Bên cây đàn piano, Phó An My nguyên vẹn phiêu lãng với bản năng cháy bỏng thiên phú của người nghệ sĩ. Nhưng khắp vùng núi rừng Chiềng Đi (Vân Hồ, Sơn La) này, bà con người Thái, Mông, Dao gần như chỉ biết tới chị như một người mở lối, một trưởng bản danh dự. 3 năm qua, Phó An My đã thay đổi cuộc đời mình và cuộc đời nhiều người khác, trong một cuộc tái định cư mà cho đến lúc này đã mang tầm vóc ảnh hưởng vượt xa dự liệu.
Nghệ sĩ piano Phó An My |
Chị quyết định lên núi trong tâm thế như thế nào? Lúc đó chị có xác định là sẽ thay đổi hoàn toàn môi trường sống của chị và gia đình không?
Thay đổi hoàn toàn chứ. Tôi đã đi qua nhiều nơi. Thời tuổi trẻ tôi đến quán bar, nói chung là tất cả mọi thứ tôi đều thử. Đến lúc tôi cần một sự lựa chọn, nhất là lựa chọn một mảnh đất, thì tiêu chí đầu tiên phải là khí hậu.
Khí hậu làm cho con người ta cảm thấy dễ chịu. Với chính tôi cũng vậy, khí hậu làm tôi dễ chịu hơn hẳn. Điều thứ hai là dù gì tôi cũng là nghệ sĩ tự do, chẳng có gì phụ thuộc đến đô thị cả. Sống ở trên núi cũng chẳng khác gì sống ở nước ngoài, rất yên tĩnh. Lúc mới lên, tôi phải tập làm quen với việc là nếu lúc 5h chiều ở Hà Nội có thể dễ dàng ới nhau đi bia hơi thì ở trên núi phải hẹn trước. Không phải tự nhiên mà gọi được người ta lên nhà.
Tất nhiên là mỗi người có một lựa chọn, người Việt Nam mình rất sợ ra khỏi thành thị vì bị quá phụ thuộc vào cuộc sống tiện nghi, muốn gần chợ búa, bệnh viện… Nhưng với tôi, nếu bị bệnh nặng rồi thì khỏi đi viện cho nhanh.
Cuộc sống quan trọng nhất là được thư thái, khí hậu được đặt lên hàng đầu. Ra khỏi Hà Nội mà vẫn ở một vùng nóng điên người thì chán lắm, phải sang một vùng khí hậu khác hẳn. Vân Hồ hoàn toàn như một vùng ôn đới, với cao nguyên, nhiệt độ đều đều, rất thích. Quyết định của tôi cũng là một cái duyên. Tự nhiên tôi lên vùng này, một sáng mở mắt ra thấy cái nắng vàng. Vân Hồ vẫn còn hoang sơ, có cái nắng vàng rực rỡ trôi, rất thích, xa cách cái nóng nực hay sự ẩm thấp.
Ngoài vấn đề môi trường, có lẽ còn vấn đề khác nữa chứ? Cộng đồng dân cư, tiện ích đi kèm, thói quen của một thị dân… chị là người đi nước ngoài nhiều, những thứ ấy có thể là sự thay đổi cực kỳ lớn, thậm chí 180 độ.
Mình cứ tưởng là lớn, nhưng thực ra người cũng chỉ là người, giống nhau thôi. Cuối cùng quan trọng vẫn là những sự gắn kết, có gì khác đâu. Còn tập tục của họ (đồng bào dân tộc bản địa ở Vân Hồ) rất là thú vị và tôi khám phá được nhiều điều.
Bản chất của một cuộc sống gần gũi như thế, bây giờ đô thị không còn. Ví dụ ngày Tết ở trên ấy, tôi hoàn toàn cảm nhận được cái Tết như ngày xưa. Hay nói chung đời sống hằng ngày, đi qua nhà nhau, tặng nhau mớ rau, đó là thứ thành thị không còn có. Cái lúc COVID căng thẳng nhất, tôi mới thấy sống trên ấy dễ dàng hơn nhiều. Bởi vì ăn thì cũng chỉ ăn đến thế thôi chứ cần gì nhiều, còn tôi hoàn toàn có thể tự cung tự cấp. Mọi người cứ bảo tôi ở trên núi làm gì? Chả cần phải làm gì, ngồi thôi là cũng đủ.
