Thông tin ban đầu, khoảng 16h30 chiều 24/10, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường, Công an quận Thanh Khê bất ngờ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, y tế tại cơ sở kinh doanh dịch vụ Thẩm mỹ ID Korea (đường Hùng Vương, quận Thanh Khê).
Qua kiểm tra thực tế, cơ sở này không xuất trình Hợp đồng thu gom chất thải nguy hại theo quy định, không trang bị thùng rác chuyên dụng để thu gom, lưu giữ rác thải y tế, rác thải nguy hại tại cơ sở; cơ sở chỉ trang bị thùng rác thông thường không có nắp đậy; không bố trí khu vực để thùng rác y tế; rác thải y tế để chung với rác thải thông thường.
Đặc biệt, tại thời điểm kiểm tra, nhân viên của cơ sở là bà L.T.H (SN 1999, trú Nghi Sơn, Thanh Hóa) đang thực hiện dịch vụ "nâng ngực" cho 1 khách hàng nhưng chưa từng được đào tạo chuyên môn, không có bất kỳ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Theo bà H cung cấp thì H chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 và khi khách hàng đến liên hệ để thực hiện các dịch vụ thì nhân viên marketing của cơ sở luôn giới thiệu bà H là "bác sĩ thẩm mỹ giỏi nhất Đà Nẵng".
Trước khi thực hiện thủ thuật, "bác sĩ" H cũng tiến hành khám sức khỏe, lấy máu của khách hàng với mục đích xét nghiệm nhưng thực tế việc lấy máu chỉ là thủ đoạn để tăng lòng tin về tính chuyên nghiệp của cơ sở mà không có bất kỳ hoạt động xét nghiệm nào.
Qua kiểm tra, công an phát hiện toàn bộ số máu lấy từ khách hàng đều được cho vào thùng rác trên tầng 3 của cơ sở (số máu này không được bảo quản, để rơi vãi ra xung quanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nguy hiểm).
Toàn bộ số máu lấy từ khách hàng đều được cho vào thùng rác trên tầng 3 của cơ sở. |
Ghi nhận của cơ quan công an, "Viện thẩm mỹ ID Korea" được quảng cáo trên mạng xã hội thực chất chỉ là cơ sở hoạt động ngành nghề kinh doanh dịch vụ phun thêu xăm thẩm mỹ theo giấy phép kinh doanh do UBND quận Thanh Khê cấp ngày 22/5/2023.
Cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ Spa, thẩm mỹ và thực hiện các thủ thuật gồm: nâng ngực, nâng mũi, dùng máy can thiệp, tiêm Filler, botox và các dược chất khác… vào cơ thể của khách nhưng không có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ của Sở Y tế Đà Nẵng theo quy định.
Cơ sở làm đẹp này cũng đã sử dụng thuốc để tiêm và thực hiện dịch vụ can thiệp "Nâng ngực" cho 1 khách hàng trong khi không phải là bệnh viện hoặc đơn vị có chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Ngoài ra, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường, Công an quận Thanh Khê cũng lập biên bản tạm giữ 504 sản phẩm vật tư y tế tàng trữ tại cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Vụ việc đang được tiếp tục xác minh, làm rõ.
Một phụ nữ tử vong khi nâng ngực tại Bệnh viện 1A, trách nhiệm thuộc về ai?
Tình trạng phẫu thuật thẩm mỹ “chui” tại Bệnh viện 1A đã diễn ra trong một thời gian dài và đã được báo chí phản ánh, nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng vẫn làm ngơ để xảy ra sự cố chết người tại đây?