Tình yêu khoa học là bất biến
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng là Phó Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Hóa học tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á của Tạp chí Asian Scientist, tên của bà thuộc mục các nhà khoa học trong lĩnh vực Khoa học nông nghiệp. Bà cũng chính là nhà khoa học duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách này, do Tạp chí Asian Scientist bình chọn năm 2017.
Nghiên cứu của PGS.TS Lê Thị Kim Phụng tập trung vào việc tạo ra nhiên liệu sinh học từ chất thải của ngành nông nghiệp như dầu hạt cao su, hạt cà phê hay hoa quả.
Tài năng, nhiệt tình đằng sau vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của PGS Lê Thị Kim Phụng. Ảnh: Trần Huỳnh |
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng sinh năm 1975 tại Thừa Thiên – Huế, Học tại ĐH Bách khoa TPHCM từ 1994-1999. Kim Phụng tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc với điểm luận văn đạt tối đa 10/10 và là thủ khoa của khoa, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Sau đó, cô giảng viên trẻ đã học lên cao học và mạnh dạn chọn lĩnh vực mới cho đề tài luận án thạc sĩ của mình mà tại ĐH Bách khoa TPHCM hiện chỉ có một giảng viên chuyên về lĩnh vực này. Đó là mô hình hóa và mô phỏng quá trình công nghệ hóa học. Kim Phụng bảo vệ luận văn thạc sĩ tại trường năm 2003 trước khi lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ hóa học tại ĐH Sheffield (Anh) vào năm 2008. Bà được phong hàm phó giáo sư vào năm 2013.
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng luôn mong muốn “làm một điều gì đó liên quan đến nông dân, nông nghiệp”. Đó cũng là lý do mà sau này quay lại trường, Kim Phụng chọn hướng nghiên cứu về ứng dụng, năng lượng tái tạo và biomass - biến phế phẩm nông nghiệp thành năng lượng và các vật liệu hữu ích.
Luôn động viên phụ nữ làm nghiên cứu khoa học
Ngay khi trở về Việt Nam, TS Phụng chọn hướng nghiên cứu tạo ra nhiên liệu sinh học từ chất thải nông nghiệp. Đây không phải là hướng đi hoàn toàn mới so với thế giới nhưng ở Việt Nam rất ít nhà khoa học quan tâm và theo đuổi. Mặt khác, Việt Nam có tiềm năng về chất thải nông nghiệp. Cho nên hướng nghiên cứu này hứa hẹn giải quyết vấn đề về môi trường, kinh tế và phát triển bền vững.
PGS luôn sát cánh, động viên các học trò của mình |
Chẳng có con đường nào đi trên hoa hồng sẵn, con đường nào chẳng có chông gai, vất vả. Công việc nghiên cứu ứng dụng đòi hỏi bám sát hiện trường, lăn lộn thực tế, đi nhiều, tiếp xúc nhiều với địa phương, đồng ruộng, rồi nước ngoài... gia đình cũng phải thông cảm và yêu thương nhau nhiều hơn.
Không những vậy, PGS Lê Thị Kim Phụng còn luôn ưu ái, động viên, khích lệ cho những nữ sinh viên đang còn e ngại dấn thân vào con đường nghiên cứu: “Phụ nữ làm khoa học có rất nhiều cơ hội nên không có vấn đề gì phải băn khoăn cả. Mình cứ làm hết sức và theo đuổi đến cùng đam mê của mình thì thành quả ngọt ngào ắt sẽ đến”.
PGS Kim Phụng đã có nhiều công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, được áp dụng thành công trong thực tế nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. |
PGS Kim Phụng đã có nhiều công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, được áp dụng thành công trong thực tế nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Asian Scientist là tạp chí khoa học khá danh giá. Tiêu chí lựa chọn các nhà khoa học để đưa vào danh sách 100 nhà khoa học châu Á của Asian Scientist là các nhà khoa học được chọn phải được trao các giải thưởng về khoa học trong năm được bình chọn.
Vào năm ngoái, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng cũng từng được trao giải thưởng Khoa học ASEAN-Hoa kỳ dành cho phụ nữ. Giải thưởng này trao cho các nhà khoa học công tác trong lĩnh vực khoa học ứng dụng với mục tiêu cải thiện sự an toàn, bền vững và an ninh của các thành phố trong thời đại đô thị hóa.
Tạp chí Forbes Việt Nam 4.3, công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 trong đó, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng – Trường Đại học Bách khoa ĐHQG-HCM góp mặt ở lĩnh vực khoa học – giáo dục. Trước đó, năm 2017, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng đã được Tạp chí Asian Scientist bình chọn trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á.
Bà cũng là người được trao giải thưởng Khoa học ASEAN-Hoa kỳ dành cho phụ nữ vào năm 2016, giải thưởng này trao cho các nhà khoa học công tác trong lĩnh vực khoa học ứng dụng với mục tiêu cải thiện sự an toàn, bền vững và an ninh của các thành phố trong thời đại đô thị hóa.
Vinh danh nhà khoa học Lê Thị Kim Phụng trên Tạp chí Asian Scientist
Nữ trí thức vượt mọi khó khăn, cống hiến hết mình cho khoa học
Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trò chuyện với TS. Vũ Thị Thu Lan để biết thêm về những cống hiến lặng thầm của các nhà khoa học nữ.