Vậy trong câu chuyện của chúng ta sẽ xuất hiện một nhân vật như thế nào? Một người nỗ lực hòa nhập vào cộng đồng mới, hay là một phú bà - người mà so với cộng đồng dân cư trên đó thì có điều kiện kinh tế hơn, không phải lo đến việc mưu sinh. Nói tóm lại, điều kiện kinh tế có phải thứ giúp chị hòa nhập và thích nghi nhanh chóng hơn?
(Cười) Lúc đầu lên tôi còn khó hơn người ta. Bởi vì Vân Hồ là vùng đất rất được ưu đãi về nông nghiệp, trồng trọt mọi thứ rất dễ dàng, không khắc nghiệt như bên Hà Giang với núi đá. Đất bên này rất tốt, trồng cái gì cũng lên. Cuộc sống cũng chỉ cần thế thôi, tôi cũng không lên đó để làm giàu. Mà có ở Hà Nội tôi cũng chẳng làm gì để giàu được với tư cách của một người chơi nhạc cổ điển.
Tức là khi về đấy, các lợi thế của chị đột nhiên biến mất và chị nhận ra là người nông dân có rất nhiều lợi thế của họ?
Bà con có nhiều lợi thế hơn tôi nhiều. Mới đầu tôi cũng hì hục 5 giờ sáng dậy cầm cái cuốc đi làm thử, rồi làm trò chạy từ trên núi xuống lấy cốc nước, bật nhạc inh ỏi lên rồi lại chạy lên cuốc nhát nữa. Đi một vòng thấy tình hình tập đàn đã mệt nhưng cuốc đất còn mệt hơn, tôi hiểu mình không thể làm nổi.
Hàng ngày tôi đi ngắm từng cái cây rồi nhận thấy cây cũng như người, mình chăm bẵm nó mỗi ngày, ngắm nó như ngắm đứa con của mình, sẽ thấy rất sung sướng.
Bền vững
Việc quan sát người nông dân trong một thời gian dài, thấy họ mưu sinh ra sao, canh tác nông nghiệp như thế nào, nghĩa là ở đây chúng ta đang nói đến câu chuyện về sinh kế bền vững. Từ góc nhìn của chị với rất nhiều am hiểu về thị trường, về những vùng đất khác, chị có thấy vấn đề của người nông dân trong canh tác nông nghiệp đang gặp rất nhiều hạn chế? Thậm chí ngay cả với nơi có điều kiện thổ nhưỡng tốt như Vân Hồ?
Vấn đề là người dân không thể tự quảng bá sản phẩm nông nghiệp của họ, vậy ai sẽ là người quảng bá giúp họ để giới thiệu nó thành những đặc sản đại diện cho vùng? Khi tôi lên đấy, tôi phải tìm cách để giới thiệu sản phẩm cho họ. Đây chính là sự giúp đỡ của những người thành thị khi lên núi, giúp người trên bản có cách nhìn khác đi về việc trồng trọt, chăn nuôi.
Tất cả mọi thứ ở trên đó, nói thật ra họ tự cung tự cấp. Như con gà, con lợn họ tự trồng ngô, tự lấy rau rừng cho ăn, điều đó khiến cho con gia súc tự nó đã sạch rồi. Chỉ có nguồn rau tôi tự hỏi là tại sao phải trồng những loại rau có sâu rồi để phun cho đẫy vào. Ví dụ trong tất cả các loại rau ở trên đấy, loại duy nhất tôi không dám ăn là đỗ. Chỉ khi nào đỗ còn 1.000 đồng một cân tôi mới dám ăn vì đấy là lúc không còn ai đi phun nữa. Người trên đấy họ nghĩ người thành thị thích cái rau dưa phải nuột, phải hơi phấn lên một chút mới là ngon nhưng mình hiểu cái đấy độc kinh khủng.
