Phát hiện 4 loài Mộc hương mới tại Việt Nam

Đó là Mộc hương Vũ Quang, Mộc hương Cư , Mộc hương Quảng Nam , Mộc hương lá Thottea.

TS. Đỗ Văn Trường và nhóm nghiên cứu Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã phát hiện và mô tả 04 loài thực vật mới thuộc chi Mộc hương (Aristolochia) cho khoa học là: Mộc hương Vũ Quang (A. vuquangensis) tại Hà Tĩnh, Mộc hương Cư (A. luudamcuii) tại Lào Cai và Hà Giang, Mộc hương Quảng Nam (A. quangnamensis) tại Quảng Nam, Mộc hương lá Thottea (A. thotteaeformis) tại Ninh Thuận trong một nghiên cứu của nhóm về: “Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc sử dụng và bảo tồn một số loài Mộc hương (Aristolochia L.) ở Việt Nam”.

Chủ nhiệm TS. Đỗ Văn Trường, khảo sát, thu thập mẫu ngoài thực địa và phân tích mẫu tại phòng tiêu bản
Chủ nhiệm TS. Đỗ Văn Trường, khảo sát, thu thập mẫu ngoài thực địa và phân tích mẫu tại phòng tiêu bản

Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng chi Mộc hương phân bố rộng khắp Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ phân bố của các loài trong chi là không đồng nhất. Trong đó, khu vực Đông Bắc Bộ (12 loài), Bắc Trung Bộ (08 loài), và Tây Nguyên (07 loài), là những trung tâm đa dạng nhất của chi Mộc hương ở Việt Nam.Trong nghiên cứu này, nhóm tiếp tục điều tra bổ sung thêm thành phần loài Mộc hương tại các khu rừng đặc dụng (Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên) của: Cao Bằng, Hà Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, và Lâm Đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra nghiên cứu khu hệ thực vật tại một số khu rừng đặc dụng ở Việt Nam, nhóm cũng kết hợp điều tra và thu thập mẫu vật chi Mộc hương, cụ thể tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Thuận. Trong quá trình nghiên cứu ngoài thực địa, nhóm đã thu thập và hoàn chỉnh 86 mẫu tiêu bản của 44 số hiệu mẫu thuộc 20 loài Mộc hương ở Việt Nam.Nhóm đã ghi nhận và định loại được 31 loài Mộc hương ở Việt Nam, thuộc 02 phân chi Siphisia (21 loài) và Aristolochia (10 loài). Đã thống kê và tổng hợp 18 loài Mộc hương có giá trị sử dụng làm thuốc và làm cảnh. Trên cơ sở khung tiêu chuẩn và tiêu chí phân hạng bảo tồn của IUCN (2012, 2019), nhóm đã tiến hành đánh giá hiện trạng bảo tồn cho 12 loài Mộc hương ở Việt Nam từ mức độ sắp nguy cấp (VU) đến cực kỳ nguy cấp (CR).

Một số loài Mộc hương mới đã phát hiện và mô tả ở Việt Nam
Một số loài Mộc hương mới đã phát hiện và mô tả ở Việt Nam

 Đối với các loài Mộc hương, chủ yếu là nhóm dây leo thân gỗ, phần vỏ thân thường hóa bần nên dường như không chứa tinh dầu, hơn nữa các bộ phận khác như: hoa, quả, và hạt có hàm lượng tinh dầu rất ít hoặc gần như không chứa tinh dầu. Vì vậy, nhóm chủ yếu xác định hàm lượng tinh dầu ở lá và thân cây của các loài Mộc hương được lựa chọn nghiên cứu.Qua nghiên cứu và khảo sát hàm lượng tinh dầu của 08 loài Mộc hương ở Việt Nam, lần đầu tiên phân tích thành phần hóa học tinh dầu và thử hoạt tính kháng viêm cho 02 loài Mộc hương đặc hữu của Việt Nam là Mộc hương Balansa (A. balansae) và Mộc hương Xuân Liên (A. xuanlienensis). Kết quả chỉ ra rằng, hàm lượng tinh dầu trong lá cao hơn (0,182-1,147 ml/kg) so với hàm lượng tinh dầu trong thân (0,091-0,231 ml/kg) của các loài được nghiên cứu. Đã xác định thành phần hóa học tinh dầu loài Mộc hương Balansa (A. balansae) gồm 63 hợp chất chiếm 78,58% tổng hàm lượng tinh dầu; loài Mộc hương Xuân Liên (A. xuanlienensis) gồm 34 hợp chất chiếm 52,98% tổng hàm lượng tinh dầu. Nghiên cứu thử nghiệm hoạt tính đối với loài A. balansae cho thấy có khả năng ức chế sinh trưởng đối với vi sinh vật kiểm định. Trong khi đó, thành phần hóa học tinh dầu Mộc hương Xuân Liên (A. xuanlienensis) mới xác định được 34 hợp chất chiếm 52,98% tổng hàm lượng tinh dầu. Đây là kết quả khoa học ban đầu, góp phần định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo.Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình nhân giống bằng hom sinh dưỡng thành công cho các loài Mộc hương ở Việt Nam, và tiến hành thử nghiệm nhân giống cho 05 loài Mộc hương sử dụng chế phẩm N3M. Kết quả cho thấy, hom của các loài được nghiên cứu nẩy mầm, sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu và đánh giá khả năng ra rễ của hom sinh dưỡng ở phần đỉnh sinh trưởng của các loài Mộc hương sử dụng các chế phẩm kích thích ra rễ khác như: Indole -3-Acetic Acid (IAA), Indole Butyric Acid (IBA), Gibberelic Acid (GA3) và Naphthalene Acetic Acid (NAA) ở các nồng độ khác nhau; làm cơ sở để bảo tồn và phát triển nhóm Mộc hương trong các mô hình bảo tồn.

Phát hiện 4 loài Mộc hương mới tại Việt Nam
Hom ra chồi được trồng trực tiếp xuống giá thể hỗn hợp sau 1 tuần (A) và 3 tuần (B) của loài Aristolochia tonkinensis
Hom ra chồi được trồng trực tiếp xuống giá thể hỗn hợp sau 1 tuần (A) và 3 tuần (B) của loài Aristolochia tonkinensis

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đề tài đã công bố 04 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục SCI-E (02 bài trên Phytotaxa; 01 bài trên Annales Botanici Fennici; 01 bài trên Acta Phytotaxonomica et Geobotanica); 02 bài báo trên tạp chí quốc gia (Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam).Với những kết quả đã đạt được, nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục điều tra bổ sung thành phần loài, hiện trạng bảo tồn các loài Mộc hương ở Việt Nam và vùng lân cận; tiếp tục phân tích và định loại các mẫu đã thu thập được nhưng chưa đủ căn cứ để định loại. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, khảo sát hoạt tính sinh học của các loài Mộc hương ở Việt Nam, đặc biệt là các loài đặc hữu, là cơ sở khoa học quan trọng, góp phần định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo, nhằm phát triển các sản phẩm ứng dụng từ nhóm Mộc hương.

Nguồn:Viện Hàn Lâm Khoa học và  Công nghệ Việt Nam

Chu Thị Ngân - Minh Tâm

Làm thế nào để nâng cao ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong thực tiễn?

Làm thế nào để nâng cao ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong thực tiễn?

Để các kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn cần rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý.