Những thân phận phụ nữ bị lãng quên trong dịch bệnh

"Mát xoa" (massage) là một cái nghề, với lực lượng lao động chính chủ yếu là phụ nữ. Đây chẳng được coi là một ngành nghề chính thức, những cô gái này có một cái hợp đồng lao động rõ ràng nào không, có bảo hiểm xã hội không, có được bảo vệ bởi tổ chức nào không, tôi không rõ lắm.

 “Ủa vậy chứ như tụi em thì có được hỗ trợ chi không vậy ta...?”

Hàng phở đêm mà tôi hay ăn khuya đôi khi vẫn hay xuất hiện những cô gái, với đồng phục cái váy bó bỏ hở hở màu mè lòe loẹt, với cái đôi dép xỏ ngón hơi cao. Nói giọng miền Tây.

Trong một lần khi chúng tôi nói về việc có những chính sách hỗ trợ cho người dân, công nhân lao động, cá nhân, doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thì một cô miền Tây ăn phở ở bàn bên cạnh quay sang với câu hỏi như vậy.

Tôi cũng chẳng biết phải trả lời sao, mà tôi đâu có câu trả lời.

 “Mát xoa miền Tây” là một thương hiệu, thương hiệu ấy đi khắp cả nước, mang cả tầm khu vực.

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Một lần dạo bước trên một con phố du lịch của Malaysia, khi tôi nói một vài câu tiếng Việt, thì tình cờ nhận được lời chào mời của 2 cô gái váy ngắn tóc nhuộm vàng đứng trên hè phố: “Anh hai, vô massage đi anh hai ơi”, - “Ủa, Việt Nam hả, em quê đâu”, “Cần Thơ anh ơi, massage miền Tây đây anh hai, vô đi...”. Malaysia, Singapore, Thái Lan..., bạn có thể bắt gặp cái thương hiệu miền Tây với những cô gái miền Tây ở các nước này. Tôi từng hơn một lần đọc được những tin tức, xem cả được những hình ảnh cảnh sát Philippines bắt những cô gái lao động bất hợp pháp, là người Việt Nam. Họ bị còng tay, đưa lên xe thùng, dẫn giải đi.

"Mát xoa" (massage) là một cái nghề, với lực lượng lao động chính chủ yếu là phụ nữ. Đây chẳng được coi là một ngành nghề chính thức, những cô gái này có một cái hợp đồng lao động rõ ràng nào không, có bảo hiểm xã hội không, có được bảo vệ bởi tổ chức nào không, tôi không rõ lắm.

Từng một lần, nhờ những người bạn quen có thâm niên làm việc tại Malaysia hay Singapore, tôi từng được dẫn đến một khu ở của người Việt, và có những cuộc trò chuyện với những cô gái làm massage hay làm việc trong những ngành dịch vụ nhạy cảm tại đây. Sang bằng hộ chiếu du lịch, là lao động chui, có thể bị bắt, bị trục xuất bất cứ lúc nào, làm việc với những mối nguy hiểm thường trực, nhưng “em không thể về, bởi còn món nợ ở nhà, em còn phải lo cho mấy đứa em...”.

Ngược dòng lịch sử, có những câu chuyện kể lại rằng thời xưa khi khai khẩn đất hoang, khi bỏ chạy đến đây, chúa Nguyễn khi chạy trốn quân Tây Sơn, đến vùng miền Tây đã buộc phải bỏ lại hàng trăm thê thiếp. Miền Tây lắm gái đẹp là vì thế.

Miền Tây – vùng cực nam của Việt Nam – vùng Đồng bằng Sông Cửu Long gồm 1 thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ cùng 12 tỉnh thành khác. Miền Tây là vùng có tổng diện tích là hơn 40 nghìn km vuông (chiếm 13%) và dân số là hơn 17 triệu người (chiếm 18%) cả nước. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn cả nước, chiếm 47% sản lượng lúa gạo, và tính riêng xuất khẩu thì đóng góp tới 90% sản lượng xuất khẩu lúa gạo cả nước (theo Wikipedia, số liệu của Tổng cục thống kê năm 2019).

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nếu thử search Google cụm từ “giáo dục miền Tây”, sẽ nhận được những tít báo như “Miền Tây – vùng trũng về giáo dục”, giáo dục miền Tây kém hơn mặt bằng chung của cả nước. Tỉ lệ bỏ học cao, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hay thi đỗ vào Đại học đều thấp. Ai đó, ở cái hội nghị nào đó, có nói rằng “chúng ta mắc nợ miền Tây”.  

Tôi lang thang miền Tây rất nhiều, đặc sản miền Tây ngon khỏi phải nói. Một lần, trong một chương trình về hỗ trợ giáo dục,  về một xã nghèo thuộc Cần Thơ, tôi được người bạn dẫn qua nhà ông Ba nhậu. Nhìn ra cánh đồng lúa mông mênh nghe được cả tiếng vịt kêu, ông Ba nói: “dân nghèo, trẻ con chỉ đi học tới lớp 8 lớp 9 rồi bỏ học, đàn ông thì theo ghe đi làm mướn, đàn bà con gái thì hoặc lên Sài Gòn làm thuê làm mướn, hoặc vào công nhân ở Bình Dương, hoặc không nữa thì đi làm masage chứ còn biết làm chi nữa, nghèo mà...”.

Miền Tây bao đời người, con người chẳng ai nghĩ bỏ xứ mà đi, vì nơi đây trù phú lắm, lo gì đói. Mới rồi thử gọi vào hỏi người miền Tây, thì nhận được những cái thở dài, “hạn mặn rồi lại Covid, nước còn chả có mà uống, tiền chi đâu mà tiêu, chết đói thật rồi nè, đi công nhân nhà máy thì mất việc, có việc chi làm đâu”.

“Nghị định 38/2020 có hiệu lực từ ngày 20/5 quy định 7 công việc người lao động Việt Nam không được làm ở nước ngoài, trong đó có những công việc như massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí...”, tôi có đọc được cái này, nằm ở phần các nghị định mới sẽ có hiệu lực năm 2020.  

Mà thực ra, có ra nước ngoài làm nghề này, có ai là công khai đâu, toàn đi kiểu “lao động chui” như những cô gái tôi từng gặp và nói chuyện. Nếu đã cấm, thì có con đường nào cho những lực lượng nữ lao động trẻ không ngành nghề và chưa được đào tạo hay không?! “Đi công nhân nhà máy thì giờ có việc đâu làm...??!

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

“Cái dịch Cô vít mắc dịch, massage đóng cửa, bọn em giờ mắc kẹt nè anh ơi. Có đâu hay có ai hỗ trợ tụi em không. À, mà gái mát xa, đòi chi mà đòi được hỗ trợ, có mắc kẹt đành phải chịu thôi....”

Chẳng biết giờ này, những cô gái miền Tây mà tôi từng tình cờ gặp trên con phố ở nước ngoài, thì mắc kẹt ở đâu...

Quang Thái

Chuyện về nữ tác giả nổi tiếng nhất Sài Gòn trước 1975 Bà Tùng Long và những trang viết về nữ giới

Chuyện về nữ tác giả nổi tiếng nhất Sài Gòn trước 1975 Bà Tùng Long và những trang viết về nữ giới

Dù chưa bao giờ tự nhận là văn sỹ, nhưng những tác phẩm của Bà Tùng Long vẫn chưa bao giờ ngừng lay động trái tim

Đọc nhiều nhất