Hay như hoa quả, ông bà hay nói mùa nào thức nấy, mà vào cuối mùa như thế này vẫn thấy có mận, nghĩa là mận đã bị phun thuốc. Người nông dân có lý lẽ của họ vì nếu quả không đẹp, không to thì họ không bán được. Tất nhiên thi thoảng cũng có cây mận cỗi cho ra quả rất to nhưng những cây như thế thường ít, không có hiệu quả về kinh tế, đa phần sẽ là những cây mận tơ trồng mấy năm. Để có quả mận to căng thì họ phải phun rất đẫy.
Tất nhiên nếu phun thì quả sẽ không nứt, rất đẹp, nhưng không phun thì lại có thể làm việc khác như lên men để tạo thành một dòng rượu, làm mứt, ô mai… cần gì phải bán theo kiểu cũ. Vừa rồi tôi có nói với người dân trong bản là nếu rẻ quá thì bán làm gì, tôi sẽ cung cấp vài cái thùng làm men, năm nay thử nấu rượu mận. Mỗi nhà có một công thức, một vị để nấu thành rượu nhưng phải xuất phát từ những nông sản chính nhà mình trồng. Tôi giao hẹn nếu mà được thì đến mùng 2/9 tới sẽ là ngày thử rượu của bản.
Câu chuyện của chị bắt đầu giống nhiều người tôi đã biết, là khi đến một vùng nào đấy có khí hậu tốt, đặc sản tốt và người dân làm nông thì sinh ra một mong muốn, sau thì thành áp lực, là giúp họ nâng cao giá trị nông sản lên. Bằng nhiều cách, tương tự như chị, biến nó thành sản phẩm thương phẩm. Tuy nhiên ở đây gặp một vấn đề, đấy là việc đầu tư sẽ lớn hơn, cần tiếp cận thị trường theo cách khác, phải trở thành những cầu nối ban đầu và sau này, tất yếu, trở thành doanh nhân.
Không, việc của tôi là không đầu tư gì cả. Tôi có thể cung cấp cho họ những cái thùng như thế để họ làm rồi tự bán, nếu không bán được tôi giới thiệu cho họ. Thực ra mỗi nhà làm không được bao nhiêu, một tạ mận chắc được 10 lít. Một vườn được vài tấn thì những quả đẹp họ sẽ dùng để bán, còn những quả xấu thì họ làm rượu.
Đối với người nông dân, khi một ông này làm tốt thì người kia sẽ bắt chước, đến lúc này thì đầu ra bắt đầu có vấn đề. Tôi không hề thích từ giải cứu. Có thể họ không có vốn ban đầu thì tôi mua cái thùng khoảng 2 - 3 triệu cung cấp cho họ, khi họ bán được hàng thì họ trả lại cho tôi. Chứ tôi không liên quan, không phải nhà đầu tư, cũng không thu gom. Nhà nào làm nhà đấy.
Cho nên vừa rồi tôi thuyết phục họ là các anh chị có thể muốn những thứ hiện đại hơn, Kinh hóa này kia, nhưng tại sao không giữ những cái nhà cổ đấy rồi chúng ta làm hiện đại nó lên. Ở ngoài vẫn hòa hợp với thiên nhiên nhưng ở trong có thể làm hiện đại được. Và khi bản làng trở nên nổi tiếng, ắt anh chị sẽ được hưởng thành quả, du khách sẽ vào và đấy là cách để thu hút họ.
Hôm trước, ông Toàn - Bí thư của huyện Vân Hồ có qua đây và tôi nói rằng sau này Vân Hồ chắc chắn sẽ có những khu đô thị hóa, nhưng ít nhất phải giữ được hai, ba bản nguyên sơ. Nếu bản nào cũng cho xây tá hỏa lên thì sẽ thành cái thứ… chán đời lắm.
