Phim nghệ thuật Ả đào: tái hiện giai đoạn thăng trầm của nghệ thuật ca trù và số phận của các cô đầu

Dự án phim nghệ thuật Ả đào không chỉ tái hiện giai đoạn thăng trầm của nghệ thuật ca trù mà còn tri ân các đào kép danh tiếng thế kỷ 20

Dự án phim nghệ thuật Ả đào tái hiện bối cảnh âm nhạc ả đào những năm 1929 – 1946, khi sự phân hóa giai cấp diễn ra nhanh chóng trong toàn bộ xã hội Việt Nam, nhiều giá trị đạo đức truyền thống rạn nứt trước sự xâm thực của văn minh phương Tây. Nghệ thuật ả đào cũng có sự biến chuyển, từ không gian diễn xướng cửa đình, cửa quyền, chuyển sang các ca quán. Thời kỳ này, nhà hát, quan viên, đào kép đều tăng lên ngày một nhiều.

Cô đầu Cúc, kép Hai - nhà hát Chu Thị trong một chầu hát ca quán
Cô đầu Cúc, kép Hai - nhà hát Chu Thị trong một chầu hát ca quán

Khi sinh hoạt Hát nói, với không gian là ca quán, mà khách nghe là các tay tài tử, thạo các ngón ăn chơi ở đời và mang đến cả một bầu tâm sự thì không khí của cuộc hát còn có một sức hút khác, ngoài việc thưởng thức thơ nhạc. Quan viên đến nghe hát không chỉ là những người yêu thơ và nhạc nữa mà còn có cả những người đến đây để tìm thú vui lạ của những buông thả. Hát cô đầu (hát ả đào, hát nhà tơ) do thế mà bị mang tiếng. Cô đầu hát dễ bị đánh đồng với cô đầu rượu. Tiếng oan của các cô đầu hát, của lối chơi ca trù tao nhã, của một nghệ thuật cổ, vì thế đã kéo dài suốt 100 năm nay, cho đến tận bây giờ.

Cô đầu Uyên - nhà hát cô Đốc Lý, Khâm Thiên trong phim
Cô đầu Uyên - nhà hát cô Đốc Lý, Khâm Thiên trong phim

Dự án phim nghệ thuật Ả đào được sản xuất không chỉ nhằm mục đích tái hiện lại giai đoạn thăng trầm của nghệ thuật ca trù mà còn như một lời minh danh cho các cô đầu hát, lời tri ân các đào kép danh tiếng thế kỷ 20 cùng các đào nương, đào rượu vô danh đã hy sinh thân mình bảo vệ thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946.

Những đào nương, kép đàn tài danh thế kỷ XX
Những đào nương, kép đàn tài danh thế kỷ XX

Phim thuộc thể loại tài liệu, được xây dựng theo thủ pháp phim truyện hồi cố, dài 60 phút do Công ty truyền thông BIBI media sản xuất với sự bảo trợ của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng đơn vị tìm tài trợ- Công ty cổ phần ICEP-HanoiClassy. Phim được chia làm 3 chương:

*Chương 1- “Cửa đình”: Phác họa hình thức Hát cửa đình trong không gian văn hóa nghi lễ tín ngưỡng nơi đình làng. Đây là hình thức sinh hoạt phổ biến của nhạc Ả đào, là kế sinh nhai chủ yếu của đào kép giáo phường trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến.

*Chương 2- “Nhà hát Cô đầu”: Mô tả đời sống sôi động của hệ thống ca quán/ nhà hát Cô đầu Hà Nội những năm 40 thế kỷ 20. Bên cạnh đó, phim cũng làm sống lại hình ảnh mối quan hệ khăng khít gắn bó giữa giới văn sĩ Hà thành cùng các nhà hát Cô đầu- một mối quan hệ đầy tính nhân văn, ảnh hưởng sâu sắc tới một thời kỳ lịch sử văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

*Chương 3 “Lưu lạc”: Tái hiện câu chuyện mùa Đông năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, rất nhiều cô đầu Hà Nội đã anh dũng chiến đấu/ hy sinh cùng các chiến sĩ cảm tử quân, vệ quốc đoàn... để bảo vệ thủ đô. Đây là những khúc ca bi tráng mà rất ít người biết tới! Và, hàng trăm cô đầu cũng rời Hà Nội tản cư lên chiến khu, tham gia kháng chiến... Rồi sau giải phóng thủ đô 1954, cuốn theo dòng lịch sử, với quan niệm xã hội mới, toàn bộ đào kép phải lần lượt bỏ nghề... Thời hoàng kim của Ả đào chính thức khép lại!

Cô đầu Nguyệt - nhà hát Đốc Lý - Khâm Thiên trong phim
Cô đầu Nguyệt - nhà hát Đốc Lý - Khâm Thiên trong phim

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - tác giả kịch bản và cố vấn nghệ thuật dự án phim nghệ thuật Ả đào cho biết: chúng tôi đã có ý tưởng dựng phim về nghệ thuật ca trù từ rất lâu rồi, từ những năm 2017. Nhưng ngày đó chưa có đủ kinh phí. Để tái hiện một cách sống động nhất về cuộc đời, về số phận của các danh ca, danh cầm nổi tiếng đương thời, ekip làm phim đã lựa chọn rất kỹ lưỡng từ bối cảnh, phục trang, âm nhạc, mỹ thuật cho đến hình thức thể hiện của phim...

Đạo diễn Nguyễn Trung Thành chia sẻ thêm: Dự án phim nghệ thuật Ả đào được xây dựng theo phong cách tài liệu điện ảnh. Ở Việt Nam, có thể bạn đã biết tới “Đoạn trường vinh hoa”, hay “Lửa Thiện Nhân” là một số ít phim tài liệu được thực hiện theo phong cách này. Chúng tôi muốn tái hiện một cách chân thực nhất bối cảnh nghệ thuật ả đào những năm 1929, 1930 – 1946, nên khi casting chúng tôi không lựa chọn diễn viên chuyên nghiệp. Với các vai diễn ca nương, đào kép, chúng tôi lựa chọn các ca nương, đào kép tại các phường hát khắp miền Bắc. Còn các vai văn nghệ sỹ, chúng tôi sưu tầm ảnh tư liệu và lựa chọn những người có khuôn mặt giống với nhân vật nhất để thủ vai. Đặc biệt là âm thanh và âm nhạc trong phim được thu thanh trực tiếp, do đó người xem sẽ thấy có người nói giọng Hải Phòng, có người giọng vùng này, vùng kia, phương ngữ rất rõ rệt. Đó cũng là một trong những điều khiến khán giả sẽ cảm nhận được sự chân thực, mộc mạc và gần gũi chứ không cảm thấy phim tài liệu là khuôn mẫu, cứng nhắc.

Hiện ekip đang gấp rút tìm kiếm diễn viên cho một số nhân vật quan trọng còn thiếu, bao gồm các nhà văn: Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Tchya Đái Đức Tuấn, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và tích cực chuẩn bị để kịp ra mắt phần trailer vào tháng 4/2021.

Diệu Thuần (t/h)

Phim 'Vị' của đạo diễn Lê Bảo đoạt giải tại Liên hoan phim Berlin

Phim "Vị" của đạo diễn Lê Bảo đoạt giải tại Liên hoan phim Berlin

Bộ phim "Vị" (Taste) của đạo diễn Việt Nam Lê Bảo cũng xuất sắc giành giải thưởng danh giá của Liên hoan phim Berlin lần thứ 71.