Nữ Phó Giáo sư nội tiết hàng đầu Việt Nam

PGS, TS. Vũ Thị Thanh Huyền đã điều trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân, nhiều công trình khoa học về nội tiết, cơ xương khớp được thế giới ghi nhận.

PGS, TS. Vũ Thị Thanh Huyền sinh năm 1973 trong một gia đình không có ai theo ngành y nhưng bố mẹ chị lại khát khao mong muốn chị trở thành thầy thuốc. Những lần chứng kiến bố thường xuyên có những cơn khó thở do mắc bệnh hen phế quản phải nhập viện cấp cứu, chị Huyền rất lo lắng bệnh tình của cha mình, vì vậy chị có ý chí phải theo học ngành Y với  mong muốn sẽ chữa khỏi bệnh cho bố. Sáu năm học chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Hà Nội đã giúp chị định hình lý tưởng nghề nghiệp của mình.

PGS, TS. Vũ Thị Thanh Huyền.
PGS, TS. Vũ Thị Thanh Huyền.

Ngay từ đầu, chị xác định tiếp tục nâng cao trình độ và đi sâu vào một chuyên ngành để có thể phục vụ tốt hơn nữa trong công tác điều trị cũng như giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Chị đã theo học bác sĩ nội trú chuyên ngành Nội tổng hợp. Năm 1998, chị lại thi tuyển học bổng DAAD Đức và tiếp tục học chuyên ngành nội tiết tại ĐH Heidelberg (Đức). Sau khi tốt nghiệp tại Đức, chị làm việc tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Sự bền bỉ học tập lại thôi thúc chị, năm 2005, chị trúng tuyển nghiên cứu sinh tại viện Karolinska, Stockholm, Thụy Điển theo chương trình học bổng SIDA/SAREC. Đây là trường đại học Y khoa danh giá hàng đầu thế giới, nơi trao giải Nobel Y học hàng năm. Chị Huyền là nữ bác sĩ trẻ hiếm hoi của Việt Nam sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ Anh - Pháp - Đức, điều này đã giúp chị đọc sách, tiếp cận với chuyên môn y học một cách tốt nhất từ những giảng viên, bác sĩ hàng đầu quốc tế. Tại viện Karolinska, Stockholm, chị Huyền được đào tạo bài bản về phương pháp nghiên cứu y học.

Với sự hợp tác của 2 nền y tế Thụy Điển và Đức, năm 2009, chị Huyền đã đồng thời được tham gia khóa học nâng cao về các phương pháp sàng lọc và theo dõi bệnh lý bàn chân đái tháo đường tại Đại học Regensburg, Đức. Học tập và làm Luận văn Tiến sĩ ở ngôi trường Y học nổi tiếng thế giới là một áp lực. Chị Huyền kể rằng: "Nghiên cứu sinh phải có đầu ra là 4 bài báo công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế. Trong 4 năm học tại đây, tôi phải hoàn thành rất nhiều các tiểu mục nghiên cứu và công bố thành công các bài báo quốc tế".

PGS, TS. Vũ Thị Thanh Huyền bên các đồng nghiệp.
PGS, TS. Vũ Thị Thanh Huyền bên các đồng nghiệp.

Sự khổ luyện trong học tập đã khẳng định chuyên môn với nhiều bằng cấp y khoa quốc tế nên khi về Việt Nam làm việc, PGS, TS. Vũ Thị Thanh Huyền đã có thể cùng một lúc thực hiện nhiều công việc khác nhau từ khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, quản lý và đào tạo. Hiện nay, chị là trưởng Trưởng khoa Nội tiết - Cơ Xương Khớp, Trưởng Phòng nghiên cứu khoa học - Bệnh viện Lão khoa Trung ương đồng thời là Phó Chủ nhiệm bộ môn Lão khoa, ĐH Y Hà Nội. 4 năm liền (2017-2020) chị nhận giải thưởng Đặng Văn Ngữ dành cho nữ bác sĩ có y đức trong sáng và những cống hiến tận tâm cho nghề Y. PGS. TS. Vũ Thị Thanh Huyền cũng đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế về chuyên ngành Nội tiết tại Hoa kỳ, Thụy Điển, Áo, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hồng Kông, Việt Nam… và đã công bố 25 bài báo quốc tế và hơn 125 bài báo trong nước trên các tạp chí chuyên ngành.

Công việc của một bác sĩ lúc nào cũng bận rộn và gian khổ nhưng hiếm khi thấy nữ Phó Giáo sư mệt mỏi. Hàng tuần ngoài làm chuyên môn, chị lại trở về Đại học Y để làm công tác giảng dạy. Những bài giảng nhiệt huyết sôi nổi và tràn ngập năng lượng của chị đã được các em sinh viên rất yêu thích. Chị không chỉ dạy sinh viên làm nghề mà còn rèn luyện cho các em sự tự tin trong giao tiếp cả những ứng xử tâm lý để những bác sĩ tương lai có thể tiếp xúc và chữa bệnh cho bệnh nhân cao tuổi một cách tốt nhất. Chị tâm niệm "Học là cả một hành trình lao động còn làm nghề y là cả một quá trình rèn luyện". Và chị vẫn đang truyền cảm hứng cho thế hệ y bác sĩ trẻ chân lý giản dị đó.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Nữ giáo sư hết lòng vì nông sản Việt

Nữ giáo sư hết lòng vì nông sản Việt

GS.TS Nguyễn Minh Thủy được biết đến qua các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xử lý, tồn trữ và chế biến đa dạng thực phẩm có giá trị chất lượng cao.