Đến đây câu chuyện tự cung tự cấp đã vượt khỏi khuôn khổ, chị bắt đầu đưa những giải pháp cho nông sản, tính đến chuyện có thêm nguồn thu tốt từ việc làm du lịch. Thế nhưng nó tiếp tục gặp vấn đề là khi vùng nông sản trở nên nổi tiếng thậm chí có nông sản đặc hữu, du lịch nổi lên sẽ kéo theo làn sóng bất động sản. Người có tiền ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… bắt đầu xem đó như cơ hội để họ đầu tư vào…
Chính vì thế, vừa rồi tôi mới cung cấp nhà cho bà con (nhạc sĩ Phó An My tặng một loạt nhà sàn gỗ cho bà con ở bản Chiềng Đi, Vân Hồ). Đại khái, cứ nghĩ đến những mảnh đất ven Hà Nội ngày xưa, con cái về sau nghiện ngập, hỏng hết. Tiền tiêu rồi cũng hết vì mọi người khó có khả năng sinh ra tiền từ khoản vốn ban đầu của mình.
Cho nên khi tôi dựng lên thì nhà vẫn là nhà của họ, trên đất của họ và họ phục vụ trong chính ngôi nhà của mình. Một tuần kiếm được vài triệu cũng được mà nếu không kiếm được thì vẫn là nhà của mình. Đó là điều khiến người dân đang nghe theo và dừng không bán đất. Tất nhiên, kể cả người Kinh lên đây cũng thế. Tôi từng đứng ra nói rằng không được làm nhà xây mà chỉ được dựng nhà gỗ hoặc nhà sàn. Không thể nào mà bảo bây giờ tiếp tục xây được khi năm mươi mấy hộ gia đình trong xóm đó ai cũng có nhà xây rồi, bây giờ xây làm gì nữa? Và để xóa sổ nó thì mới mời các họa sĩ lên để vẽ, để người ta quên cái bê tông hóa đi.
Chợ phiên là một ý tưởng tốt của chị. Trước đây khu vực ấy (bản Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La) có chợ phiên không, chị khôi phục hay tổ chức?
Chưa bao giờ có chợ phiên. Nếu có cũng chỉ là người ta tự phát ngồi ngoài đường bán. Nói về chợ phiên thì tôi chính là người đầu tiên về đấy gây dựng. Để duy trì chợ phiên cũng không phải đơn giản.
Có mấy dân tộc tham gia vào chợ phiên?
Hiện tại có ba dân tộc Thái, Dao và Mông. Người Mông là từ Pà Cò, Sơn La xuống bán đồ thổ cẩm, không phải người Mông trong bản. Sau hôm khai trương, các phiên bắt đầu đông dần, đông vì buổi tối ở đấy làm gì có chỗ chơi. Đến đấy đồ ăn cũng của dân tộc họ nấu, rất là hợp lý và giá cả cũng như chợ dân sinh. Tôi luôn luôn quán triệt người dân là chợ này không chỉ bán cho khách được một lần mà mình duy trì mãi mãi. Ở ngoài chợ họ bán bao nhiêu mình phải bán đúng giá ấy, không phải chợ “cắt cổ” người ta, nếu không người ta không bao giờ đến mua nữa. Và mỗi tuần mổ một con lợn, để cung cấp cho cả người Kinh ở bên ngoài họ vào mua. Tuần nào cũng bán được một con lợn.
Điều thứ hai, tôi cũng không nói với bà con chuyện cuối tuần sẽ thừa ra rau củ quả. Hôm nọ tôi có làm việc với hai người có cửa hàng rau sạch. Vẫn cái giá như của người dân bán, nếu ở chợ bán 25 thì mình bán 20 để giải quyết được tất cả đồ tồn đọng rồi chuyển về Hà Nội, xong việc. Thế là có đầu ra ngon nghẻ và mình không phải lo nữa.
