian vừa qua, em đã dành thời gian cho công việc quá nhiều không. Bản thân em luôn xem công việc là cuộc sống, chỉ cần một niềm vui nhỏ trong công việc cũng làm em sung sướng tột cùng và cũng chỉ cần một lời nhận xét tiêu cực cũng khiến em muốn sụp đổ…”.

Đào Duy Tài nhớ lại thời điểm khủng hoảng tuổi 30 vào 2 năm trước. Là phóng viên thời sự xông xáo của một kênh truyền hình top đầu quốc gia, Tài làm việc triền miên tối thiểu 12 giờ mỗi ngày. Cho đến khi thể lực lẫn tinh thần đều kiệt quệ.

Những căn bếp “triệu view” trên đỉnh núi

Tài rủ Hiếu – một người cộng sự thân thiết – về quê Tài, làng nhỏ An Tân, xã vùng núi Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Họ lên đồi, ngày qua ngày nhìn xuống những cánh đồng như một phương thức để chữa lành bản thân. Rồi hai người bạn dọn dẹp nhà kho, thấy bao nhiêu đồ cũ của gia đình, rất lâu rồi chưa ai đụng tới và chủ yếu là đồ nấu bếp.

Họ bắt tay vào dọn dẹp, và lóe lên ý tưởng muốn làm một căn bếp nhỏ ở đây, cải tạo từ nhà kho vốn cũng rộng rãi. Từ căn bếp đó, Tài và Hiếu muốn nấu những món ăn đơn giản cho ba má, rồi tiện thể quay hình lại để tạo nên một kênh nội dung video chia sẻ đến mọi người. Họ muốn mọi người biết rằng quê hương mình đẹp lắm, có những góc rất bình dị mà thân thương, gợi nên bao ký ức đẹp đẽ.

Căn bếp ngay bên sườn đồi sẽ sử dụng những vật dụng truyền thống, những nguyên liệu ngay từ vườn nhà, nấu những món ăn dân dã, lan tỏa văn hóa ẩm thực thôn quê truyền thống. Mục đích của việc quay clip còn giúp hai phóng viên truyền hình đỡ… nhớ nghề và biết đâu xa hơn nếu được biết đến, họ có thể có thu nhập từ đó.

Những căn bếp “triệu view” trên đỉnh núi

Tài lấy hết dũng cảm để nói với ba má: “Con về quê ở với ba má được không?”. “Rứa mà má em lại đồng ý, em tin má cũng nhìn thấy những mỏi mệt em đang trải qua” – Tài cười, nhớ lại.

“Em thấy người Quảng nói riêng, người miền Trung nói chung, có rất nhiều người thành công, nhưng đa phần đều được nhớ đến bởi phong cách châm biếm, hoặc ý chí quyết liệt vươn lên lập nghiệp. Em ở những ngày tháng đó chỉ mong thực hiện những video clip để làm dịu đi chính tâm hồn mình, có lẽ cảm hứng của em có được là nhờ vào những lần đi dạo lại con đường quê, đi thăm lại chợ quê, đi gặp lại các cô bác trong làng…” – Tài bộc bạch - “Những điều đã cũ thôi thúc em nhớ lại để thực hiện các clip. Lúc đó, em tin sẽ có nhiều người như mình, khi ở phố thì mang một nỗi nhớ về quê hương và ước có ngày trở về đó sống ở nơi đã nuôi mình lớn lên”.

Định hướng như vậy, Tài và Hiếu bắt tay vào thực hiện như một chương trình truyền hình ẩm thực ở quy mô gia đình. Họ đun bếp củi, xay bột bằng cối đá, giã tay, lọc bằng vải, đựng đồ trong rổ rá tre đan, và đựng đồ ăn trong bát đĩa gốm, sành.

Những căn bếp “triệu view” trên đỉnh núi

Những người con của ruộng vườn, nhưng xa quê đã đủ lâu để trở nên ngờ nghệch với quê nhà, phải tự đi hái rau, mò cua bắt ốc, và học sử dụng những dụng cụ nông thôn từ cách gọi tên. Những điều đó đã không dễ dàng, mà hấp dẫn được người xem thì còn khó khăn hơn nhiều.

Cùng lúc thực hiện đăng tải nội dung lên các nền tảng mạng xã hội “hot” nhất, “Bếp bên sườn đồi” gặp phải vô số đối thủ cạnh tranh ngay trong lĩnh vực ẩm thực. Rất chỉn chu, không “câu like câu view” bằng những chiêu trò giật gân hay “đu trend”, đầu tư nghiêm túc từ khâu chế biến tới quay, dựng, nhưng suốt nhiều tháng trời, các video clip của “Bếp bên sườn đồi” chỉ được loanh quanh vài trăm lượt xem.

Chỉ sau 3 tháng về quê, Tài và Hiếu cạn tiền tích cóp. Mà kinh phí để thực hiện nội dung ẩm thực – dù là ở nông thôn – vẫn không hề nhỏ. Hai cựu phóng viên bắt đầu phải dứt ruột bán đi những thiết bị nghề nghiệp của mình, tối giản khâu kỹ thuật.

Thật may, đã có những nội dung được nhiều người xem. Những clip đạt lượt xem rất cao như: Món mì lá xứ Quảng, bánh tráng quết tương ớt, món xoa xoa đường tán, mì Quảng sợi vàng hay clip đi mót dưa, mì xắt, cá nục cuốn rau muống… đã có video clip đạt hàng triệu lượt xem, lên xu hướng của TikTok.

Những căn bếp “triệu view” trên đỉnh núi

Cho tới lúc này, “Bếp bên sườn đồi” đã có hơn 61 nghìn người theo dõi, và tổng lượt yêu thích gần 1 triệu, với hàng trăm nội dung video, chia làm 4 mảng đề tài: “Món ngon xứ Quảng”, “Mâm cơm của ký ức”, “Mẹo vặt nấu ăn” và “Nấu ăn nhà người lạ”.

Trong đó, “Nấu ăn nhà người lạ” là loạt nội dung duy nhất có nhận quảng cáo cho đến lúc này, bởi Tài và Hiếu kiên quyết không chèn nội dung bán hàng vào các video clip.

Các cô bác chòm xóm hay động viên: “Thấy clip bọn con quay đẹp, giọng hay, nấu món nào nhìn cũng ngon”. Còn những người xa quê thì bảo, nhờ các video clip của “Bếp bên sườn đồi” mà thấy lại những món ăn đã rất lâu rồi phai dấu, nhìn thấy đỡ nhớ quê, hoặc có thêm động lực về quê…

Bếp PAM - hương vị một rẻo Tây Bắc mờ sương

Phó An My là nghệ sĩ piano nằm trong số rất ít tài năng thiên phú hiếm có của Việt Nam trong hai thập kỷ qua – đó là nhận xét của nhiều nhạc sĩ cổ điển không chỉ trong nước. Nhưng bên trong con người ấy còn một tính cách khác mà công chúng ít biết đến, đó là sự phóng khoáng mà chỉ núi rừng mới thỏa mãn được. Như Lưu Quang Vũ từng viết: “Trên mái nhà, cao vút rừng cây/ Trên rừng cây, những đám mây xô dạt/ Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng…”.

Phó An My lên Sơn La, mua một ngọn núi trọc không tên ở nơi cao nhất bản Chiềng Đi, huyện Vân Hồ, định cư ở đó.

Những căn bếp “triệu view” trên đỉnh núi

Huyện Vân Hồ là nơi sinh sống nghìn đời nay của những cộng đồng dân tộc bản địa, Mông, Dao, Thái, Mường và Kinh. Khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây được thiên nhiên ưu đãi (nhiệt độ trung bình năm 18,5 độ C; lượng mưa trung bình 1.560mm), nên nông sản phong phú, chất lượng tuyệt hảo.

Vấn đề còn lại, như tất cả các vùng nông sản trù phú khác của Việt Nam, luôn luôn nằm ở 2 điểm yếu: Vận tải và truyền thông.

Nhìn những vườn đào, mận bạt ngàn trĩu quả ngọt, mà tới mùa chỉ vài nghìn đồng một cân, những tấn rau ê hề không ai mua, những đàn gia súc gia cầm đông đúc khỏe mạnh và săn chắc, Phó An My biết mình nên làm gì và có thể làm gì.

Và thế là thương hiệu “Nông sản Chiềng Đi” ra đời, kết nối từ đồng ruộng Sơn La tới bàn ăn Hà Nội.