Chưa nói đến việc trước đây tôi từng mỗi ngày đi mấy trăm cây số tìm đồ thủ công, vì vùng này không mạnh về đồ thủ công do người ta không có thời gian, làm nông bận rồi. Thế nên phải đi tìm những đồ thủ công vẫn là của Sơn La để bây giờ nếu muốn thì chỉ cần gọi điện là người ta chuyển đến. Dù sao chợ phiên cũng cần các đồ đặc sắc. Đây cũng là tiền của tôi, đi mua mấy chục triệu về bán lãi thì cho họ mà gốc thì trả mình.
Ban đầu chị có gặp phải sự nghi ngờ, thậm chí, phản đối của người dân địa phương?
Thời gian đầu thì đương nhiên. Lúc tôi lên làm đường, họ nhìn tôi và không hiểu một người giời ơi đất hỡi nào nhảy về đây, muốn làm gì, phá à? Tôi cũng là người Kinh tiên phong về đây, lại ở trên cái đỉnh núi mà người Mông bảo sau sáu giờ chiều người ta không dám vào đấy vì sợ ma. Nửa năm sau có ánh đèn, tôi mổ lợn mời cả bản lên thăm nhà. Lúc ấy họ bị choáng. Tôi về bản thì cũng có đèn đường, và mọi người được cùng hưởng với nhau.
Thực ra vì xóm này có năm mươi mấy hộ, cho nên rất dễ để đoàn kết. Bây giờ gặp tôi bà con vồn vã chào hỏi, đấy là cái tôi thấy là người dân tin tưởng và họ cũng rất yêu quý mình, yêu quý một cách đặc biệt.
Thế còn chính quyền địa phương?
Chỉ tóm gọn là, tất cả việc tôi làm rất được chính quyền địa phương ủng hộ. Nếu không có chính quyền địa phương thì không bao giờ làm được. Hình dung là ngay cả những tranh bích họa, để mà được vẽ kín cả bản như thế phải thấy rằng chính quyền ở đây rất tạo điều kiện.
Câu chuyện về nâng giá trị nông sản, giữ bản sắc, giữ đất… tất cả mọi thứ đều đang tạo ra một vòng sinh thái của phát triển bền vững. Chị dù muốn dù không, đang đóng vai trò của một nhà hoạt động (activist). Ban đầu chị có nghĩ rằng mình sẽ làm việc đó, sẽ trở thành vai trò đó không? Và bây giờ, khi đã là như thế, dù muốn dù không, chị cảm thấy thế nào?
Tôi có một thói quen rất Đức (cười), rằng trong một năm tôi tự đặt ra mục tiêu sẽ phải làm gì. Ngày xưa biểu diễn trong 10 năm, tôi tự đặt ra mình sẽ hoàn thành việc gì để không bị trôi thời gian. Còn lại những thời gian không diễn thì tôi sẽ phải hoàn thành công việc khác. Tất cả điều đó khiến cuộc sống của tôi có nhiều thứ để ngắm nhìn hơn, rằng tôi thực sự được ngắm nhìn cuộc sống và cuộc sống luôn luôn có những cái mới, không bao giờ cũ cả.
Tại sao cái gì tôi cũng mó tay và cái gì cũng làm, thực ra chỉ để trả lời tại sao người ta làm được mà mình không làm được. Tôi sẽ dồn sức, ví dụ năm nay làm cộng đồng thì sẽ dồn sức làm trong một năm, nghĩa là năm nay mình kiếm được bao nhiêu tiền mình sẽ dồn hết cho họ. Sang năm họ sẽ phải thành một guồng máy, tự thực hiện, không cần đến tôi nữa và coi như tôi đã làm xong một việc, để còn làm sang việc khác.
Tuy nhiên cứ tưởng tôi làm cho bà con, nhưng thực ra tôi cũng đang làm cho mình, để được ngắm nhìn cuộc sống.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này.
Phía làng Chục Muông chân núi Phù Thẩm Pụt
Ngôi làng không có nổi mười ngôi nhà. Đứng ở hàng xoan lá vàng rờm rợp, như bất chợt gặp mùa lá phong cuối thu ở nước Nga.