Tươi - Ngon - Sạch, đã đành rồi. Biết bao nhiêu mô hình nông sản sạch đều nêu cao những tiêu chí này, và rồi đều âm thầm biến mất hoặc thoi thóp tồn tại. Cần phải có những sản phẩm chế biến làm mẫu.

Những căn bếp “triệu view” trên đỉnh núi

Phó An My xắn tay vào bếp. Đầu tiên, chị dựng lò hun khói theo chuẩn châu Âu – học từ nước Đức, nơi chị có 13 năm du học. Những đàn lợn mán (heo mọi) da dày, đen, mỡ mỏng mà thơm, thịt chắc mà ngọt, nuôi bán chăn thả, sau khi giết mổ được chế biến tại chỗ. Thịt và sườn ướp muối cùng các thảo mộc Tây Bắc, đem hun khói suốt một ngày đêm. Gỗ hun khói là củi từ núi rừng, trong đó có những loại chứa tinh dầu vừa thơm, vừa có tác dụng bảo quản. Thành phẩm sườn và thịt hun khói Chiềng Đi nhanh chóng chinh phục những thực khách khó tính nhất của Thủ đô.

Chị Việt Anh - chủ nhà hàng Cuối Giờ Chiều tại 76 Hàng Gai - cho biết, sườn và thịt hun khói Chiềng Đi đã trở thành “món nhận diện” của quán. Nguyên liệu có thể ăn ngay, nhưng đưa vào lò vi sóng chỉ vài chục giây sẽ tiết mỡ và mùi thơm thảo mộc trong thịt ra, vô cùng quyến rũ cả khứu giác lẫn thị giác. “Tôi thường khuyên thực khách dùng tay trực tiếp để ăn sườn, thay vì dao dĩa” - chị Việt Anh chia sẻ - “Và món hun khói này sẽ hoàn hảo khi chấm cùng muối chẩm chéo cũng chuyển xuống từ Sơn La”.

Những tảng mỡ lợn mán dày và thơm, đặt lên mặt bàn không nghiêng ngả, được Phó An My đem muối cùng hạt dổi, cho ra đời món mỡ muối còn ngon hơn niềm tự hào của người Nga. Dạ dày lợn mán được kho tiêu, theo công thức sáng tạo riêng, và cung không bao giờ đủ cầu.

Chiếm tỉ trọng nhiều hơn cả, vẫn là rau củ quả, sữa và các chế phẩm từ sữa bò. Tại điểm phân phối treo biển “Nông sản Chiềng Đi” tại phố Quán Thánh, người dân Hà Nội có thể mua ớt chuông, rau đậu Hà Lan, cà chua, khoai mán lòng vàng, măng khô, các loại rau xanh và cả mật ong rừng nguyên sáp. Từ một cái tên lạ lẫm, Chiềng Đi đã trở thành một định nghĩa nho nhỏ mà vững chắc trong lòng người tiêu dùng khó tính Thủ đô.

Những căn bếp “triệu view” trên đỉnh núi

Năm 2023, nghệ sĩ piano Phó An My kết hợp cùng nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc song tấu tác phẩm 3 hồi mang tên “Cảm hứng Chiềng Đi” của nhà soạn nhạc Đặng Tuệ Nguyên. Các buổi biểu diễn ở cả 3 miền từ Nam ra Bắc chật kín chỗ, và cái tên Chiềng Đi một lần nữa được nhắc đến nhiều lần bởi báo chí cũng như công chúng. Trong giờ giải lao, những đặc sản Tây Bắc lại được Phó An My thiết đãi thính giả, như một niềm tự hào mang tới từ quê hương thứ hai của chị.

“Ẩm thực, chưa bao giờ chỉ là chuyện ăn uống, hay là những món ăn” - Phó An My mỉm cười khi mở cửa “Thính phòng Chiềng Đi”, không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật có sức chứa trăm chỗ ngồi mà chị vừa hoàn thành trước tết Nguyên đán - “Cũng như âm nhạc, ẩm thực phản ánh tâm hồn và kết nối những tâm hồn”.

Gia Hiền

8 thành phố tốt nhất thế giới dành cho tín đồ ẩm thực

8 thành phố tốt nhất thế giới dành cho tín đồ ẩm thực

Khi đến tham quan một địa điểm du lịch, ngoài việc chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên, các du khách còn có niềm đam mê "truy lùng" để thưởng thức tinh hoa ẩm thực đặc trưng cho văn hóa tại nơi đó.